Mừng cưới là quyền cá nhân, không nên bị phán xét
Nhận được tấm thiệp cưới của bạn đại học đã hai năm chưa liên lạc, Thu Hà (30 tuổi, nhân viên văn phòng, độc thân, Hà Nội) thở dài ngao ngán vì lại phải chịu cảnh ví mỏng đi ít nhiều. Đây đã là tấm thiệp cưới thứ ba mà cô nhận được trong vòng một tháng nay, hai chiếc thiệp còn lại đến từ đồng nghiệp cùng công ty nhưng không mấy thân thiết.
Bây giờ, bài toán khó cho Thu Hà là sẽ phải cân đối ngân sách cho việc mừng cưới vì bão giá kéo đến trong khi thu nhập không tăng. Sau khi cân nhắc, Thu Hà lựa chọn sẽ không đi đám cưới bạn đại học vì đã mất liên lạc từ quá lâu và cô không có nhu cầu liên hệ lại với người này. Còn với đồng nghiệp chẳng mấy khi trò chuyện cùng, Thu Hà vẫn mừng cưới vì cô thường chạm mặt họ ở công ty và sợ điều tiếng "mình mời cưới mà bạn không chịu đi".
Khác với Thu Hà, Ngô Hoàng Bảo Anh (32 tuổi, nhân viên văn phòng, độc thân, TP HCM) lựa chọn vẫn mừng cưới tất cả những mối quan hệ thân thiết lẫn kém thân và cả trường hợp đã mất liên lạc từ quá sáu tháng trở lên. "Tôi cho rằng những người đã mất liên lạc hoặc kém thân thiết mời mình đi ăn cưới là những người thiếu tế nhị. Hơn nữa, nhiều khả năng, sau đám cưới, giữa tôi và họ không còn liên lạc gì. Nhưng nếu không đi dự cưới, cô dâu chú rể có cớ trách cứ tôi. Ngược lại, nếu đi, bản thân tôi cũng không cam lòng khi phải bỏ ra số tiền quá lớn cho một bữa cơm. Dẫu vậy, tôi vẫn chọn giải pháp gửi tiền mừng qua người quen dù thấy lãng phí, mục đích chủ yếu là để tránh những lời trách cứ", Bảo Anh nói.
Hà My (36 tuổi, kinh doanh online, đã kết hôn, Hà Nội) cho rằng việc mừng hoặc không mừng cưới người đã lâu không liên lạc hay kém thân thiết là quyền của mỗi cá nhân, không ai có quyền phán xét. Theo cô, mốc để tính đã lâu không liên lạc là từ một năm trở lên.
"Cô dâu, chú rể có thể có tâm lý sợ bị bạn bè trách cứ vì tổ chức đám cưới nhưng không mời nên quyết định mời hết tất cả những người có liên hệ. Ở trường hợp của tôi, tùy vào tình cảm trước đó giữa tôi và người mời, tôi sẽ quyết định đi hay không. Nếu tôi quý người đó, kể cả đã lâu không liên lạc, tôi vẫn sẽ đi dự tiệc. Còn nếu chúng tôi chỉ giữ mối quan hệ xã giao, tôi không đi và cũng không gửi tiền mừng. Trường hợp ngoại lệ là tôi với người đó không mấy thân nhưng nếu được gặp nhiều bạn thân thiết ở tiệc, tôi vẫn sẽ đi, coi như một dịp gặp bạn cũ. Nhưng uyên ương cũng không nên coi đám cưới là cớ để kiếm chác", cô nói.
Mừng bao nhiêu tiền cho đám cưới của người không mấy thân thiết?
Thu Hà cho hay: "Ngày trước, những tháng cao điểm, tôi có thể nhận từ năm đến bảy tấm thiệp cưới cùng lúc và phải chi tới hai triệu đồng tiền mừng hoặc hơn. Cụ thể là tôi sẽ chi ra khoảng 300.000 đồng để gửi phong bì mừng người không thân thiết và con số này là 500.000 đồng nếu tôi trực tiếp dự cưới. Tính ra số tiền tôi tiêu để mừng cưới trong gần 10 năm đi làm thật sự là khoản khổng lồ. Do vậy, với tôi, những tấm thiệp cưới đến từ người không thân thiết và không liên lạc từ lâu là một gánh nặng. Bây giờ, tôi thường chọn gửi tiền mừng hoặc thậm chí không đi".
Bảo Anh cũng chỉ mừng 300.000 đồng với những người kém thân hoặc không liên lạc từ lâu. Với những người thân hơn, cô mừng từ 500.000 - 1 triệu đồng. Duy chỉ các mối quan hệ không liên quan tới lợi ích, không thân thiết, Bảo Anh sẽ từ chối bỏ tiền mừng.
Hoàng Tùng (35 tuổi, nhân viên văn phòng, đã kết hôn, Hà Nội) mừng cưới cả những người ít liên lạc, hiếm khi gặp mặt anh. "Nếu trước đây, họ đã mừng đám cưới của tôi thì thậm chí 10 năm sau giữa hai bên không liên hệ, tôi vẫn sẽ mừng đúng hoặc hơn số tiền họ đã mừng ở đám cưới mình. Nói chung tùy tình hình lúc đó rồi tính, chúng ta cũng không nên để đồng tiền làm mất tình cảm xã hội", anh cho hay.
Có nên mời cưới những người kém thân thiết từng mời mình?
Với Thu Hà, câu trả lời này là không. Lý do bởi cô không biết bao giờ mình sẽ thoát cảnh độc thân và nếu có đôi, cô cũng không định mời người kém thân hoặc ít liên lạc ở tiệc cưới của mình. "Điều đó không cần thiết, tôi chỉ muốn ngày trọng đại thực sự là ngày vui, có gia đình, bạn bè thân thiết bên cạnh thay vì mong chờ được hoàn lại số tiền tôi đã bỏ ra để mừng cưới bấy lâu", cô cho hay. Cô cũng không muốn những khách mời này trở nên khó xử trong ngày vui của mình.
Đồng quan điểm với Thu Hà, Bảo Anh cũng không mời người kém thân tới tiệc cưới của mình nếu tiệc được diễn ra. "Tôi nghĩ tốt nhất, ai cũng nên có tự trọng và không mời người kém thân thiết hoặc đã lâu không liên lạc đi ăn cưới. Vì khi làm vậy nghĩa là bạn chưa nghĩ cho khách mời và đang tạo gánh nặng kinh tế nhất định tới khách", Ngô Hoàng Bảo Anh nói.
Hằng Trần