Hôm nọ, tình cờ Việt nghe mấy bác xe lôi ở Bến xe khách Cần Thơ rủ rê nhau: “Chiều nay đi uống rượu đế ôm ở “Cổ Mộ quán” nhé anh em!”. Phải năn nỉ mãi, Việt mới được mấy bác xe lôi cho địa chỉ của quán nhậu không đụng hàng này. Đó là một ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa hàng chục ngôi mộ cổ ở gần khu vực Đầu Sấu, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Nhìn bề ngoài, không ai có thể nghĩ rằng đây là một quán nhậu bình dân, chứ nói chi là quán có em út.
Phía trước nhà được “ngụy trang” bằng các loại quà vặt bán cho học sinh, còn phía sau mới là... lãnh địa của rượu đế ôm. Mặc dù không hề có bảng hiệu, nhưng quán rượu đế này đã được dân nhậu đặt cho cái tên nghe rất hấp dẫn: Cổ Mộ quán.
Tiếp viên của quán này đều là “hàng dạt” trong độ tuổi U40. Và đương nhiên, giá tiền “bo” cũng khá “bèo”, chỉ 10.000-20.000 nghìn đồng/ “em”. Bàn nhậu của quán được đặt ở khoảng trống giữa 2 ngôi mộ. Có khi không cần bàn ghế, khách có thể ngồi bệt ngay lên phần mộ để vừa nhậu, vừa “ôm”. Khi nào có khách đến thì chủ sẽ cho Honda ôm “điều” các “em” tới. Khách “mối” của quán thường là những tay nghiện ma túy, phụ hồ, chạy xe lôi, bán vé số dạo...
Quán rượu đế ôm này nằm sát bên Trường Tiểu học Hưng Lợi I và hoạt động hàng chục năm nay, nhưng vẫn không thấy chính quyền đến “hỏi thăm”. Một giáo viên của trường bức xúc cho Người Lao Động biết: “Trước đây, nhà trường có trình báo lên UBND phường Hưng Lợi về tình trạng khách và tiếp viên của quán nhậu này đã “ôm” công khai trước mặt học sinh. Do chẳng thấy ai đá động gì đến nên nhà trường đành phải xây một bức tường ngăn cách với cái “động” này”.
Còn anh Tiến, một người dân ngụ tại khu vực này, cho biết vụ việc này đã được dư luận phản ánh, nhưng bà Sáu (tên gọi của chủ quán) vẫn cứ ngang nhiên hoạt động.
Điều khó hiểu là, trước lối đi vào “Cổ Mộ quán”, UBND phường Hưng Lợi có đặt chốt dân phòng. Thế nhưng hoạt động của quán rượu đế ôm này cứ diễn ra rầm rộ.
Đến Bạc Liêu, nghe rất nhiều người dân ở khóm 4, phường 2, thị xã Bạc Liêu bàn tán sôi nổi xung quanh sự hiện diện của một cái xóm nghe rất hãi hùng: Xóm Mả.
Phía trước khu vực xóm Mả là chùa Địa Mẫu Cung (tức chùa Bà). Trước đây, bên hông chùa có một khu đất trống, nên vài người vô gia cư đã dựng nên những căn nhà tạm bợ để sinh sống qua ngày. Chỉ ít lâu sau, con cháu của những hộ này đến tuổi dựng vợ gả chồng nên cần đến một “mái ấm” riêng. Và thế là, khu vực nghĩa địa phía sau chùa trở thành chốn nương thân của họ. Từ đó, cái tên “xóm Mả Bạc Liêu” ra đời.
Hiện tại xóm Mả ở Bạc Liêu có trên 20 hộ dân đang sinh sống. Sáng sớm, mọi người tỏa đi khắp nơi để bán hàng rong, bán vé số dạo, làm thuê cuốc mướn... Đến khi đỏ đèn, họ âm thầm quay trở về với “mái ấm” của mình, chẳng hề giao du với bất kỳ một ai. Một phần vì đêm đến, đường vào xóm Mả tựa như đi vào cõi âm phần khác là vì mặc cảm nên họ ngại tiếp xúc với người ngoài.
Chính vì lẽ đó, khi lớn lên, các đôi trai gái ở xóm Mả lại tìm đến nhau để xây dựng tổ ấm và con cái của họ sinh ra chẳng hề có khai sinh và cũng không được đến trường. Khi hỏi về điều kiện sinh hoạt tại đây, chị Phượng, một “cư dân” ở xóm Mả, tỏ ra ngao ngán: “Nước thì đi gánh tận ngoài chùa Bà, cách xóm Mả hàng trăm mét. Nếu mướn người khác gánh thì trả công 1.000 đồng/đôi. Chính vì thế, một thau nước được bà con sử dụng cho rất nhiều việc, như: vo gạo, rửa rau, rửa chén... Còn điện thì phải câu nhờ người khác với giá 3.000 đồng/KW, nhưng chỉ vài ba hộ mới có khả năng sử dụng; số còn lại đều đốt đèn dầu”.