- Anh thích người khác gọi mình là nhạc sĩ hay ca sĩ?
- Nào có quan trọng gì, quan trọng là mình làm được điều gì. Khi sáng tác, tôi ý thức trách phận nhạc sĩ của mình để những nốt nhạc có thể sống, khi lên sân khấu biểu diễn thì chỉ nghĩ rằng mình đang hát, sao cho khán giả có thể ngồi lại... mà không chê bai. Còn khi mình làm việc không ra trò mà nhận vai trò này, danh xưng nọ thì xấu hổ lắm. Tôi ý thức rõ điều này từ khi bước chân xa quê, vào Sài Gòn lập nghiệp.
Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt. |
- Nhìn lại chặng thời gian 10 năm hẳn là anh có thể gọi tên những vui buồn, tiếc nuối, hài lòng?
- Buồn thì nhiều, vui ít, và khó mà thấy hài lòng về những gì mình đi qua, làm được. Tôi nghĩ không chỉ mình mà nhiều nghệ sĩ khác cũng thế. Hạnh phúc nhiều nhất là khi đứa con tinh thần của mình được đón nhận, được sẻ chia. Tôi nhớ lúc vừa viết Còn đó chút hồng phai xong, nhiều người nói với tôi: "Sao lại viết loại nhạc này". Đó là "thời" của Tình thôi xót xa, Một thời đã xa, Trống vắng... Nhưng, vốn dĩ là người cứng đầu, tôi trung thành với kiểu sáng tác của mình.
- Đến bây giờ, ca khúc của Vũ Quốc Việt vẫn "già trước tuổi". Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Nhiều lao đao, nhiều vật lộn bởi con đường tôi đi khác nhiều bè bạn. Tôi là người đến sau, không mong những ca khúc trữ tình mình sáng tác có chiều sâu hay nồng nàn hơn những ca khúc trữ tình trước đây đã được thời gian và lòng người thẩm định. Mà sáng tác nhạc trẻ trung sôi động như Hãy hát lên, Về đây thì lại không dứt ra được những trăn trở ưu tư. Có lúc tôi thấy mình đứng giữa hai dòng nước mà mình chẳng thể hoà vào đâu, thấy rõ sự thất bại và có khi muốn bỏ nghề.
- Ba album đã ra mắt của anh "Như những phù vân", "Gọi tên em", "Bình thường thôi", đều buồn da diết. Anh có ngại một thời điểm nào đó nhàm chán với phong cách của mình?
- Sự nhàm chán thì cũng đã có rồi. Đó là lúc tôi phải sáng tác khác đi, như phong cách dân ca trong Ru lại câu hò, nhạc trẻ trong Hãy hát lên... Ra album thứ 3, nhưng tôi đã có sẵn dự trù cho album 4, 5... trong sáng tác của mình. Thực sự trong thời điểm này mới thấy đúng nhất cái "chất" chính mình.
(Theo Lao Động)