Tina Yuan, tên thật là Nguyễn Thương, đón Tết Nguyên đán ở đảo quốc sư tử do Covid-19. Cô có nhiều hoạt động hướng về nguồn cội trong dịp này như chụp ảnh áo dài tại các địa điểm nổi tiếng của Singapore, gói bánh chưng tặng người đồng hương, tái hiện Tết Việt ở thành phố nơi cô sống... Trước Tết, cô chuẩn bị hai bộ áo dài sắc xanh và hồng: một bộ in bản đồ Việt Nam, bộ kia có họa tiết trâu vàng lấy cảm hứng từ bức tranh Đông Hồ 'Chăn trâu thổi sáo'. 'Mặc áo dài giúp tôi vơi đi nỗi nhớ quê hương đồng thời giới thiệu đến bạn bè quốc tế phong tục diện áo dài trong dịp Tết của người con gái Việt', cô chia sẻ. Tina chọn bối cảnh thực hiện bộ hình tại một số tuyến phố đẹp nhất của đảo quốc sư tử, đặc biệt là công viên Merlion. Cô kể rằng khi cô rảo bước tạo dáng, tà áo dài bay bay thu hút sự chú ý của người qua đường. Lúc đó, cô cúi chào, mỉm cười và nói lời chúc năm mới bằng tiếng Việt. Dù không sở hữu vóc dáng lý tưởng như người mẫu, Tina tin rằng mỗi người phụ nữ khoác lên mình tà áo dài đều hoàn hảo. Trong những năm sống ở Trung Quốc, Singapore, hay Mỹ, cô luôn chọn trang phục truyền thống để diện trong những dịp quan trọng. Chiếc áo màu xanh biểu trưng cho khát vọng hòa bình được nữ nhà văn diện với biểu cảm tự hào. Khi sinh sống và làm việc ở nước ngoài, cô luôn tỏ ra là một người Việt Nam thân thiện, hiếu khách và mong muốn kết giao với bạn bè quốc tế. Tina biết bốn ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Đức và đang học thêm tiếng Myanmar. Cô là thành viên tích cực của cộng đồng người Việt ở Singapore, chủ nhân lớp dạy tiếng Anh phi lợi nhuận cho sinh viên và lao động Việt Nam tại đảo quốc sư tử. Covid-19 chưa được kiểm soát tại nơi Tina sống nên sinh hoạt của cô vẫn trong vòng hạn chế. Nữ nhà văn chỉ ra ngoài một lúc để chụp ảnh tại những nơi vắng người qua lại rồi về nhà để tuân thủ nguyên tắc phòng dịch. Là người Việt Nam, cô cảm thấy thiếu vắng nếu không có tấm ảnh áo dài trong dịp đầu năm mới. Tường San