Một sáng tháng 9/2016, Lý Đài Trang, giáo viên một trường mầm non ở Thái Nguyên, sửa soạn quần áo, cặp sách để đến trường đón năm học mới. Trang được giao phụ trách bơm bóng bay ở khu vực khán đài cho buổi lễ khai giảng.
Một, hai, ba... và số bóng nhiều hơn cho đến khi mọi người bơm trái bóng to như chiếc ôtô bằng khí hydro. Một tiếng nổ lớn phát ra, khắp cơ thể Trang, từ mặt mũi đến chân tay... hễ chỗ nào hở đều bị lửa bén. Trong tích tắc, cơ thể Trang như một ngọn đuốc sống.
Trang nhìn bàn tay mình, đôi bàn tay xinh đẹp cô luôn "tự hào", đẫm máu, trồi lên mảng da thịt màu hồng. Đôi chân cũng vậy. Gom hết bình tĩnh, Trang chạy đến bể bơi của trường rồi nhảy xuống nhưng bên dưới không có nước. Thấy chiếc vòi bên cạnh, cô cầm lên, xả nước từ trên đầu xuống chân, trước khi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên.
Trên đường chuyển xuống Viện Bỏng Quốc gia, Trang được các bác sĩ cắt hết lớp quần áo cháy, sơ cứu và thay băng. Hai tai phồng rộp, đỏ chót như quả cà chua. Nhập viện, Trang được yêu cầu tắm lạnh. Cô nằm trên một chiếc bàn phẫu thuật, xung quanh rất nhiều y, bác sĩ. Họ lấy bông gạc cào trên người cô hết phần da bong. Đau đớn, nhưng cô không thể kháng cự.
Tắm xong, bác sĩ bảo phải cạo hết tóc, Trang không đồng ý. Nhưng thời điểm đó, không cạo đồng nghĩa với việc cô chấp nhận cái chết. Gia đình và bạn bè ra sức thuyết phục khiến cô buộc phải chấp nhận.
Gần một tháng điều trị tại khoa Cấp cứu của Viện bỏng, Trang trải qua 4 cuộc phẫu thuật ghép da. Tuần đầu tiên, cô không được uống thuốc giảm đau. Tuần thứ hai, các bác sĩ buộc phải tiêm thuốc mỗi lần thay băng vì bệnh nhân không thể chịu đựng sự đau đớn.
Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, người điều trị chính cho Trang, cho biết bệnh nhân và một cô giáo khác nhập viện trong tình trạng bỏng nặng, bỏng rộng, bỏng đường hô hấp trên và có sốc bỏng, tinh thần hoảng loạn. Trang là bệnh nhân nặng hơn với diện tích tổn thương bỏng trên da hơn 40 % và bỏng sâu hơn 20%, chủ yếu ở chân và rải rác ở thân mình.
Kết thúc 40 ngày điều trị, Trang được xuất viện về nhà. Mỗi ngày trôi qua, cô chịu đựng những cơn đau dồn dập. Cô sống bằng thuốc kháng sinh, nhiều lần tự cầm kéo cắt đi từng vết thương.
"Cơ thể tôi khi ấy chằng chịt băng trắng, bàn tay co quắp, các ngón tay dính liền vào nhau rất khó cử động. Tôi từng rất tự tin với bản thân, không bao giờ nghĩ một ngày kia bị xấu xí và khinh khủng đến vậy. Đó là lúc tôi hoảng loạn nhất", Trang hồi tưởng.
Không chấp nhận tình cảnh của bản thân, Trang rơi vào trầm cảm suốt một năm trời. Ngày nào, Trang cũng khóc, nỗi ám ảnh đi vào từng giấc ngủ. Mỗi khi nhắm mắt, nghe tiếng động bên ngoài, Trang lại cảm tưởng chiếc xe băng chạy dọc hành lang bệnh viện.
Sau một thời gian, Trang được gia đình động viên ra ngoài để tinh thần thoải mái. Cô muốn trở lại trường để gặp mọi người. Vừa nhìn thấy cô, đám học trò nhỏ vây quanh hỏi: "Mẹ Trang bị sao thế? Tay mẹ Trang xấu thế? Mẹ bị bỏng à?". Những lời nói ngây ngô của lũ trẻ khiến Trang bật khóc, giằng co giữa hai suy nghĩ: "Giờ nên sống tiếp hay chết đi?"
Cô nhiều lần nghĩ đến tự tử, nhốt mình trong phòng và đập phá đồ đạc. Với Trang, đó là những tháng năm bi kịch với một cô gái mới 24 tuổi. Giây phút đứng trên thành cầu định kết thúc tất cả, Trang quyết định sống một cuộc đời tích cực hơn.
Trang quay về với căn phòng nhỏ, tự hỏi: "Nếu có thể đi lại, thì sẽ làm nghề gì?"
Cô cố trấn tĩnh bản thân và tìm lý do để tiếp tục sống. Quyết không ăn bám bố mẹ, Trang hướng đến công việc bán hàng online không tốn quá nhiều sức lực. Cô chủ động đóng gói hàng hoá, tự chủ kinh doanh. Để phát triển hơn nữa, cô xin bố mẹ lên Hà Nội.
Trang chưa từng có một giấc ngủ ngon khi hễ nhắm mắt lại hình dung băng ca y tá đẩy trong đêm sặc mùi thuốc sát trùng. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn, trong tâm trí cô gái 27 tuổi. Gần 4 năm sau ngày định mệnh biến Trang từ một cô giáo mầm non xinh đẹp thành ngọn đuốc sống, những vết sẹo chằng chịt ở chân và tay, bên tai cô giờ "nhô" lên một thớ thịt nhỏ. Giờ mỗi khi ra ngoài, cô đều khéo léo chọn trang phục để che đi những thớ sẹo lồi.
Đài Trang giờ đã nuôi tóc dài, chưa có người yêu vì muốn tập trung cho công việc. Cô thấy may mắn hơn những bệnh nhân bỏng khác khi vẫn còn tay và chân, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Trang chủ động nói chuyện với những người bệnh bị bỏng khác để động viên họ vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần. Trang cũng tìm hiểu những phương pháp chữa bỏng, không còn than trách hay nhắc lại sự cố bốn năm trước dù vết thương vẫn khiến cô đau nhức mỗi ngày.
"Tôi học cách chấp nhận để sống tiếp, nếu không, tôi đang tự hủy hoại bản thân. Tôi đã nỗ lực bằng 100% sự cố gắng để vượt qua bao nhiêu nỗi đau, trở lại cuộc sống của một người bình thường", Trang tâm sự.