So với tựa đề tiếng Anh Brave Citizen, tên phát hành ở Việt Nam - Cô giáo em là số 1 - tạo sức hấp dẫn hơn cho phim Hàn mới ra mắt. Cụm từ này cũng ít nhiều gợi không khí vui cười, bước đầu phác họa chân dung một giáo viên có sự khác thường giữa môi trường giáo dục.
Trong vai trò giáo viên tập sự, Si Min được đồng nghiệp lứa trước căn dặn học cách nhắm mắt làm ngơ mọi sự xảy ra trong trường, tránh chuốc họa vào thân cho tới ngày được vào biên chế chính thức. Từ một cô gái cá tính mạnh, cô oằn mình giả lả, nhập vai thục nữ.
Chỉ tới khi giáp mặt cậu ấm Han Su Kang, máu nóng trong lòng Si Min trỗi dậy. Ỷ lại gia đình là nhà đầu tư lớn của trường, bố mẹ làm trong ngành tư pháp, Su Kang một tay che trời ở trường cấp ba, bạo hành bạn học, bắt nạt giáo viên. Một sự vụ kinh thiên động địa liên quan đến tên học sinh bá đạo này được xem là nỗi đau của trường, nhưng cũng được giấu nhẹm.
Không thể trực tiếp ra mặt, Si Min đeo mặt nạ, hóa miêu nữ đối đầu Su Kang. Một lần bắt gặp hắn đánh đập người khác, cô hạ gục hắn bằng những đòn điêu luyện. Tưởng rằng có thể dằn mặt thiếu gia bạo lực này, Si Min đối mặt nhiều sóng gió và bước vào cuộc đối đầu 1:1 với Su Kang.
Qua những hình ảnh được hé lộ trong trailer, Cô giáo em là số 1 đánh lừa khán giả đây là một cuốn phim thuần túy hài hước, các màn tỉ thí giữa Si Min - Si Kang chỉ là tình huống tạo tiếng cười. Thực tế, câu chuyện phim có sức nặng và độ đen tối hơn thế. Chất hài chiếm thời lượng ít, được đan cài trong một số câu thoại và cách tương tác giữa các nhân vật để xoa dịu căng thẳng.
Nửa đầu câu chuyện, kịch bản liên tục đẩy nhóm nhân vật thế yếu vào tình cảnh đau đớn thể xác, hổ thẹn tinh thần. Sức chịu đựng của nhân vật bị dồn nén cũng là lúc sự phẫn nộ trong lòng người xem bùng nổ. Bước sang nửa sau, phim dẫn dắt cuộc "nổi dậy" của nhóm chính nghĩa, gieo cảm giác hài lòng trong tim khán giả khi cái ác từng bước bị trừng trị, dù cuộc chiến này chẳng hề đơn giản.
Phim nhiều lần đặc tả gương mặt nạn nhân bên trong túi nilon trùm đầu mỗi khi bị tra tấn, khắc họa cảm giác khó thở và hoảng loạn của họ, vì biết chắc sắp bị ăn đòn nhưng không được phép phản kháng. So với những cú đá, cái tát của kẻ phản diện, loạt hình ảnh này càng đạt hiệu quả hơn trong việc lây lan cảm giác tội nghiệp của nhân vật đến khán giả.
Ở series Vinh quang trong hận thù (The Glory) do Song Hye Kyo đóng chính, bạo lực học đường được tái hiện qua những trò "trừng phạt" bạn học đầy ghê rợn của đám con nhà giàu như lột áo ngực, dùng bàn là và máy là tóc làm bỏng da... Cô giáo em là số 1 không đưa ra nhiều màn tra tấn dị hợm đến thế, chủ yếu tập trung vào các cú đấm, đá của Han Su Kang. Qua đó, phim làm nổi bật sở trường võ thuật "không phải dạng vừa đâu" của cậu học trò rich kid, đồng thời tạo nên nam chính phản diện đầy tính đối trọng, "kẻ tám lạng, người nửa cân" với nữ chính đả nữ.
Thành công nhất của phim là khai thác triệt để tâm tính bệnh hoạn của Han Su Kang với niềm thỏa mãn dị thường khi được dùng đến bạo lực. Gương mặt điển trai nhưng ánh mắt, nụ cười bộc lộ đam mê với cái ác, diễn viên gen Z Lee Jun Young làm khán giả ghê sợ vai diễn của mình. Tuy nhiên, phim gây đáng tiếc khi thiếu sự đào sâu về nguồn cơn dẫn đến tâm tính lệch lạc và hành vi bạo lực của nhân vật này.
Từ phía đối đầu, tài nữ Shin Hae Sun làm nên hình ảnh cô giáo đả nữ đầy thú vị. Đầu phim, cô nhiều lần gây cười vì điệu bộ thảo mai với đám "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Nhưng phần lớn phim, cô mang sắc màu gai góc, quyết liệt của một tuyển thủ boxing.
Điều hay nhất ngôi sao xứ Hàn làm được cho nhân vật là khắc họa sự đấu tranh nội tâm của Si Min, giữa việc tiếp tục "sống hèn", mặc kệ sự đời người khác để an yên đời mình hay làm tròn bổn phận một giáo viên, một công dân, dùng năng lực tự thân dẹp loạn cái ác.
Vì nhân vật mang mặt nạ mèo và mặc đồ kín mít, Shin Hae Sun dễ dàng nhờ cascadeur đóng thế trong các cuộc giao đấu mạo hiểm ở phần lớn thời lượng. Tuy nhiên, ở trận đấu cuối cùng và trong một số cảnh lộ diện, nữ diễn viên thể hiện thuyết phục những cú xoạc chân, đá chân cao, vung cú đấm mạnh. Cộng thêm biểu cảm linh hoạt, cô làm người xem tin hai nhân dạng đả nữ - thục nữ trong cùng một con người So Si Min.
Dàn diễn viên phụ trong vai các giáo viên cúi đầu trước đồng tiền và cái ác, các nạn nhân chốn học đường và đám học sinh hùa theo Han Su Kang đều làm tròn vai. Sự đa sắc trong thái độ của họ là chất xúc tác để áp lực dồn nén ở đầu phim và cảm giác thỏa mãn bung tỏa ở cuối phim.
Tổng thể, Cô giáo em là số 1 giữ cảm xúc tốt xuyên suốt. Nhưng ở một số cảnh hành động, kỹ thuật slow-motion (làm chậm hình) và kỹ xảo cắt cảnh, chuyển cảnh gây cảm giác cường điệu, khó tin. Phim cũng lạm dụng thoại để lý giải vấn đề, giải quyết mâu thuẫn. Ở cảnh cao trào đấu tranh tâm lý của nữ chính Si Min, lời độc thoại của nhân vật nặng tính giải thích, không cần thiết được đưa vào, trong khi hình ảnh tự thân đủ sức kể chuyện.
Phong Kiều