1h sáng, Hà Bích Hảo, 26 tuổi, quê Nam Định, tắt máy tính, kết thúc cuộc trò chuyện với một người bạn đang gặp vấn đề tâm lý. Kéo áo khoác che kín cổ, Hảo đưa tay xoa mặt. Bàn tay cô dừng lại rất lâu ở phần mặt bên phải, nơi có lớp da nhăn nheo, sần sùi; gò má bị hõm xuống kéo xô xương hàm, phần sẹo kéo dài đến hết nửa đầu bên phải khiến tóc không thể mọc. Hảo khẽ thở dài, nhận ra mình chung sống với "gương mặt một nửa" đã 26 năm qua.
Hảo nghe mẹ kể lúc 6 tháng tuổi, mặt cô xuất hiện một vết bớt màu đỏ, được chẩn đoán u máu ngoài da. Gia đình đưa con gái đến bệnh viện điều trị nhưng trong quá trình phẫu thuật, cô bị bỏng laser, kéo lệch một bên mặt, cổ, tai, mắt và mũi. Từ đó đến năm 3 tuổi, Hảo không thể bú sữa mẹ. Cô lớn lên nhờ nước cơm của bà nội.
Lần đầu soi gương, Hảo nghĩ lúc nào đó, da mình sẽ trở lại bình thường, giống như con người lớn lên sẽ thay da đổi thịt. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi Hảo bắt đầu đi học. Trường học là nỗi sợ "khủng khiếp" với Hảo khi ai nấy đều bất ngờ và hoảng sợ lúc trông thấy gương mặt của cô. Nhiều lần, bạn học cầm giẻ lau bảng, bút, sách, phấn, hoặc bất kể thứ gì bẩn nhất ném vào mặt cô.
Lên cấp 2, ý thức được sự khác biệt của mình sẽ không bao giờ thay đổi được, Hảo chấp nhận gắn bó với khuôn mặt này suốt đời. Cô trở nên nổi loạn, không còn cam chịu mà sẵn sàng cầm gậy đánh trả mỗi khi bị bắt nạt. 4 năm ròng, Hảo thường xuyên được "mời" lên ban giám hiệu viết bản kiểm điểm. Lực học của cô không bao giờ vượt quá trung bình. Cấp ba tiếp tục là những chuỗi ký ức buồn của Hảo, khi không ai muốn "một kẻ xấu xí như thế trong lớp học".
Hảo nghỉ học một tuần và không nói với gia đình. Chỉ đến khi cô giáo mời bố mẹ lên khuyên Hảo trở về lớp, gia đình mới biết chuyện. Nhìn những giọt nước mắt của mẹ, Hảo quyết tâm thay đổi. Cô vùi đầu vào học và lọt top tốt nhất trong lớp. Các bạn học dần đón nhận và cởi mở hơn với Hảo. Cô bắt đầu có những người bạn thân đầu tiên.
Tốt nghiệp cấp 3, Hảo thi vào một trường sư phạm trên Hà Nội. Hai ngày trước khi nhập học, Hảo nhận được giấy báo trúng tuyển. Cô đi khắp làng để khoe với mọi người đã đỗ đại học. Trước đấy, người làng nghĩ cô không thể đỗ, gợi ý gia đình "mua cho đôi bò" để cuối năm có khoản tiền tiết kiệm bán bò.
Học được một năm, Hảo nhận thấy không phù hợp với ngành sư phạm Văn nên quyết tâm thi lại. Năm 2015, cô trúng tuyển khoa Giáo dục đặc biệt của ĐH Sư Phạm Hà Nội.
Kết thúc năm nhất, Hảo trở thành tình nguyện viên của một trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ. Một hôm, người quản lý gọi Hảo ra trước tất cả giáo viên khác và bảo từ mai cô không cần đến đây nữa vì sợ "lây" cho các con. Phụ huynh cũng không thích sự có mặt của Hảo ở trường bởi cô làm con họ sợ.
"Câu nói của người quản lý khiến tôi chết lặng. Tôi không hiểu tại sao một tai nạn y học lại có thể lây bệnh cho những đứa trẻ", Hảo kể.
Hảo rơi vào tuyệt vọng khi mọi nỗ lực và cống hiến đều không thể thay đổi được cái nhìn của người xung quanh. Hảo đạp xe lên cầu Vĩnh Tuy, trèo lên thành cầu và muốn chấm dứt cuộc sống. Đứng trước sự lựa chọn giữa sống và chết, Hảo nghĩ đến bố mẹ, đến những gì cô đã phấn đấu.
"Tôi sẽ trở thành một kẻ thất bại, tồi tệ và bất hiếu nếu nhảy xuống dưới kia. Tôi quyết định dừng lại và quay về", Hảo tâm sự.
Suốt thời gian sau, Hảo không tham gia bất cứ chương trình tình nguyện, xã hội nào nữa. Cô chỉ đi học, lên thư viện, về phòng ký túc xá, nghe nhạc và thêu tranh. Lần sinh nhật 20 tuổi, cô tình cờ xem được bộ phim nói về một bạn nữ nước ngoài bị liệt, trở thành kỹ sư công nghệ. Trong phim, cô gái này nói về ước mơ đi trên đôi chân của mình. Bộ phim như đánh thức Hảo. Thay vì bật nghe những bản nhạc não nề quen thuộc, cô mở máy tính, tìm hiểu các chương trình từ thiện rồi đăng ký.
Lần đầu làm thiện nguyện, Hảo dẫn đoàn người khuyết tật, hầu hết ngồi xe lăn ở Đà Nẵng đi thăm Hà Nội. Cô sinh viên 22 tuổi hết đẩy xe rồi lo hậu cần, mồ hôi ướt sũng áo nhưng miệng vẫn nở nụ cười.
"Em cười đẹp lắm. Luôn cười tươi em nhé", một người trong đoàn gửi lời cảm ơn. Từ tin nhắn đó, Hảo biết rằng cô sẽ luôn đẹp khi đem đến hạnh phúc cho người khác.
Là người theo chủ nghĩa hoàn hảo, Hảo từng khao khát được đi thẩm mỹ để lấy lại sự tự tin, nhưng cuối cùng cô nhường cơ hội quý giá đó cho một bạn ít tuổi hơn mình. Một lần khác, cô được ba nuôi làm thủ tục đưa qua Hàn Quốc phẫu thuật. Khi biết vết bỏng đã quá lâu, khó hoàn thiện, hành trình phẫu thuật có thể kéo dài 5-10 năm, Hảo quyết định từ bỏ.
Hảo hiện là cô giáo dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại một trung tâm của quận Hoàng Mai. Cách đây một năm, Hảo thành lập quỹ "Mầm và những người bạn", với mong muốn hỗ trợ những đứa trẻ kém may mắn, có nguy cơ không được đến trường. Đến nay, cô đã giúp đỡ 5-6 đứa trẻ, với sự bảo trợ dài lâu để các con được đến trường.
Do quỹ mới thành lập, nguồn tài trợ không nhiều, đa phần trích từ tiền lương của cô, kêu gọi bạn bè và người quen. Ngoài ra, Hảo còn gây quỹ ủng hộ cho các em nhỏ bị ung thư hoặc tai nạn giao thông.
Hảo từng có mối tình 4 năm nhưng sau đó không thành.
"Tôi vẫn sẽ chờ một người bạn đời hiểu và đồng cảm với công việc thiện nguyện, luôn giúp đỡ người khác mà bản thân đang theo đuổi. Chỉ có thấu hiểu, tình yêu mới bền vững", cô nói.
Thời gian tới, song hành với công việc giảng dạy trẻ đặc biệt và thiện nguyện, Hảo dự tính đăng ký đi thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết để lan tỏa những điều tích cực đến mọi người.
Đăng Khoa