Ngọc An sang Mỹ từ năm 2012 tới khi tốt nghiệp Đại học, năm 2016, cô quyết định ở lại học MBA. An từng có nhiều mối tình trước Sam nhưng chỉ khi gặp anh, cô mới có cảm giác muốn cho mình một tổ ấm. "Khác với vẻ ngoài to lớn cùng cánh tay đầy hình xăm, Sam hiền lành và ấm áp. Anh ấy rất sợ nước mắm nhưng lại yêu những món ăn Việt mà tôi lén lút nêm thứ gia vị đó vào", cô gái sinh năm 1991 mở đầu câu chuyện bằng cách chia sẻ thông tin ngắn gọn về người đàn ông của mình.
Yêu cầu xuất trình giấy tờ trước buổi hẹn đầu tiên
Tháng 8/2016, An quen Sam qua một ứng dụng hẹn hò và sau ba tuần trò chuyện, cô đã nhận được lời đề nghị gặp mặt từ người bạn mới. Sống một mình tại Mỹ nên An tỏ ra thận trọng. Cô một mực yêu cầu Sam chụp hình hộ chiếu, bằng lái xe rồi gửi qua email. Điều này khiến anh cảm thấy vô cùng kỳ cục nhưng vì muốn gặp An nên Sam vẫn làm. Vài ngày sau, An hẹn chàng trai mới quen tại một cửa hàng đồ ăn nhanh đông người qua lại. Cô tỏ ra bất ngờ khi ở bên ngoài, Sam khác nhiều so với lúc nhìn anh qua Facetime.
"Tôi thoáng sợ khi thấy anh có quá nhiều hình xăm. Nhưng khi biết anh đã lái xe hơn bốn tiếng tới nơi hẹn thì có chút cảm động", cô gái sinh năm 1991 thú nhận.
Sau khi ăn nhẹ, An đưa Sam đi dạo quanh thành phố nơi cô sống trước khi anh tiếp tục hành trình dài để về nhà. Buổi hẹn hò thứ hai cũng diễn ra sau đó không lâu, An được Sam mời đi dã ngoại và cô đã chính thức nhận lời yêu anh.
Sam sống và làm việc tại một thành phố cách xa nhà của An. Họ phải thường xuyên thay phiên nhau lái xe quãng đường dài để gặp mặt. Trong 8 tháng hò hẹn, An từng không ít lần dở khóc, dở cười vì cách bạn trai Mỹ thích nghi với văn hóa của dân tộc mình. Có bữa, đôi tình nhân cùng nhau đi ăn phở, Sam không thể dùng đũa nên đã ăn phở bằng nĩa. Chàng trai "khổng lồ" rất sợ nước mắm, nhưng mỗi khi An lén nêm thêm thứ gia vị này vào món ăn, Sam lại ăn ngon lành.
Khi được hỏi vì sao lại yêu Sam, An cho rằng đó là "sự trái ngược". An sinh ra trong một gia đình học thức, cô được nhắc nhở phải ưu tiên việc học hành. 5 năm sống tại Mỹ, cuộc sống của An chỉ xoay quanh chuyện làm thêm rồi tới trường, cô bị choáng ngợp trước Sam - một chàng trai có thế giới phóng khoáng và nhiều điều mới mẻ.
"Sam làm công việc liên quan tới biểu diễn thể thao mạo hiểm. Anh biết nấu ăn, biết sửa xe và cũng biết sửa chữa đồ đạc trong nhà. Công việc, cuộc sống của chúng tôi trái ngược nhau khiến tôi ngày càng thấy anh thú vị", cô gái quê Vũng Tàu chia sẻ.
Sau 8 tháng yêu nhau, Sam đề nghị An cho anh gặp bố mẹ cô để thưa chuyện. Cuộc gặp đầu tiên với gia đình bạn gái qua Facetime khiến chàng trai Mỹ không khỏi lo lắng. Sam thay mấy chiếc áo rồi liên tục hỏi An xem trông anh đã ổn chưa, liệu có để lộ nhiều hình xăm không?
"Sam to lớn như vậy nhưng khi nói chuyện với bố tôi thì mồ hôi nhễ nhại. Anh giống như đứa trẻ nắm chặt tay tôi, lâu lâu lại liếc nhìn bạn gái như cầu mong sự cứu viện. Khoảnh khắc ấy, tôi biết Sam thực sự muốn lấy tôi làm vợ. Ngay khi được gia đình tôi đồng ý, anh đã ngỏ lời cầu hôn tôi", An xúc động kể lại.
Mẹ chồng học nấu món Việt vì con dâu
An được gia đình Sam yêu thương ngay từ lần đầu gặp mặt. Trong bữa tối ra mắt bố mẹ chồng, cô bất ngờ khi mẹ Sam chuẩn bị quá nhiều đồ ăn. Xong bữa, bà thậm chí còn gói lại một ít nói An mang về. Bố chồng An từng đi lính tại Việt Nam, ông hỏi thăm con dâu tương lai về quê hương nơi gia đình cô sinh sống. "Tôi hạnh phúc vì cảm thấy mình được chào đón trong căn nhà nhỏ ấy", An nói.
Dịp Giáng sinh năm ngoái, An về nhà bố mẹ Sam chơi. Đêm ngày 24, mọi người đặt những món quà dưới gốc cây thông nhưng qua sáng ngày 25 mới được mở. Bữa đó, An gần như không ngủ được vì háo hức, nhưng mỗi lần thức dậy để mon men ra chỗ đặt quà thì lập tức bị bạn trai phát hiện. Sáng hôm đó, khi cả nhà ngồi đông đủ tại phòng khách, An thích thú mở món quà của mẹ chồng tặng. "Chiếc khăn đẹp quá", An hô lên. Nhưng thay vì từ "scarf" (Chiếc khăn quàng cổ), cô lại nói nhầm thành "crap" (Thật vớ vẩn).
"Mẹ chồng nhìn tôi với ánh mắt hoảng hốt, bà lay con trai rồi nói: 'Nó nói vớ vẩn kìa con. Nó không thích thì trả lại để mẹ đeo'. Anh hiểu chuyện nên giải thích lại với mẹ, tới lúc đó tôi mới biết mình nói sai", An ngượng ngừng kể lại.
Mẹ chồng An thương con dâu. Bà chịu khó tìm tòi cách nấu các món ăn Việt Nam để chiêu đãi cô nhưng đa số đều không được như ý. "Có lần, mẹ chồng tôi vào bếp nấu một số món Á. Biết là bà rất vất vả để làm chúng nhưng cả tôi và Sam đều không ăn được. Hôm đó, cả hai đã cố gắng dùng một chút cơm bị nấu hỏng giống như cháo để mẹ vui lòng", cô dâu Việt kể.
Ngoài ra, mẹ chồng An được con dâu nhận xét là "trên cả tuyệt vời". Bà luôn hỏi thăm và chủ động mua thuốc gửi cho An khi cô ốm. Mỗi lần vợ chồng con trai qua thăm, mẹ chồng đều tự nấu nướng nhiều món để con dâu có thời gian trò chuyện cùng mọi người, không phải đụng tay chuyện bếp núc.
Lam Trà