Trong khi các khách du lịch tới Hàng Châu thường tranh thủ ghé qua cây Cầu Đoạn vốn có vẻ đẹp lý tưởng để ngắm cảnh Tây Hồ, thì ông Xu Lida, từ năm 2004 đến nay, năm nào cũng đến đây một ngày vì lý do hoàn toàn khác.
Không giống như du khách bình thường, vào ngày này, Xu thường đến Cầu Đoạn từ sáng sớm rồi ngồi đến tận chiều muộn mới về. Nhìn thật kỹ gương mặt của những người ngang qua, người đàn ông ấy chỉ mong sẽ vô tình bắt gặp đứa con gái mà ông đành phải bỏ rơi từ 20 năm trước.
Từ khi Trung Quốc cho phép việc nhận con nuôi quốc tế vào đầu những năm 1990, các cha mẹ nuôi thường có ít thông tin về gia đình ruột thịt của đứa trẻ, bởi bố mẹ đẻ của chúng thường không để lại thông tin gì sau khi bỏ rơi con mình. Việc thiếu thông tin cần thiết đã khiến những đứa con nuôi khi trưởng thành lại muốn tìm về nguồn cội.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm bố mẹ đẻ ở Trung Quốc khó như "mò kim đáy bể". Vợ chồng Xu và nhà Pohler đều biết rõ điều đó, bởi họ đã sống như thế suốt 20 năm qua.
Xu Lida và vợ, chị Qian Fenxiang, nói với BBC rằng sau khi kết hôn năm 1992 và đón con gái đầu lòng, họ quyết định sinh thêm con để đứa lớn không cảm thấy cô đơn vì không có em. Tuy nhiên, điều này là vi phạm với chính sách một con mà Trung Quốc ban hành từ năm 1979 nhằm kiểm soát dân số. Nếu không chấp hành quy định, họ sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc, bao gồm phạt tiền, tịch thu tài sản, ép phá thai và triệt sản.
Khi Fenxiang đang mang thai ở tháng thứ năm, các nhân viên kế hoạch hóa gia đình phát hiện ra và yêu cầu phá thai, đồng thời đe dọa sẽ dỡ cả nhà. Người mẹ giải thích đứa bé khi đó đã thành hình, quá muộn để bỏ đi. Cặp vợ chồng quyết định bỏ trốn để được sinh con, dù điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải trao đứa bé cho người khác nuôi dưỡng.
Ba ngày sau khi Fenxiang tự sinh con trong chiếc thuyền trên sông, anh Xu Lida đành bế đứa con gái còn đỏ hỏn tới chợ rau quả, hôn lên trán con trước khi bỏ em bé đang nằm ngủ ngon lành cùng một tờ giấy nhắn đi kèm.
"Nếu ông trời rủ lòng thương và con còn quan tâm đến chúng ta, hãy tìm gặp nhau trên cây Cầu Đoạn ở Tây Hồ, Hàng Châu, vào sáng ngày lễ Thất tịch (7/7 âm lịch) trong 10 hay 20 năm nữa", tờ giấy viết. Giống như ngày Valentine, 7/7 là ngày đặc biệt của người Trung Quốc, khi những người yêu nhau sẽ được đoàn tụ với nhau.
Một năm sau, cặp vợ chồng Ruth và Ken Pohler, sống ở bang Michigan, Mỹ, đã nhận nuôi con gái của anh Xu tại Trung tâm Phúc lợi xã hội Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Họ đặt tên cho đứa bé là Kati. Ngoài Kati, nhà Pohler cũng được nhân viên trung tâm giao cho tờ giấy nhắn trên.
Cặp vợ chồng người Mỹ cho biết họ không để tâm nhiều đến tờ giấy vì còn bận sắp xếp, ổn định cuộc sống với thành viên mới. Nhưng 10 năm sau khi nhận nuôi Kati, họ biết tin vợ chồng ông Xu đang muốn tìm gặp con trên Cầu Đoạn thông qua một người bạn ở Trung Quốc và quyết định nhờ người này đến tận nơi để tìm hiểu.
Khi biết chính xác vợ chồng Xu đang tìm con, nhà Pohler lại đột nhiên ngừng liên lạc. Cặp vợ chồng Mỹ sợ khi nghĩ đến việc sẽ phải chia sẻ cô con gái nuôi mà họ xem như con đẻ với người khác. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, họ quyết định không thông báo vội với Kati, nhưng vẫn nhắn tin cho vợ chồng Xu để họ biết rằng con gái họ đang được cha mẹ nuôi chăm sóc, yêu thương hết lòng.
Những năm sau đó, ông Xu Lida và bà Qian Fenxiang vẫn tới Cầu Đoạn vào ngày 7/7 âm lịch. Biết con gái đang sống rất tốt ở Mỹ, cặp vợ chồng càng thêm hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp con, nhưng rồi lại phải trở về với nỗi thất vọng.
Trong khi đó, nhà Pohler chờ cho tới khi Kati bày tỏ mong muốn được biết thêm về bố mẹ đẻ mới kể tất cả cô nghe. Sau khi biết chuyện, Kati thắc mắc tại sao suốt nhiều năm bố mẹ nuôi giữ bí mật mọi chuyện. Cô gái quyết định một mình về Trung Quốc tìm gặp bố mẹ đẻ vào ngày hẹn dù ông Ken và bà Ruth đề nghị đi cùng.
Hôm 28/8 (7/7 Âm lịch) cả gia đình đã có cuộc đoàn tụ xúc động và cùng nhau đi dạo trên Cầu Đoạn. Xu cho biết đó là giây phút hạnh phúc nhất trong đời vợ chồng ông.
Do được nuôi dạy trong gia đình người Mỹ, Kati không hề biết nói tiếng Trung. Khi phóng viên đài truyền hình Chiết Giang hỏi liệu Kati có gọi vợ chồng ông Xu là bố mẹ hay không, cô trả lời: "Tôi không biết. Tôi sẽ suy nghĩ về điều đó".
Sau khi lưu lại nhà bố mẹ đẻ ít ngày, Kati lại lên đường trở về Mỹ. Cô cho biết trong tương lai sẽ cố gắng giữ liên lạc và sắp xếp để trở về quê hương thăm bố mẹ.