Thị trấn Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) một ngày giá rét, chị Nguyễn Châu Loan vừa được anh trai đèo về nhà sau hơn 3 tiếng chạy thận ở bệnh viện huyện gần đó. Mệt mỏi, chị không ăn được gì. Đôi mắt nhắm hờ, chị cũng không thể ngủ.
Cô cháu gái mới học lớp 5 rất hiểu chuyện và thương cô. Em dầm nhỏ quả vú sữa ép cô ăn, cái miệng nhỏ xinh còn hát ru mấy câu trong trẻo. Em cho biết: "Cô Loan dạy cháu hát ru, bắt phải hát thế này, thế kia. Mấy hôm trước, cô còn làm thơ nữa".
Nhắc đến thơ, chị Loan lặng người đi, rồi đột nhiên nước mắt ứa ra. Chị nói: "Giờ đây ánh sáng đời chị đã tắt rồi...". Chị Loan từng sáng tác nhiều thơ về tình yêu, khát khao sống. Khi có được tình yêu với người chồng quá cố, anh Nguyễn Văn Vượng, hồn thơ của chị nảy nở hơn. Chị đóng thành tập thơ "Hoa đời", trong đó có bài "Ánh sáng đời em", được người chồng, các độc giả, anh em, con cháu yêu thích. Từ khi chồng đột ngột qua đời, chị luôn nói rằng ánh sáng đời mình đã tắt.
Chị Châu Loan nhờ người nâng dậy, tựa vào tường. Hơi thở yếu nhưng chị vẫn cố gắng nói: "Dạo này chị hay mơ anh ấy với chị có con. Em bé bụ lắm. Giấc mơ cứ lặp lại nhiều lần". Chia sẻ xong vài câu, chị xin cho nằm xuống để ngủ.
Anh Nguyễn Hải Châu, người anh kế trên chị Loan, khẽ khàng xoa bóp chân cho cô em gái nhỏ, đắp thêm tấm chăn mỏng lên. Từ khi đón chị Loan về nhà mình chăm sóc, cứ thứ ba, năm, bảy, anh đưa chị tới viện chạy thận. Hàng đêm, anh nằm cạnh trông chừng em. Thỉnh thoảng họ hàng, con cháu trong nhà cũng đến thay phiên giúp anh.
"Mẹ tôi bị tai biến, mọi việc phải nhờ bác cả lo liệu. Ở dưới này, bên cạnh những buổi đi dạy, tôi đều ở nhà lo cho em Loan, trong những tình huống phát sinh mọi người cũng phải xúm vào giúp", anh Châu cho hay. Vợ anh Châu đang con nhỏ, đành phải nhờ nhà ngoại phụ giúp thêm.
Theo anh Châu, từ tháng 10 vừa qua, sức khỏe chị Loan đã yếu, phải đi cấp cứu. Nằm viện gần một tháng thì chị khá hơn. Ngay hôm xuất viện, anh Vượng đã chở vợ về Ba Vì thăm nhà. Sau đó vài hôm, chị lại phải cấp cứu tiếp. Bên cạnh anh Vượng, gia đình chị Loan cũng lên Hà Nội chăm sóc.
"Trước hôm Vượng xảy ra chuyện, tôi bảo chú ấy hôm nay có nhiều người trông Loan rồi, chú nên về nghỉ ngơi, tranh thủ ghé thăm qua bà nội. Vượng là con trai một, mẹ cũng già yếu rồi. Vượng vâng dạ về nhà nhưng sáng hôm sau lại vào viện với vợ. Chú ấy cho Loan lên xe, đẩy đi dạo ngoài hành lang. Sau giờ cơm trưa, Vượng thường có thói quen ra cổng viện uống nước, xem có khách nào thì chạy chuyến xe ôm. Không ngờ đó là lần cuối gặp chú ấy", anh Châu kể.
Chồng qua đời, chị Nguyễn Châu Loan cũng trên bờ vực sự sống và cái chết. Sau một thời gian cấp cứu, cuối tháng 11 chị Loan được chuyển về điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Ba Vì. Tuy nhiên, sức khỏe yếu nên mỗi buổi chị chỉ chạy thận được 1-2 giờ (trong khi phải cần 3,5 giờ). Chị cũng chỉ ăn được chút ít cháo mỗi ngày.
Bố mẹ chị Loan đều là những thầy cô giáo có tiếng ở xã Châu Sơn (Ba Vì). Họ sinh được 5 người con, lần lượt đặt tên là Thanh Bình, Bình Minh, Minh Hải, Hải Châu, Châu Loan (tên của người anh trở thành đệm cho người em). Trong số 5 anh chị, Nguyễn Châu Loan thông minh nhất nhà. Chị đậu 3 trường đại học và chọn theo ngành Kế toán, Đại học Kinh tế quốc dân. Sau khi học xong trường kinh tế, chị còn học thêm kiểm toán, tiếng Anh.
Trong một bức ảnh cũ năm lớp 12, cô gái Nguyễn Thị Châu Loan có mái tóc dài, dáng dong dỏng vô cùng xinh xắn. Gặp chị vào tháng 4, khi vừa xong "đám cưới cổ tích", chị đã không thể đi lại, dù vậy vẫn có thể làm kế toán cho hai công ty để nuôi bản thân và chữa bệnh. Một ngày giá rét tháng 12 đến thăm, chị chỉ có thể nằm trên giường, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người thân. Giờ chị còn chưa đầy 20 kg, cơ thể chỉ còn da bọc xương...
Căn bệnh suy thận đã ăn mòn sức khỏe, dung nhan, vóc dáng và giờ đến cả niềm tin của người phụ nữ có cái tên Nguyễn Châu Loan ấy.
VnExpress