Trong căn phòng rộng chừng 35m2, trưng bày và chế tạo các đồ thủ công làm từ vải gai dầu của bà con dân tộc thiểu số, Bùi Hạnh Nguyên (32 tuổi, người sáng lập xưởng đồ chơi Touched.Studio - Xưởng Chạm) đang cắt, khâu số vải vụn đi xin để hoàn thiện bộ quần áo mới cho gấu bông tên Lạc.
Ướm thử bộ đồ vừa thiết kế, Nguyên cho biết: "Toàn bộ chất liệu làm gấu bông được nhập từ vải gai dầu của bà con dân tộc thiểu số, 100% là tự nhiên, thân thiện với môi trường và không gây kích ứng da. Riêng quần áo, tôi tận dụng vải thừa từ các cửa hàng may".
Hạnh Nguyên tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế, Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) năm 2010, sau đó đi làm tại một vài công ty. Hai năm sau, cảm thấy không phù hợp, cô nhân viên văn phòng quyết tâm học trường đào tạo thiết kế thời trang. Ra trường, Nguyên đầu quân cho một công ty thời trang. Khoảng thời gian đi làm, thấy vải công nghiệp chiếm ưu thế hơn so với vải truyền thống, nhưng lại không bảo vệ môi trường, Nguyên nảy sinh vô số câu hỏi: Tìm vải từ các chất liệu tự nhiên ở đâu? Làm sao để có thể tạo ra các sản phẩm thời trang mang tính thẩm mỹ, không gây ô nhiễm môi trường? Làm sao để giúp người Việt dùng hàng Việt? Cô quyết định thôi việc để tìm kiếm hướng đi riêng.
Qua tìm hiểu, cô biết Việt Nam có sẵn các chất liệu vải hoàn toàn từ tự nhiên như vải lụa, gai dầu và bông. Hạnh Nguyên bắt đầu đến tận nơi bà con sinh sống để tìm kiếm loại vải ưng ý.
Trước khi có thương hiệu làm đồ chơi thủ công từ vải gai dầu, Nguyên mất 3 năm đi từ miền Bắc vào miền Trung, lang thang tại nhiều thôn, bản để tìm loại vải vừa bảo vệ môi trường lại an toàn cho người sử dụng.
Thời điểm đầu, Nguyên chỉ biết người Mông ở Hà Giang làm vải gai dầu – một sản phẩm cần phải qua khoảng 200 bước mới ra được thước vải mềm. Tìm hiểu thông tin qua nhiều người, cô bắt đầu đi sâu vào các buôn bản. Từ những chuyến đi một mình, Nguyên có thêm một vài người đồng hành từ Hà Giang, Lào Cai đến Thanh Hóa, Nghệ An, Huế...
Ban đầu, do thông tin và hiểu biết hạn chế, cô chỉ tiếp cận được nguồn vải thô với những sợi vải dệt không khít nhau. Nhưng sau khi tìm hiểu sâu hơn, cô gái trẻ mới biết vải gai dầu hoàn toàn có thể được xử lý mềm mịn, nhưng đó là miếng vải cổ và hiện giờ ít người làm được.
"Việc của tôi là khôi phục lại loại vải mềm đó và tìm cách đưa vào các thiết kế hiện đại có tính ứng dụng", Nguyên nói.
Ngoài việc muốn tìm sản phẩm thân thiện với môi trường, điều Nguyên muốn hướng đến là giúp đỡ cuộc sống của bà con dân tộc. "Dệt vải là nghề truyền thống của họ, nhưng bà con nơi đây lại không thể tìm kiếm được đầu ra. Kinh tế khó khăn, cả gia đình trông mong vào nương rẫy hoặc thậm chí không có đất làm nương. Tôi muốn làm được điều gì đó giúp bà con", cô chia sẻ.
Tìm được vải, Nguyên bắt đầu học cách... xử lý. Quần áo với chất liệu vải gai dầu tính ứng dụng chưa cao, giá đắt, kích thước khổ vải cũng bé hơn so với vải công nghiệp, vì vậy sản phẩm tạo ra sẽ khó cạnh tranh. Nguyên dần bỏ ý định làm quần áo thiết kế.
Khi đang bế tắc vì chưa thể làm thành phẩm, Nguyên nảy ra ý tưởng biến chất liệu vải tự nhiên này thành đồ chơi cho các em nhỏ - đối tượng cần nhất sự an toàn từ vải tự nhiên.
Tại xưởng đồ chơi, Hạnh Nguyên hào hứng khoe "Biệt đội rừng xanh", gồm năm nhân vật, đại diện cho năm xu hướng tính cách nổi bật của bé: Sữa hiền lành, Mắm tinh ranh, Lạc hoạt bát, Lá chăm chỉ, Mật ngây ngô. Từ 5 nhân vật, cô phát triển ra các sản phẩm khác như túi đeo, ví cầm tay, móc treo mini.
"Con gấu bông đầu tiên tôi làm xấu thậm tệ, cũng có vẻ ra hình thù dù đường nét khá thô. Tôi mất một thời gian nghiên cứu mới có thể tạo ra 'biệt đội rừng xanh' như hiện tại", Nguyên nói.
Song hành với việc làm gấu bông, cô cũng bắt đầu thu gom vải vụn để tái chế, biến chúng thành những phụ kiện nhỏ xinh cho búp bê. Cô nghĩ về những sản phẩm tăng tính tương tác với người chơi, giúp các bé hứng thú hơn nếu cùng sáng tạo, chăm sóc gấu bông.
Xưởng Chạm ra đời không lâu sau đó. Thời điểm đầu, Nguyên thường đem sản phẩm đến các hội chợ để giới thiệu. Với mức giá từ 200.000 đồng đến 1,4 triệu đồng (tùy từng sản phẩm), hầu hết khách hàng đều chê đắt. Nhưng sau khi biết câu chuyện đằng sau mỗi con búp bê, nhiều vị khách đã thốt lên: "Chúng xứng đáng với một mức giá cao hơn".
Hạnh Nguyên chia sẻ nghệ nhân dệt vải truyền thống cần khoảng 200 bước từ khi gieo hạt gai dầu tới khi thành miếng vải mềm có thể sử dụng. Từ vải có sẵn, người làm cần thêm 24 bước từ thiết kế, cắt may, thêu mới ra sản phẩm hoàn thiện. Tất cả các bước đều hoàn toàn thủ công và lấy nguyên liệu từ thiên nhiên nên an toàn cho người sử dụng và không gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài việc tạo thêm thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số khi tìm kiếm được đầu ra cho vải gai dầu, Nguyên cũng trích 5% doanh thu bán hàng mở lớp học cho trẻ em vùng cao và trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Hạnh Nguyên hy vọng khi hiểu được rằng vải truyền thống không những tạo ra đồ may mặc mà còn có thể tạo nên nhiều giá trị khác nữa, thế hệ trẻ sẽ có thêm động lực gìn giữ tinh hoa và yêu thêm nghề truyền thống của dân tộc.
Đăng Khoa