Ngay khi bố mẹ vừa bố trí xong studio bên trong căn hộ đơn giản chỉ có một phòng của gia đình ở Bangkok để phục vụ ghi hình, cô gái 18 tuổi tên Fai lập tức diễn xuất. Với giọng nói rõ ràng, thần thái tươi tắn, Fai gửi lời chào tới người hâm mộ đang theo dõi video phát trực tiếp hướng dẫn cách trang điểm của mình, được tài trợ bởi một thương hiệu mỹ phẩm địa phương.
"Chào mọi người! Tôi là Fai, tôi đang hướng dẫn các bạn trang điểm bằng chân. Nhìn thử chiếc váy của tôi hôm nay đi, nó đẹp phải không?", ABC dẫn lời Fai giới thiệu.
Cô gái 18 tuổi sau đó đứng thẳng người trên bàn chân ngắn cũn, cố gắng giữ thăng bằng và nhún nhảy theo tiếng nhạc R&B khá to. Dù không có tay, Fai vẫn tự tin khoe bờ vai đầy đặn với chiếc áo crop top.
Trong vòng một tiếng sau đó, Fai sử dụng các sản phẩm của nhà tài trợ và làm tất cả mọi việc bằng những ngón chân, từ đeo len, dán mí giả, thoa kem nền, tới tô son và kẻ viền mắt.
"Hôm nay, tôi có 4.000 lượt xem, thật là tốt", Fai nói. "Điều khó nhất là nhặt những món phụ kiện nhỏ nhỏ lên, chẳng hạn như chiếc mi giả. Theo tôi, mọi phụ nữ đều có vẻ đẹp của riêng mình, họ chỉ cần trở nên tự tin. Hãy tự tin và vẻ đẹp sẽ toát ra từ đó".
Fai, tên thật là Bunthida Chinnawong, sinh ra đã không có tay, một bên chân ngắn hơn bên kia cùng xương sống cong vẹo và một lá phổi.
"Bác sĩ từng nói tôi hãy chuẩn bị dần đi, rằng con bé có thể sẽ không sống quá 9 tháng", bà Pin Saleepote, mẹ Fai, kể lại. "9 tháng trôi qua, ông ấy lại nói có thể là một năm, rồi 9 năm, 10 năm".
Một ngày nọ, Fai hỏi mẹ tại sao mình lại không có tay như những người khác.
"Khi con còn bé, tôi nói dối rằng sau này lớn lên tay sẽ mọc ra. Nhưng đến khi con lớn hơn, tôi buộc phải nói sự thật, rằng con không có cánh tay, nhưng con rất tuyệt vời, con có thể thể hiện khả năng của con", mẹ của Fai kể lại.
Fai có niềm đam mê với mỹ phẩm từ sớm, khi cô từng ăn trộm vài món đồ của mẹ và chị gái. Nhưng tại ngôi trường khuyết tật cô đang theo học, họ không cho phép trang điểm. Fai miêu tả ngôi trường là một nơi an toàn và thuận tiện, nơi cô và những người bạn tinh nghịch thường lập thành "băng nhóm mafia" trêu đùa, đuổi bắt nhau.
"Chúng tôi ngồi trên xe lăn, đuổi nhau bằng đường dốc từ tầng ba xuống tầng một. Dù tuần nào cũng bị cô giáo phạt nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục nghịch ngợm như thế. Tôi từng là một cô bé bướng bỉnh", Fai nhớ lại.
Với tính khí đó, Fai cuối cùng cũng thuyết phục được bố mẹ chuyển sang trường dành cho học sinh bình thường.
"Khi sang trường mới, mẹ lo lắng, luôn ở cạnh tôi cả nửa ngày. Vài ngày sau, Jane và cả nhóm xe lăn khuyên mẹ cứ yên tâm về nhà, đồng thời tuyên bố cả hội sẽ chăm sóc tôi", Fai kể, tiết lộ Jane là bạn thân 17 tuổi tên thật là Nipaporn Kongsungnoen.
Mỗi khi những người bạn cảm thấy muốn từ bỏ hay cần sự động viên tinh thần, họ lại tìm đến Fai để được cho lời khuyên. Những lúc như thế, Fai thường cổ vũ họ hãy tiếp tục cố gắng và xem mình như một ví dụ để cùng nỗ lực.
Khi nhìn thấy những người bạn ở trường mới trang điểm, Fai cảm giác như có một thế giới mở ra trước mắt và cô bắt đầu mày mò làm cách nào để tự makeup bằng những ngón chân nhanh nhẹn của mình.
"Mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên, nhưng cũng cần phải tập luyện", Fai nói.
Fai sau đó mở chiếc smartphone và bắt đầu sử dụng Facebook để phát trực tiếp cách hướng dẫn trang điểm. Cô nỗ lực vượt qua những quan niệm truyền thống của mọi người về cái đẹp trong văn hóa Thái Lan.
"Nhiều người cho rằng da trắng mới đẹp, nhưng một làn da mịn màng khỏe khoắn hay một chiếc mũi thẳng cũng khiến bạn trông xinh đẹp hơn", Fai nói.
Fai có hơn 170.000 người theo dõi trên Facebook, và những video trực tiếp đều đặn đang giúp cô kiếm được tiền và trở nên nổi tiếng.
"Tôi không mong cô ấy trở nên nổi tiếng, tôi chỉ thấy vui khi giờ đây Fai đã được người ta biết tới", Suchada Kamnaen, một người bạn học của Fai, nói.
Fai quyết định chia sẻ câu chuyện của mình một cách cởi mở sau khi biết có nhiều người tự tử. "Chuyện ấy khiến tôi suy nghĩ rằng họ may mắn hơn tôi khi sinh ra lành lặn, thế nhưng họ lại chọn cách tự tử để kết liễu cuộc đời. Tôi muốn truyền cảm hứng cho những người như thế", Fai nói.
Với Fai, mỗi ngày trôi qua là một ngày quý giá. Cô sống với nỗi lo sợ thường trực rằng một ngày nào đó phần cột sống cong vẹo kia sẽ chạm vào lá phổi và gây tổn thương.
Năm lên 9, một bác sĩ từng gợi ý phẫu thuật để chỉnh cột sống cho Fai nhưng cho hay cơ hội sống sau ca mổ chỉ có 15%.
"Khi đó tôi đã nói với ông ấy rằng tôi muốn được sống như thế này", Fai chia sẻ.
Dù sức khỏe bấp bênh, Fai tiết lộ ước mơ ngày càng phát triển các kỹ năng trang điểm, tốt nghiệp đại học và được du lịch tới Australia, Pháp.
"Tôi nghe nói ở Australia có nhiều thành phố đẹp lắm, vì thế tôi muốn tới đó để đi dạo và chụp ảnh. Tôi cũng muốn thử xem đồ ăn ở quốc gia ấy có ngon hơn đồ Thái hay không", Fai hào hứng nói.
Cô gái không tay cũng cho hay cô còn muốn được ngồi xe lăn để làm người mẫu trên sàn catwalk và trở thành người dẫn chương trình truyền hình.