Tối muộn 28/9, Puteri Pratiwi đang cùng người em họ tên Ita đi xe máy về nhà mình ở thành phố Palu, đảo Sulawesi, thì nhận thấy mặt đất rung lên. Lúc bị ngã xuống và chưa hết sốc, Puteri nhìn thấy một cơn sóng khổng lồ tràn vào thành phố.
"Tôi hét lên với em họ 'Chạy nhanh lên! Chạy đi!'. Chạy được một đoạn, cô ấy quay lại để cứu xe máy", Puteri kể với CNN khi đang nằm trên giường bệnh bên ngoài Bệnh viện Undata ở Palu. Nhờ bám chặt vào một cái cột, cô gái trẻ may mắn sống sót trong cơn sóng thần. Ba ngày sau, cô biết tin người em họ đã bị sóng cuốn đi và tử vong.
Puteri chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân đang được chăm sóc tại các bệnh viện đang quá tải ở thành phố biển Palu, khi các nhà chức trách đang khắc phục hậu quả mà cơn sóng cao gần 6 m tấn công đảo Sulawesi sau cơn động đất 7,5 độ richter hôm thứ sáu tuần trước.
Hiện tại, số người chết vì thảm họa kép đã lên tới 1.200 người và dự kiến còn tăng lên. Cuối tuần qua, hàng trăm thi thể được đặt cạnh nhau thành hàng dài trên các con phố của Palu, nơi có hơn 350.000 dân cư sinh sống. Các nhà chức trách đã phải đào những hố chôn tập thể để chôn nạn nhân vì lo ngại dịch bệnh lây lan.
Tính đến 1/10, tại Bệnh viện Undata, hơn 100 xác chết vẫn đang nằm ngoài sân dù thảm họa đã xảy ra được 4 ngày. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc dưới nắng nóng hoặc vô tình bị cơn gió thổi sai hướng. Komang Hadi Sujendra, giám đốc bệnh viện, cho biết từ sau trận sóng thần, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 200 thi thể.
"Xác người nằm đây rất nguy hiểm cho các nhân viên cũng như bệnh nhân", ông nói.
Sợ bước vào nhà
Cảnh tượng ở Palu hiện rất hỗn loạn, khi các dịch vụ khẩn cấp của Indonesia đang phải nỗ lực hết mình để khôi phục lại hệ thống liên lạc cũng như cung cấp lương thực, nước uống cho các khu dân cư hẻo lánh.
Theo ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Ban Quản lý Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB), ước tính khoảng 2,4 triệu người trên đảo Sulawesi bị ảnh hưởng bởi thảm họa, trong đó ít nhất 48.000 người mất nhà cửa.
Trong lúc chờ viện trợ, một vài người sống sót đã phải lẻn vào các cửa hàng, siêu thị, ăn trộm những chiếc xe đẩy chứa thức ăn và nước uống bên trong. Tại một trạm xăng, nhiều người đã cùng nhau mở bể xăng ngầm và dùng muôi để múc nhiên liệu.
Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, luật pháp và an ninh Indonesia H.Wiranto cho hay một số siêu thị được khuyến khích mở cửa cho người dân vào lấy đồ miễn phí và chấp nhận được chính phủ hoàn trả tiền sau.
Giới chức cho biết đến 11h ngày 1/10, họ đo được 254 cơn dư chấn sau thảm họa. Khi mặt đất vẫn còn những cơn rung lắc, nhiều người dân không dám bước vào trong các tòa nhà hay siêu thị.
Các nỗ lực cứu hộ vẫn đang tiếp diễn nhưng với nhiều người, điều đó thực sự là một sự chờ đợi quá dai dẳng và đau đớn. Nurjati Katili, một bà nội trợ, hiện phải chăm sóc cho đứa cháu trai 7 tuổi Mohammed sau khi mẹ và em trai cậu mất tích.
"Thằng bé rất buồn. Nó nói rất nhớ em trai", Nurjati nói với CNN. "Thằng bé không muốn ăn gì cả".
'Ác mộng'
Các quan chức xử lý thiên tai cho hay việc mất liên lạc với các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã gây cản trở tới nỗ lực cứu trợ. Ngoài ra, nhà chức trách cũng chưa thể chuyển viện trợ và máy móc nặng tới nơi những người được phát hiện còn sống do đường sá và sân bay Mutiara Sis Al Jufri bị hư hại nặng. Sân bay đã phải đóng cửa 24 tiếng sau sóng thần nhưng đã mở cửa trở lại để phục vụ các chuyến bay nhằm mục đích cứu trợ nhân đạo.
Hôm 1/10, hàng nghìn người tập trung cạnh đường băng để chờ đợi những chuyến bay đáp xuống. Một người đàn ông cho biết anh đã ở đây hai ngày. Trong khi đó, một phụ nữ lo sợ cho sự an toàn của mình và đứa con nhỏ bởi ở nơi cô sống, nạn cướp bóc, hôi của đang diễn ra.
Các nhân viên cứu hộ đang nỗ lực đào xới những đống đổ nát, đôi khi bằng tay, với hy vọng sẽ tìm thấy những người mắc kẹt.
Hôm qua, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể liên lạc được với thị trấn Donggala, nơi có 300.000 người sinh sống và gần với tâm chấn nhất. Tổ chức Chữ thập đỏ Quốc tế đã chia sẻ một đoạn video, quay cảnh các nhóm đang tìm kiếm nạn nhân tại đây, cho thấy hầu hết các tòa nhà dọc bờ biển đều bị phá hủy. Những tòa nhà còn đứng vững cũng bị hư hại nặng.
"Tình hình tại các khu vực bị ảnh hưởng thực sự là một cơn ác mộng. Thành phố Palu đã bị tàn phá và các báo cáo đầu tiên về thị trấn Donggala cho thấy nơi đây bị thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng bởi thảm họa kép", Jan Gelfand, người đứng đầu văn phòng Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) tại thủ đô Jakarta, nói trong một tuyên bố.
Hôm 30/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tới thăm thành phố Palu và cho biết ưu tiên hàng đầu lúc này là cứu các nạn nhân sống sót và giúp các nhân viên cứu trợ mang đồ ăn, nước sạch tới cho người dân. Ông cũng kêu gọi sự viện trợ từ quốc tế. Đến nay, 10 quốc gia đã đề nghị hỗ trợ Indonesia vượt qua thiên tai.