Khác với người đồng sáng lập Grab Anthony Tan, Tan Hooi Ling ít xuất hiện trước truyền thông và báo chí. Cô là một trong những nữ đồng sáng lập hiếm hoi của các startup kỳ lân trên thế giới. Theo báo cáo tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2014, tại Mỹ có 17% các công ty khởi nghiệp có đồng sáng lập là nữ, trong khi đó ở châu Á tỷ lệ này chỉ chiếm 5%.
Tan Hooi Ling và Anthony Tan gặp nhau tại trường Kinh doanh Harvard năm 2011 và cùng xây dựng ý tưởng thành lập Grab. Trong khi Anthony nổi tiếng với vai trò CEO của Grab, công ty khởi nghiệp giá trị nhất Đông Nam Á với định giá 6 tỷ USD, vai trò của Tan Hooi Ling lại ít được biết đến.
Tan Hooi Ling sinh ra trong gia đình khá giả có bố làm công chức nhà nước và mẹ là nhà môi giới. Từ nhỏ, Ling được thừa hưởng nền giáo dục tốt. Cô tốt nghiệp ngành kỹ sư cơ khí tại một trường đại học ở Anh và làm nhà tư vấn chiến lược cho tập đoàn MCKinsey tại thị trường Đông Nam Á, Mỹ và Australia.
Ling cho biết: "Lúc đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc thành lập một công ty riêng".
Sau hai năm làm việc tại MCKinsey, cô được tập đoàn này tài trợ cho đi học thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Harvard. Trong một sự kiện cắm trại của trường, Ling và Anthony chung đội chơi khi tham gia cuộc thi ý tưởng kinh doanh giúp ích cho những người thu nhập thấp.
Trong cuộc thi, hai người trẻ đến từ Malaysia cùng lên ý tưởng về nền tảng gọi xe trực tuyến nhằm hỗ trợ cho các tài xế taxi truyền thống tìm kiếm khách hàng. Ý tưởng này được đánh giá cao bởi nó không chỉ giúp thay đổi bộ mặt của ngành giao thông Malaysia mà còn đem lại lợi ích cho cả hành khách lẫn lái xe.
Sau khi tốt nghiệp, Ling quyết định trả lại số tiền được MCKinsey tài trợ đi học ở Harvard và quay trở lại với dự án Grab cùng Anthony. Bố mẹ cô đã phản đối gay gắt khi cô từ bỏ công việc tại tập đoàn lớn để khởi nghiệp dự án "điên rồ".
Cô chia sẻ: "Tôi hiểu cha mẹ phản đối là muốn tốt cho con cái. Khi đó, không ai nghĩ Grab là dự án mang lại thành công."
Ở giai đoạn đầu, Ling và Anthony gặp không ít khó khăn từ việc thuyết phục các hãng taxi truyền thống đến hướng dẫn cho các tài xế sử dụng app. Thời điểm năm 2011 điện thoại thông minh và Internet vẫn chưa bùng nổ tại Malaysia và các ứng dụng di động thường bị hoài nghi nhiều hơn là tiếp nhận và sử dụng.
Nhờ lòng kiên trì của hai người đồng sáng lập, ngay trong lần ra mắt ứng dụng đầu tiên, Grabtaxi đã có 11.000 lượt đặt xe. Đây là con số vượt mong đợi trong kế hoạch của những nhà lãnh đạo Grab. Đến nay, Grab đã có mặt tại hơn 200 thành phố trên thế giới và có hơn 100 triệu lượt tải ứng dụng.
Tại Grab, Anthony đảm nhận vị trí CEO, chịu trách nhiệm quan hệ với các nhà đầu tư, trong khi Ling chịu trách nhiệm về kỹ thuật. Trong những ngày đầu thành lập, Ling thường xuất hiện với chiếc điện thoại trên tay và hướng dẫn các lái xe taxi sử dụng ứng dụng tại các quán cà phê ở thủ đô Kuala Lumpur. Đó chính là cách Ling khởi nghiệp và đồng hành cùng Grab trong những giai đoạn khó khăn nhất.
Nói về nữ đồng sáng lập, Anthony chia sẻ: "Chúng tôi tin tưởng cả hai sẽ bổ sung những điểm mạnh và bù trừ điểm yếu cho nhau".
Năm 2017, Grab nhận được khoản đầu tư 2,5 tỷ USD từ Didi Chuxing và SoftBank, đưa định giá công ty lên hơn 6 tỷ USD. Khoản đầu tư này tạo nên sức ép lớn cho Uber tại châu Á và buộc công ty đến từ Mỹ phải thu hẹp thị trường tại một số quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc.
Sự phối hợp ăn ý giữa hai nhà đồng sáng lập đưa Grab trở thành ứng dụng đặt xe hàng đầu Đông Nam Á. Đến nay, Grab là startup được định giá lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, tiếp sau là đối thủ Go-Jek với định giá 5 tỷ USD.
Hiện tại, Tan Hooi Ling giữ vị trí Giám đốc vận hành (COO) tại Grab và luôn đứng phía sau hỗ trợ người bạn đồng hành Anthony. Năm 2016, cô được Forbes vinh danh trong danh sách 12 nữ doanh nhân trẻ ảnh hưởng nhất châu Á.
Thảo Nguyên
Theo Degital New Asia