Kết thúc một ngày làm việc trở về nhà, Đỗ Quyên (29 tuổi, hiện là quản lý nhà hàng tại Đà Lạt) tranh thủ lúc nghỉ ngơi để sắp xếp các món đồ chơi mini vào trong tủ trưng bày. Các món đồ quá nhỏ, Quyên phải dùng nhíp để bày trí, nhẹ nhàng đặt vào bên trong. Chỉ định tranh thủ vài phút cuối ngày, nhưng ngẩng đầu lên đã là 1-2h sáng khiến chồng cô còn nói dỗi ‘sao em không bày đồ đến sáng rồi đi làm luôn’. Nhìn ông chồng đang càu nhàu ngoài cửa phòng, Quyên bật cười rồi bất giác nhìn lại các tủ chứa đồ mini được sưu tầm trong gần 10 năm qua: Không ngờ mình lại có đam mê với các món đồ tưởng chỉ dành cho trẻ con.
10 năm sưu tập đồ chơi mini
Nhớ lại cơ duyên với những món đồ chơi này, Quyên kể từ bé đã mê những món đồ nhỏ xinh, thậm chí còn sở hữu một bộ sưu tập gấu bông từ mẫu giáo đến bây giờ. Thời sinh viên, trong một lần tìm mua gấu bông 2hand (đồ cũ) trên mạng, Quyên bắt gặp các set đồ mini của hãng Re-Ment mô tả những món đồ ngoài đời thật và lập tức bị thu hút.
Là một hãng chuyên sản xuất đồ chơi bằng nhựa theo chủ đề của Nhật Bản được thành lập năm 1998, Re-Ment tung ra các sản phẩm fullbox gồm nhiều set nhỏ, có giá hàng triệu đồng. Các món đồ mang giá trị sưu tầm nên càng "cổ" càng đắt đỏ, khó tìm.
Là đồ chơi của Nhật nhưng có nhiều set làm về chủ đề Việt Nam, thậm chí còn in luôn cả chữ Việt. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy mô hình của phích nước Rạng Đông mà các gia đình thường dùng, mô hình rất nhỏ nhưng được làm tinh xảo, những chi tiết đều rời, dễ lắp ráp, Quyên đã thích mê. Càng nhìn, cô càng thích và mong muốn được sở hữu các món đồ tí hon cho riêng mình.
"Mình bắt đầu sưu tầm từ khi học đại học, nhưng là sinh viên nghèo nên chỉ dám ngắm. Đến khi có tiền thì mua các set rẻ. Set đồ đầu tiên mình mua là mô hình phích nước Rạng Đông, giá lúc đó cũng chừng hơn 200 nghìn đồng", 9x nói.
Quyên hay trêu "nhà sản xuất luôn biết cách làm mình cháy túi", mỗi năm hãng ra nhiều chủ đề nhưng sau một thời gian sẽ ngừng sản xuất nên giá các set đồ "cổ" chắc chắn sẽ tăng. Bởi vậy mà các "tín đồ" như Quyên luôn tranh thủ mua khi hàng vẫn còn và giá rẻ.
Khi tốt nghiệp đại học, lương mỗi tháng không nhiều, nhưng cô nàng vẫn cố nhịn ăn, nhịn mặc để có thể dành 50% tiền lương cho đồ chơi mini, từ đó đến nay cũng gần 10 năm. Hiện tại công việc ổn định, Quyên có nhiều cơ hội để theo đuổi đam mê.
"Ngày xưa vì không có tiền nên mình bỏ lỡ các món đồ yêu thích, đến khi đủ tài chính thì chẳng còn hàng để mua, nếu còn thì giá cũng tăng vọt. Nên giờ mình bắt đầu tìm mua lại các set đồ cổ. Mình thường lặn lội vào các nhóm Re-Ment của Thái Lan, Nhật Bản để tìm mua. Người thanh lý đăng bài rao bán, ai nhanh tay comment trước thì được. Mình gom nhiều lần rồi họ gửi ship từ nước ngoài về. Cũng có khi mình mua được đồ ưng ý trong nhóm ở Việt Nam", Quyên cho hay.
Theo cô, có tháng cô bỏ ra khoảng 10 triệu đồng mua đồ chơi, khi kiềm chế lại thì tốn ít hơn. Nhiều lúc cố mua xong tiếc tiền, nhưng khi ngồi ngắm lại thấy may mắn vì mua được những set hiếm có khó tìm.
"Một bộ đồ mới hiện có giá dao đồng tầm 1-1,3 triệu đồng, gồm 8 set nhỏ, trong khi các món đồ cổ có giá từ 1 triệu đến 3, 4 triệu. Tính đến bây giờ nếu quy ra tiền chắc mình thể tính nổi, nhưng cũng áng chừng 100 triệu đồng trở lên. Nhưng chắc số lượng các món đồ còn tăng nữa", Quyên cười cho biết ngày chưa lấy chồng, thường bị bố mẹ kêu "lớn rồi mà còn chơi đồ hàng, mua đồ vớ vẩn", còn bạn thân thì bảo "điên, phí phạm". Nhưng Quyên không hề cảm thấy hối hận vì mỗi người đều có sở thích riêng, bới với riêng cô chỉ cần ngắm các món đồ cũng xua tan bao mệt mỏi.
"Không đóng cho vợ cái tủ để trưng bày đồ chơi thì không cưới"
Năm 2019 Quyên kết hôn, nhưng điều đầu tiên cô nghĩ đến là "làm sao dọn hết được đồ chơi về nhà mới". Thậm chí cô còn "giao ước" trước: "Không đóng cho vợ cái tủ để trưng bày đồ chơi thì không cưới".
Hơi hoảng, "ông chồng của năm" lại lật đật đi tìm hiểu, thiết kế rồi nhờ người đóng trưng bày. Nhưng đồ nhiều, tủ đựng không hết, anh lại kiên nhẫn đóng thêm. Mỗi lần thấy vợ "tậu thêm đồ mới", người chồng lại càm ràm kêu nhà chật hết cả, không còn chỗ, thậm chí còn trêu "mang về nữa thì đóng bịch nilon chứ không còn chỗ để". Nhưng sau cùng anh vẫn nhường các không gian trong nhà để tủ đồ chơi cho vợ, còn đồ của mình thì để đâu cũng được.
Nhìn quanh nhà, đâu đâu cũng là tủ để đồ chơi, Quyên thừa nhận thấy hơi "có lỗi" vì chồng luôn chiều theo sở thích của cô. Thi thoảng cô lại thủ thỉ với chồng: "Sau này có điều kiện em sẽ làm một phòng riêng chỉ để đồ chơi".
Theo Quyên, sắp xếp đồ mini khó ở chỗ từ lúc mua về quá nhiều đồ nên phải dành thời gian để phân loại và phải có ý tưởng trước sắp xếp theo từng chủ đề. Vì đồ mini rất nhỏ nhiều chi tiết và dễ bám bụi nên tất cả đều trưng bày trong tủ kính, nhưng may mắn chúng bằng nhựa nên rất dễ lau chùi và bảo quản.
Hiện Quyên vẫn còn kha khá món chưa có chỗ để nên phải bảo quản tạm trong thùng giấy. Thậm chí còn mấy thùng đặt về Quyên còn chưa kịp đập hộp thì thêm thùng khác chuẩn bị "cập bến".
Đỗ Quyên khẳng định không có ý định nhượng lại đồ mà chỉ có mua thêm.
"Các đồ chơi mini mình có đủ loại từ hoạt hình cho đến tả thật theo từng chủ đề như tiệm bánh, đồ dùng bếp, đồ ăn, siêu thị, đồ dùng học tập, đồ make up, đồ nội thất... nói chung tất cả những gì trong cuộc sống hàng ngày được mô phỏng thành mô hình mình đều sưu tầm không giới hạn. Trong thời gian tới, khi thấy những món nào hợp với chủ đề mình vẫn sẽ rinh về thêm", Quyên cười.
Đăng Khoa