Đây là bức ảnh chụp ngày 1/8, gần hai tháng trước khi thảm họa xảy ra tại vị trí này. Trong khi đó, Bộ GTVT cho rằng ngày 13/8 tư vấn giám sát mới chấp thuận thi công giàn giáo. |
Ông Nguyễn Văn Công cho biết tiếp ông Hiroshi Kudo là kỹ sư kết cấu thép của tư vấn giám sát (liên danh Nippon Koei - ChoDai). Kỹ sư này được ông Akiyama, kỹ sư thường trú của gói thầu số 2, gói thầu chính, giao nhiệm vụ xem xét, thẩm tra nội dung báo cáo của nhà thầu TKN (liên danh Taisei - Kajima - Nippon Steel). Ông Hiroshi Kudo đã có "báo cáo nội bộ" gửi ông Akiyama. Thư nội bộ này cũng được gửi kèm cho ông Yamashina và ông Vũ Hoàng Anh, kỹ sư do TEDI cung cấp theo hợp đồng.
Căn cứ vào báo cáo của ông Hiroshi Kudo, ông Akiyama đã mời nhà thầu TKN đến văn phòng tư vấn (bãi công trường số 5) để trao đổi, yêu cầu nhà thầu kiểm tra lại nội dung thiết kế của mình.
Kính gửi: ông Akiyama Đồng gửi: ông Yamashina, ông Vũ Hoàng Anh Thưa ông, Liên quan đến những vấn đề đã nêu trong văn bản được đánh số Ref.L-TCN/JVC-1302 ngày 2/6/2007, sau khi xem xét, bên thiết kế xin xác nhận như sau: Bảng tính của hệ giàn chống đỡ tạm thời này cho thấy một tỷ số an toàn rất thấp và nó nguy hiểm ở nhiều điểm. Bảng tính nên được cải thiện ngay lập tức và thêm sự gia cố nhằm đảm bảo đủ sự an toàn. Xin nói thêm, những nội dung của lá thư này đã được truyền đạt bằng miệng tới TKN vào ngày 8/6. Tuy nhiên, nó không được gửi đến vào ngày 27/6, vì thế nhóm thiết kế muốn thông báo lại cho nhà thầu một lần nữa. Sau khi phân tích hàng loạt yếu tố kỹ thuật chưa đạt yêu cầu, kỹ sư Hiroshi Kudo đã khuyến cáo: "Hệ giàn chống đỡ của nhịp ngoài cùng chỉ đạt 15% hệ số an toàn trạng thái giới hạn của thép. Ngoài ra tải trọng gió đã không được cân nhắc một chút nào. Điều kiện này rất nguy hiểm. Nếu cần một kết quả thiết kế lại, nhà thầu nên gia cố nó ngay lập tức". Hiroshi Kudo |
Nhà thầu TKN đã chỉnh sửa, bổ sung sau thẩm tra và đệ trình lại tư vấn giám sát (liên danh Nippon Koei - ChoDai) để xem xét; tư vấn giám sát đã kiểm tra và xác nhận hồ sơ này thỏa mãn yêu cầu của tư vấn giám sát. Tuy nhiên, Bộ GTVT nhìn nhận: "Trên thực tế sự cố kỹ thuật đã xảy ra". Điều này đang được các kỹ sư, cán bộ chuyên môn của cả hai bên (chủ đầu tư và tư vấn giám sát + nhà thầu) xem xét một cách độc lập để tìm nguyên nhân.
Xin nhắc lại, kỹ sư Hiroshi Kudo đã cảnh báo: "Hệ thống đà giáo này chỉ đạt 15% của hệ số an toàn. Điều kiện làm việc này rất nguy hiểm. Nhà thầu cần thiết phải thiết kế lại".
Xem qua thông tin báo chí của Bộ GTVT, một kỹ sư, "nhân vật quan trọng" đã đề cập trong bài "Thảm họa đã được báo trước!", nhận xét: nhiều nội dung trong các bức thư mà tư vấn giám sát trao đổi với nhà thầu chưa thỏa mãn các nguyên tắc về an toàn xây dựng cầu. Trong đó công văn 1371 ngày 7/3/2007 mà Yukio Fukui, kỹ sư thường trú của gói thầu số 2 (gói thầu chính), gửi cho Masami Miyauchi, giám đốc điều hành dự án của nhà thầu TKN, có nói: kết cấu của công trình tạm này có dạng gần giống như kết cấu của công trình tạm thời đúc khối Ko tại trụ tháp bờ bắc.
Theo "nhân vật quan trọng" trên, hai kết cấu này không thể được đánh đồng và lấy kết cấu này để áp đặt cho kết cấu kia. Kết cấu công trình tạm cho nhịp dẫn từ trụ P13-P15 khác với kết cấu của công trình tạm thời đúc khối Ko tại trụ tháp bờ bắc. Công trình tạm từ trụ P13-P15 là công trình tạm chống trên đất liền, khác với công trình tạm được chống trên đài cọc bêtông cốt thép. Một cái chống trên vật biến dạng, còn một cái chống trên vật không biến dạng. Kết cấu dầm của dầm hộp đúc tại chỗ trên đà giáo khác hoàn toàn với kết cấu đúc hẫng cân bằng tại đốt Ko ở trụ tháp bờ bắc.
Vị này kết luận: Không thể dùng kết quả thử tải tĩnh tại đốt Ko ở trụ tháp bờ bắc suy luận ra cho thử tải tĩnh đối với công trình tạm (đà giáo) của hai nhịp biên trụ P13-P15.
Thông tin báo chí của Bộ GTVT cho biết các cảnh báo trong thư ngày 27/6 của kỹ sư Hiroshi Kudo đã được nhà thầu TKN nghiên cứu thẩm tra và chỉnh sửa, gia cường công trình phụ tạm thông qua công văn 1341 ngày 30/6/2007. Ngày 26/7/2007 nhà thầu TKN có văn bản 1385 gửi tư vấn giám sát với nội dung nộp phương án chỉnh sửa các công trình tạm (ván khuôn, đà giáo) và đề nghị tư vấn giám sát chấp thuận. Tới ngày 13/8/2007 thì tư vấn giám sát mới có công văn số 1713 trả lời văn bản số 1385 của nhà thầu với nội dung chấp thuận các công trình tạm (đà giáo, ván khuôn) cho nhịp dầm hộp đúc tại chỗ phía trụ tháp bờ bắc.
Tuy nhiên, trước đó vào ngày 1/8, phóng viên đã có mặt tại khu vực này chụp lại hình ảnh thi công việc đúc dầm hộp khu vực từ trụ P13/P15. Qua hình ảnh cho thấy các trụ tạm (đà giáo) đã được nhà thầu dựng lên trước đó từ rất lâu (xem ảnh). Không hiểu các phương án chỉnh sửa này của nhà thầu và tư vấn giám sát thực hiện lúc nào và như thế nào?
Công văn số 1371 ngày 7/3/2007 của tư vấn giám sát yêu cầu nhà thầu phải thử tĩnh kết cấu công trình tạm (thử tải) và sau đó trong công văn 1302 của nhà thầu trả lời (có báo cáo thiết kế chỉnh sửa) không nêu gì đến việc thử tải nhưng vẫn được đơn vị tư vấn giám sát thông qua để cho thi công. Và chính vì thế nên việc thử tải đã không được thực hiện tại khu vực xảy ra thảm họa.
Sập nhịp dẫn cầu do không thử tải trụ tạm
Sở dĩ giàn giáo bị sập là do trụ tạm phía dưới bị lún. Hai trụ tạm này kích thước 35x35cm, được đóng giữa hai nhịp cầu dẫn và được nhà thầu TKN giao cho Công ty Thăng Long (trụ sở tại TP Cần Thơ) thi công. Vấn đề nằm ở chỗ các trụ tạm bị lún và một trong những sai lầm nghiêm trọng của nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát là đã không cho thử tải trụ tạm trước khi lắp giàn giáo và đúc sàn hai nhịp cầu dẫn. Lúc chúng tôi đổ bêtông sàn cầu, qua quan trắc, đo đạc, chúng tôi phát hiện sàn cầu dẫn bị lún có nơi lên tới gần 7cm. Độ lún bình quân theo tính toán là 3,5cm. Nhà thầu đều biết rất rõ việc này bởi có bộ phận theo dõi, lấy số liệu quan trắc mỗi ngày; lúc kiểm tra có rất nhiều chuyên gia, kỹ sư của các bên nên không cần phải báo họ cũng biết bởi hằng ngày các kỹ sư của họ đều có mặt. Ông Bùi Văn Thịnh (Phó giám đốc Công ty TNHH cơ khí và xây dựng Vĩnh Thịnh) |
(Theo Tuổi Trẻ)