![]() |
Việc thiết kế ban công tại các tòa nhà cao tầng sẽ hạn chế cảm giác “sợ chiều cao”. |
Từ ngày chuyển về chung cư Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh - TP HCM), bà Hoàng ít nói hơn, bởi những người quen cùng sống ở cái xóm nghèo ven kênh trước đây đã nhượng suất tái định cư cho người khác và chuyển đi xa. Hàng xóm mới đóng cửa đi làm suốt nên bà Hoàng cũng chỉ hỏi xã giao được vài câu nếu chạm mặt, còn không thì “đèn nhà ai nấy rạng”. Ngồi trong căn hộ khang trang mà bà chạnh lòng nhớ lại những ngày sống dưới đất, chỉ cần ới một tiếng là hàng xóm đến chật nhà.
Bà Ngọ cũng vậy, được người con trai đưa từ quê lên phụng dưỡng nhưng chỉ được dăm ngày là bà nằng nặc đòi về dù đó là một căn hộ cao cấp thuộc một cụm chung cư tại quận 7. Con trai tưởng mẹ giận vì cô con dâu thời @ chỉ quen làm việc văn phòng không quen nấu nướng lại đi từ sáng sớm đến tối mới về, hay thằng cu nghịch ngợm, quấy phá. Nào ngờ lý do thật đơn giản, bà cảm thấy nhớ... hàng xóm. Bà Ngọ tâm sự, ở quê quen cảnh tối tối các bà bạn già túm lại bàn chuyện con cái trên thành phố, còn ở đây, một tầng chỉ có 4 căn hộ nối nhau bằng cái hành lang, cửa đóng im ỉm suốt ngày thì thà về quê thiếu thốn một chút vẫn thấy thích hơn.
Mỗi khi có ai nhắc đến chuyện nhảy lầu tự tử là chị Vân lại cảm thấy ớn lạnh, bởi chính chị từng mục kích cảnh một người nhảy từ lầu 7 của chung cư xuống đất. Và cũng kể từ đó, chị Vân rất sợ mỗi khi ra ban công căn hộ chung cư của mình vì có cảm giác vừa xây xẩm vừa như có ai đó đang đứng sau lưng chực xô mình xuống đất.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ xã hội học Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển đô thị và cộng đồng, Đại học KHXH-NV TP HCM, từ thực tế của các nước trên thế giới, người dân ở các chung cư cao tầng sẽ có một số hội chứng liên quan, đặc biệt là “sợ chiều cao” và “cô đơn”.
Ông Hòa dẫn chứng một số nghiên cứu của các nhà tâm lý học đô thị của Đức, Áo cho thấy trẻ con sống ở nhà cao tầng thường thấy thiếu tự tin, sợ chiều cao, không dám nhìn xuống đất, không mạnh dạn khi chạy nhảy, lúc nào cũng muốn ở trong nhà và rất sợ ra hành lang. Thực tế này cũng đã xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em Việt Nam, nhất là những người chưa quen ở nhà cao tầng.
Bệnh lý “cô đơn” bắt nguồn từ cấu trúc căn hộ chung cư khép kín, dịch vụ khá hoàn hảo, mọi người không cần bất cứ khoảng không gian cộng sinh nào cũng sinh sống bình thường. Hình thái này làm cho cá nhân thấy tự do, độc lập, nhưng ngược lại cũng tạo ra tâm lý cô đơn khi ở một mình. Tâm lý này càng trở nên nặng nề và ám ảnh thường trực khi mà cá nhân hay hộ gia đình sống trong một chung cư toàn người lạ. Khá nhiều phụ nữ độc thân dễ có cảm giác cô độc và stress ngay trong chính căn hộ chung cư cao tầng của mình.
(Theo Người Lao Động)