Chỉ riêng trong năm 2004, đã có 12.202 cô gái VN đăng ký kết hôn với người ĐL, trong đó 57,7% ở độ tuổi 20-30, khoảng 36,2% ở độ tuổi dưới 20... và phần lớn đều là những cô gái xuất thân từ nông thôn. Để tìm câu trả lời vì sao các cô gái trẻ VN ở vùng nông thôn lại thích lấy chồng ĐL, PV Tuổi Trẻ đã sang ĐL tìm hiểu.
![]() |
Các cô dâu tương lai đang biểu diễn trước ống kính. Cuộn băng này sẽ được đưa sang Đài Loan giới thiệu cho các chú rể tương lai. |
Tại văn phòng của ông Lý Khải Chiếu, trưởng phòng cấp visa của VPKTVHĐB tại TP HCM, hai người đầu tiên bước vào, tay trong tay. Cô gái trẻ có vẻ hơi lo lắng và ngơ ngác, bàn chân to kềnh càng, móng chân vẫn chưa cắt còn dính đất đen, chật căng trong đôi dép mới màu hồng. Người đàn ông ĐL cho biết anh 33 tuổi, làm thợ điện xe hơi được bảy năm với thu nhập trung bình khoảng 30.000 đài tệ/tháng.
“Tôi sống nội tâm nên khó tìm vợ, hơn nữa với mức thu nhập này ở ĐL cũng không phải là cao nên đã nhờ một người quen giới thiệu và tìm cô dâu VN”. Anh bảo vài tháng trước được xem ảnh cô dâu tương lai và thấy cũng khá hợp nhãn nên sau khi sắp xếp được thời gian liền sang tìm hiểu và xin cưới luôn. Cô gái tên Phạm Thị Thanh Thảo, 19 tuổi, quê ở Cần Thơ, cho biết cô học chưa hết lớp 7, sau đó ở nhà làm nội trợ, thỉnh thoảng cũng đi làm ruộng hoặc ai kêu gì làm đó ngày cũng được 10.000-15.000 đồng.
Cô nói: “Em cũng mới quen ảnh được vài ngày thôi. Một người chị bà con dẫn đến khách sạn trên TP HCM giới thiệu. Từ hổm rày ngày nào cũng gặp, sáng đến khách sạn gặp ảnh, trưa về nhà người quen nghỉ. Em thấy ảnh cũng tốt với em, dắt em đi chơi, sắm đồ... nên nếu được chắc mấy ngày nữa làm đám cưới luôn”, cô gái nói xong quay qua “chồng tương lai” cười rất tươi, tay vẫn không rời tay.
Ông Lý suy nghĩ một hồi rồi bảo: “Hai người có thành ý với nhau, hy vọng hai người sẽ hạnh phúc, nhưng trước mắt cả hai vẫn chưa trao đổi trực tiếp với nhau bằng tiếng Hoa được nên cô phải cố gắng học tiếng Hoa trong thời gian chờ có giấy tờ. Hai tháng nữa quay lại đây chúng tôi một lần nữa kiểm tra trình độ tiếng Hoa, nếu không được chúng tôi sẽ không cấp visa vào ĐL”.
Hai người đứng dậy có vẻ thất vọng, thoáng có giọt mồ hôi rịn trên thái dương cô gái. Bước ra khỏi phòng, cô gái nhanh chóng rút tay mình khỏi tay người đàn ông và bước nhanh về phía cổng...
Cặp thứ hai bước vào. Ban đầu họ ngồi ở hai đầu ghế salon, nhưng hình như chợt nhớ ra điều gì họ đột nhiên ngồi sát lại với nhau và cũng nắm chặt tay nhau như cặp trước. Cô gái khá hồi hộp và lo âu... Người đàn ông cho biết tháng bảy năm ngoái được một người cho xem hình cô gái, thấy ưng ý và đến giờ mới quyết định đến VN xin cưới.
Cô gái tỏ ra lúng túng: “Em tên Quách Thị Mai, 20 tuổi, quê huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, em đã học hết lớp 4, bà cô của em tên Trang giới thiệu cho em anh này...”. Ông Lý hỏi qua người phiên dịch: “Vậy cô Trang họ gì?”. “Dạ... em không biết, chỉ biết gọi cổ là cô Trang thôi...”. Nói đoạn cô gái chủ động rút tay mình về, lòng bàn tay của cô ghi chi chít chữ là chữ.
Cô liếc nhanh xuống bàn tay của mình và chùi bàn tay mướt mồ hôi vào quần rồi nói như học thuộc lòng: “Nhà em có bảy anh chị em, em là lớn nhất ở nhà làm nghề may đồ sống cũng tạm, cha mẹ có vuông nuôi tôm ở nhà...”. “Sao anh ấy nói là chị đã học hết lớp 10 và ở nhà buôn bán?”, ông Lý cắt ngang. Cô Mai và người ĐL thoáng bối rối nhìn nhau...
“Thông tin mà anh chị cho biết không khớp với nhau, bản thân chị cũng không thể giao tiếp bằng tiếng Hoa. Rất khó có một tương lai tốt”. Nói đoạn ông Lý xếp hồ sơ của hai người sang một bên và hỏi tiếp: “Chị có biết anh ấy làm nghề gì không?”. Mai ấp úng: “Ảnh nói ảnh làm nghề sửa máy bay, sau khi cưới em về cho em đi làm chung hãng máy bay với ảnh, nghe nói lương cũng cao lắm...”. Ông Lý lắc đầu ngao ngán...
Theo ông Lý, việc phỏng vấn các cặp cô dâu chú rể trước ngày 1/1 đơn giản hơn bây giờ rất nhiều: các cặp cô dâu chú rể được triệu tập tại một phòng họp lớn, ông Lý và một người phiên dịch thông báo các điều cần thiết về việc ăn ở, sinh hoạt ở ĐL...
“Nhưng cách phỏng vấn này bộc lộ nhiều khuyết điểm", ông Lý thừa nhận. Theo thống kê, trong thời gian qua có khoảng 30% các cặp vợ Việt, chồng Đài kết hôn giả để chủ yếu sang được ĐL, một số cô bị lừa bán sang tay người khác, có cô dâu bỏ ra ngoài đi làm..., xảy ra nhiều chuyện không hay gây khá nhiều xáo trộn xã hội.
Từ đầu năm nay, VPKTVHĐB tại TP HCM thay đổi cách phỏng vấn xin visa cho các cặp cô dâu chú rể VN - ĐL. Sáu thư ký người ĐL trực tiếp phỏng vấn các cặp cô dâu chú rể. Tốc độ cấp visa chậm hẳn, lượng người được phỏng vấn mỗi ngày ở mỗi thư ký cũng chỉ được vài cặp, nhưng điều quan trọng là đã hạn chế được khá nhiều tình trạng kết hôn giả như thời gian vừa qua”.
Trong năm 2004, Cần Thơ là địa phương có số lượng người lấy chồng ĐL nhiều nhất với 1.812 người, chiếm 14,85%; kế đến là tỉnh Tây Ninh với 1.778 người, chiếm 14,57%; tỉnh Đồng Tháp đứng thứ ba với 1.394 người chiếm 11,42%. TP HCM theo thống kê chỉ có 842 người lập gia đình với người ĐL, chiếm 6,9%, xếp hạng năm trong số tỉnh thành có người lập gia đình với người ĐL.
Do đó có thể thấy đa số các cô gái trẻ có “ước nguyện” lấy chồng ĐL đều đến từ các vùng nông thôn của phía Nam. Phía ĐL thì Đài Bắc là địa phương đón nhiều cô dâu VN nhất trong năm qua với 1.888 cô dâu VN, chiếm 15,47% tổng số cô dâu VN sang ĐL, thứ nhì là Đào Viên với 981 cô dâu VN, thứ ba là Đài Trung với 808 cô dâu VN.
Đến xứ người
47,9% đàn ông người ĐL kết hôn với phụ nữ VN nằm trong độ tuổi 31-40 và 24% nằm trong độ tuổi 41-50, chỉ có gần 20% đàn ông ĐL trong độ tuổi 20-30 sang VN lấy vợ.
Bảng điều tra của VPKTVHĐB tại TP HCM cũng cho thấy 89% nghề nghiệp của các cô dâu khai đều là nội trợ và chỉ có 9,6% là nông dân.
Trình độ của các cô dâu VN lấy chồng ĐL nhiều nhất là tiểu học với 55,3%, 38% có trình độ THCS, THPT chỉ chiếm khoảng 6,3%.
Theo một khảo sát của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ (được công bố trong buổi tọa đàm ngày 13/1 về kết hôn của nữ VN với nam ĐL), khi trả lời câu hỏi vì sao thích lấy chồng ĐL, các cô dâu VN cho biết thích cuộc sống hiện đại, thích được đi máy bay, nghe nói qua đó sống tốt lắm...
Chuyến bay VN/CI926 sang Cao Hùng bị hoãn lại hơn 70 phút, trong số hàng chục hành khách của chuyến bay này tôi để ý có ba cô gái rất trẻ, khoảng 19-20 tuổi ngồi cùng nhau. Họ ngồi lặng yên trong một góc phòng chờ số 7 ở nhà ga hàng không Tân Sơn Nhất, trong tay cầm nào là vé, thẻ lên máy bay và hàng loạt các giấy tờ khác...
Bên phòng chờ số 6 cũng là chuyến bay sang Cao Hùng của Hãng Pacific Airlines thì sôi động vô cùng với tiếng các cô gái trẻ VN ngồi nói chuyện về quê thăm gia đình, tiếng con nít khóc, tiếng những người mẹ trẻ la mắng con... Ai cũng lỉnh kỉnh túi xách, mứt dừa, quà bánh... Số lượng các cô gái trẻ VN đi cùng với trẻ con hôm đó chiếm gần một nửa hành khách trên chuyến bay của hãng này...
Đáp xuống sân bay Cao Hùng đã gần nửa đêm, ba cô gái trẻ trước bục kiểm tra giấy tờ hải quan sân bay đang loay hoay với đống giấy tờ cầm trong tay, không biết phải trình cái nào.
Cầm đống giấy tờ, cô gái trẻ nhất trong nhóm quay sang hỏi người bạn đang xách mấy bịch mứt dừa và đống túi xách: “Mấy cái giấy này là bà chị ở nhà ghi giùm, giờ quên là phải đưa cái nào, mà hổng biết bả ghi đúng không nữa, chị coi giùm em”.
Cô bạn gái đi cùng có vẻ thông thạo và lần lượt giúp các bạn của mình qua quầy kiểm soát. Cô nói khi tôi có ý hỗ trợ: “Sẽ có người thân ra đón tụi em, nhưng chưa biết mặt!”.
Khách trên sân bay đã vãn, ba cô gái nọ vẫn đứng chờ “người thân” đến đón bên ngoài hành lang nhà ga. Cô gái trẻ nhất nhóm đứng nép vào giữa hai cô bạn và đống hành lý trong cái lạnh 14 độ C lúc gần 12h đêm. Không biết ba cô gái trẻ kia sẽ ra sao nơi đất khách quê người với những “người thân” chưa hề biết mặt...
(Còn nữa)