Cô dâu Hứa Đặng Thanh Trúc (biệt danh: Katy Hua, sinh năm 1988) nổi tiếng trên các trang mạng xã hội với căn bếp tự làm từ A đến Z lại tiếp tục khiến mọi người bất ngờ với câu chuyện may váy cưới, làm thiệp cưới cho ngày trong đại của mình. "Năm đầu sang Nhật sống cùng chồng, tôi chưa có việc làm nên rảnh rỗi. Vì thế, khi chuẩn bị cho đám cưới, tôi quyết định làm liều, tự may váy. Bộ đầm có thể không đẹp và lung linh như váy đi thuê nhưng chắc chắn nó là sở hữu của riêng tôi", Thanh Trúc chia sẻ.
Chưa từng trải qua trường lớp nào về may vá nhưng Thanh Trúc đã mê may quần áo từ bé. Cô thường dùng máy may gia đình để làm quần áo cho búp bê dưới sự chỉ dẫn của mẹ. Đồng thời, Thanh Trúc học lỏm được chút kiến thức từ các người thợ mỗi khi đặt may áo, quần và tự làm trang phục cho mình. Cô cũng dành nhiều thời gian để tham khảo các hình ảnh cắt đo, video dạy may vá trên mạng, Youtube. "Tôi thấy váy cưới cũng không khác váy thường là mấy. Vì thế, lúc may váy, tôi chỉ việc ứng dụng tất cả những gì mình học hỏi được trong suốt nhiều năm", Thanh Trúc bộc bạch.
Để bắt đầu, Thanh Trúc cùng chồng mất tới hơn một tháng tìm mua nguyên liệu làm váy cưới tại Nhật. Cô chọn ren cho lớp ngoài cùng của bộ váy, vải satin làm lớp lót, cổ và tay áo làm từ vải voan kim sa. Chi phí dành cho bộ váy khoảng 5 triệu đồng. Buổi sáng, Thanh Trúc tự học tiếng Nhật. Sau đó, cô nấu ăn, giặt giũ và may váy trong vòng 5-6 tiếng đồng hồ. Người dân Nhật thích sự yên tĩnh nên Trúc không may váy vào buổi tối vì sợ tiếng ồn làm ảnh hưởng tới người xung quanh.
Trúc tháo rời những chiếc váy đang có để hiểu cách ghép nối các chi tiết trong một bộ đầm. Về kiểu dáng váy, Trúc chọn dáng A có độ xòe nhẹ. Cô tâm đắc phần cúp ngực và lưng áo, tạo sự nữ tính, có độ xuyên thấu nhẹ, phù hợp với tiết trời hè tháng 8 của TP HCM - nơi Trúc tổ chức đám cưới. Phần thân váy có 2 lớp phù hợp dáng người gầy nhỏ, giúp cô dâu di chuyển thuận tiện, dễ dàng.
Khó khăn mà Trúc gặp phải khi may là làm sao để đầm cưới đơn giản nhưng vẫn phù hợp với sự kiện trọng đại. Cô đã gặp thất bại 3 lần khi may thân áo. Ở hầu hết các công đoạn, Trúc đều may tay trước để tránh làm giãn vải trong lúc may bằng máy.
"Kinh nghiệm mà tôi rút ra được sau những thất bại là nếu muốn có sản phẩm đẹp thì phải kiên nhẫn. Tính gấp gáp, nóng nảy, muốn thành phẩm vừa ý trong thời gian ngắn là kẻ thù của sự thành công. Chỉ cần bạn tự tin, đủ kiên nhẫn để theo đuổi mục tiêu thì dù có hơi vụng về, chắc chắn bạn sẽ có được thành quả hơn cả mong đợi. Khéo léo không phải chỉ là món quà trời ban mà còn là thành quả của cả quá trình rèn luyện lâu dài", Trúc nhắn nhủ.
Tổng thời gian để cô hoàn thiện váy là 3 tháng.
Sau khi có được chiếc váy cưới ưng ý, Trúc tham khảo thiệp cưới trên mạng. "Tôi ưng một mẫu thiệp cưới thủ công, hợp với đám cưới rustic nhưng giá cả đắt đỏ. Vì thế, tôi quyết định tự làm, vừa đúng ý, vừa tiết kiệm", Trúc nói.
Kích thước thiệp ở Việt Nam lớn, còn ở Nhật khá bé. Sau khi làm thiệp theo kích cỡ chuẩn của Việt Nam, Trúc thấy tấm thiệp thô, trang trí bên ngoài rườm rà. Cô cũng gặp thất bại do giấy không phù hợp. Vì thế, Trúc điều chỉnh, thay đổi vài lần mới hài lòng với kích cỡ thiệp 12x12 cm. Chi phí cho mỗi tấm thiệp dao động 12-15.000 đồng. Bìa thiệp làm từ giấy kraft, giấy trắng gân làm ruột thiệp. Ren, vải bố, hạt châu nhựa được dùng để trang trí ngoài thiệp. Trúc soạn nội dung, in thiệp bằng phần mềm Microsoft Word. Do số lượng khách mời chỉ vỏn vẹn 100 người nên chưa đầy 2 tháng, Trúc đã làm xong thiệp.
>> Xem thêm ảnh về váy cưới của Thanh Trúc
Hằng Trần
Ảnh & video: NVCC