- Kinh doanh dịch vụ cưới, thường xuyên cập nhật các xu hướng mới nhưng tại sao chị lại chọn một chiếc áo dài phong cách 'chăn con công' của thời bao cấp cho lễ ăn hỏi?
- Tôi là một người hiện đại, bạn bè cũng nhận xét tính cách tôi trẻ trung, năng động nhưng tôi muốn làm điều gì đó đặc biệt cho ngày trọng đại của mình. Tôi thích hình ảnh chiếc chăn con công, đặc biệt họa tiết hoa mẫu đơn, loài hoa rất Á đông biểu tượng cho sự vĩnh cửu - tất nhiên tôi không quá hy vọng cuộc sống về sau được như thế nhưng điều tôi mong muốn đó là sự gắn kết - vững bền.
Và như một kỷ niệm chiếc chăn con công từng gắn bó với tôi suốt thời sinh viên sống xa nhà. Chiếc chăn được mẹ gấp gọn cất kỹ dưới đáy rương trong hành trang lên đường đi học. Đó cũng là lý do để tôi quyết định tự may áo dài cưới cho mình bằng loại vải có họa tiết này. Tôi là một người thích sự tối giản thế nên váy áo ngày cưới với tôi không nhất thiết phải quá cầu kỳ, chỉ cần nhìn bộ trang phục người ta có thể nhìn ra cái “riêng của Huyền” là "ok" rồi!
- Quyết định 'khác người' như vậy, gia đình và những người xung quanh chị nói gì?
- Bố mẹ chồng tôi không phản đối. Còn bố mẹ tôi vẫn luôn tin tưởng con gái mình nên không có ý kiến gì. Khi tôi đăng hình lên Facebook, khá nhiều bạn của tôi đã vào bình luận, có người tỏ ra thích thú và xin địa chỉ mua áo. Nhưng cũng có một vài người trêu chọc tôi “đồng bóng”. Thực ra, tôi cũng không buồn vì những ý kiến ngược chiều bởi điều quan trọng nếu họ biết rằng trong chiếc áo đấy gửi gắm cả những câu chuyện, những kỷ niệm thì họ sẽ hiểu tôi hơn.
- Tìm được một tấm vải 'độc' như thế để may áo hẳn không dễ dàng. Chị hãy chia sẻ về quá trình may áo dài cưới của mình.
- Tôi yêu thời trang và thích may vá, thích làm đồ thủ công. Nhưng tôi không chủ đích đi tìm vải may áo dài như vậy, mà mọi thứ rất tình cờ. Một trong những lần la cà ở hàng vải, tôi nhìn thấy mảnh vải chăn con công và mua quyết định mua ngay khi còn chưa kịp nghĩ mình sẽ làm gì. Tôi vẫn thường như thế, thích những đồ xinh xắn, mua về tích trữ và biết đâu có ngày dùng đến. Có thể tôi may mắn vì không phải mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm áo dài cưới như các cô dâu khác.
- Ngoài trang phục, có điều gì trong lễ ăn hỏi khiến chị hài lòng nữa?
- Đó là trang trí lễ ăn hỏi và làm áo dài của mẹ, của cô... Với một người thiết kế không chuyên như tôi, việc tự thiết kế phông ăn hỏi mất khá nhiều thời gian, từ tham khảo các mẫu trang trí tiệc cưới, lựa chọn được hình ảnh hoa mẫu đơn phù hợp, cắt ghép, in ấn… hay việc tỉ mẩn tỉa từng bông hoa nhỏ đính lên áo dài của mọi người khiến tôi mất khá nhiều thời gian bởi tôi còn những công việc khác. Tôi mất gần hai tháng để tôi hoàn thành mọi thứ.
Bảng tên của cô dâu chú rể đính trên phông ăn hỏi, tôi đặt in bằng fomex, rồi cẩn thận cắt tỉa theo từng cánh hoa – cái này hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Tôi phải thực hiện rất tỉ mỉ và cẩn thận vì chất liệu này dễ bị gãy. Tôi định hướng cho lễ ăn hỏi của mình đẹp kiểu nhẹ nhàng, thế nên thay vì lọ hoa, tôi dùng chai thủy tinh đựng dưa cà của mẹ để cắm hoa, biến tấu một chút cũng tạo được thứ "hay ho" mà lại khá tiết kiệm, phù hợp với tiêu chí của mình.
- Trong quá trình chuẩn bị cho lễ ăn hỏi, chị có kỷ niệm nào đáng nhớ?
- Tôi làm việc ở Hà Nội, trong khi lễ ăn hỏi lại tổ chức tại Hà Tĩnh nên tôi phải vận chuyển toàn bộ đồ trang trí từ đây về quê, trong đó có bảng tên khá lớn lại dễ gãy như tôi đã chia sẻ ở trên. Vì thế, nếu đi máy bay, phải gửi hành lý thì tôi không thể yên tâm được. Tôi chọn đi ô tô, lúc ý kiến với bác tài để ý hộ mình thì bác kêu không thể chịu trách nhiệm được nên mình phải tự lo. Tấm bảng khá lớn, không thể uốn tròn, để nằm xuống sàn xe thì tôi sợ bị hành lý chồng lên, còn dựng lên thì không vừa vì “em nó” quá cao. Cuối cùng, tôi lại phải tự chui vào thùng xe, dùng băng dính dính chằng chịt, rồi treo lơ lửng giữa thùng xe và sau đó, vừa ngồi trên xe vừa cầu trời cho “em nó nguyên vẹn" tới khi về nhà.
Có lẽ đó không phải là điều duy nhất khiến tôi lo lắng. Ngày ăn hỏi của tôi, mưa như trút nước. Nhà trai từ Bắc Ninh vào, máy bay bị hoãn đến mấy lần qua luôn giờ đã định - lễ ăn hỏi vẫn chưa được tiến hành. Khi đó, chú rể cứ an ủi tôi “kể cả tối mới tới thì sáng mai ta lại ăn hỏi”… Bọn tôi đã dự trù sang cả ngày hôm sau, dù mọi việc đã chuẩn bị hết rồi, họ hàng, khách khứa cũng đã có mặt. May mắn thay cuối cùng mọi thứ vẫn suôn sẻ, lễ ăn hỏi vẫn được tổ chức trong ngày đó nhưng chẳng ai còn quan tâm đến "giờ tốt" nữa. Cũng vì đường xá khá xa xôi nên số tráp ăn hỏi được rút xuống còn năm tráp và hai gia đình thống nhất tổ chức ăn hỏi, xin dâu trong cùng ngày. Nói chung, tôi đã có một ngày thật vui thật đáng nhớ.
- Nói như vậy là chị không có điều gì 'tiếc' cho lễ ăn hỏi của mình?
- Cũng không hẳn như vậy. Vì tôi ôm đồm, tự mình làm mọi việc nên có nhiều ý tưởng hay mà không có thời gian thực hiện. Tại tâm lý của tôi (có lẽ nhiều cô dâu khác cũng vậy) phải tự mình làm thì mới yên tâm. Nếu làm lại, tôi sẽ tìm những người phù hợp để hỗ trợ cho mình, san sẻ công việc.
- Lễ ăn hỏi đã đặc biệt như vậy, không biết ngày cưới của chị sẽ diễn ra thế nào?
- Tôi sẽ tổ chức hai lần tiệc, một là tiệc cưới truyền thống dành cho gia đình, họ hàng và hai là buổi tiệc với bạn bè theo cách của những người trẻ. Tôi vẫn đang trong quá trình chuẩn bị nhưng dự định sẽ được tổ chức tại phim trường và backgroup của đám cưới sẽ là một chiếc Volkswagen mini bus. Trang phục của cô dâu chú rể và các phù dâu, phù rể mang phong cách hippy. Hy vọng tôi sẽ thực hiện được kế hoạch của mình.
- Từ kinh nghiệm tự chuẩn bị cho hôn lễ của mình, chị có chia sẻ gì với các cô dâu?
- Trong bất cứ việc gì cũng đều cần có kế hoạch. Nếu bắt đầu từ sớm thì sự chuẩn bị sẽ chu đáo hơn. Đám cưới là việc trọng đại, tùy theo từng điều kiện hoàn cảnh nhưng với những người không có quá nhiều điều kiện, hãy biết tận dụng những thứ xung quanh mình, biết đâu sẽ có những thứ hay ho “cộp mác” của bản thân mình thì sao.
>> Xem thêm hình ảnh trong lễ ăn hỏi độc đáo của cô dâu Trần Huyền
Song Giang thực hiện
Ảnh: NVCC