Click vào địa chỉ này, một thư mời rất nhã nhặn “nhảy” ra: “SL 45i số lượng lớn. Hàng đợt này cực đẹp. Phụ kiện có tai nghe, sạc. Giá bán chỉ có 599K (599.000 đồng). Vậy là rẻ hơn các bác khác rồi nhé. Em cũng xin lỗi các bác cửa hàng khác, em chỉ có 200 con thôi. Các bác độ lượng, không phải em phá giá đâu...”.
Đó là lời rao bán những chiếc điện thoại cũ hiệu Siemens SL 45i và khi người viết bài này đến một cửa hàng điện thoại có trang web bán hàng trên mạng ở đường Giải Phóng, Hà Nội thì chiếc điện thoại SL 45i cuối cùng đang nằm trong tay một anh chàng ra dáng rất hi-end. Vỏ bạc gần như mới tinh, chiếc ăng-ten "ngoạy" ra sau rất cá tính, màn hình vẫn sáng rực màu cam truyền thống nhưng logo khi khởi động máy không phải là lời chào của Siemens mà là những dòng chữ Trung Quốc lạ hoắc. Riêng viên pin cũng khác so với pin xịn của SL 45i, dày bự và dán tem giấy Trung Quốc rất rõ ràng.
Người bán hàng nói thẳng, đây là máy do Trung Quốc thu gom, nâng cấp hệ thống để có thể đọc được thẻ MMC dung lượng đến 2GB và thay luôn pin cũ nay không còn sản xuất bằng pin mới sản xuất tại Trung Quốc. Điều gì đã làm cho người ta phải lùng mua những chiếc máy điện thoại cổ xưa như vậy ngoài giá bán phải chăng, chỉ có 700k (700.000 đồng) đã đến tay người tiêu dùng?
Bởi vì Siemens SL 45i từng “một thời khuấy động hàng triệu con tim”, nó chính là chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới có chức năng phát nhạc MP3 dù chỉ có hỗ trợ một thẻ nhớ dung lượng nhỏ với hơn nửa giờ nghe nhạc. Nhưng như lời một thành viên có nick “nothingtolose” trên diễn đàn “Điện thoại di động VN” thì: “SL 45 nghe nhạc đỉnh cao đấy, mình đã nghe thử với các dòng khác P800, P900 (sản phẩm của Sony-Ericsson - TNTS) O2, Smatphone... đều gọi thằng này bằng anh trai luôn. SL 45i muôn năm!”.
Ngược dòng thời gian, nếu ai từng quan tâm đến thị trường điện thoại đều biết rằng cách đây khoảng 7 năm, khi chiếc Siemens SL 45i mới ra đời, giá bán của nó là khoảng 1.000 USD. Nặng 88 gam, hỗ trợ đến 330 phút gọi và 330 giờ chờ, có chức năng ghi âm, Siemens SL 45i nay vẫn được săn lùng như một thứ đồ cổ là có lý do của nó.
Tuy nhiên, chiếc điện thoại cổ nhưng “hot” nhất trong giai đoạn hiện tại lại thuộc về Nokia với model 6310, dù loại này không được nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế rao bán tại nước ta. Nokia chỉ bán tại VN chiếc máy tiền bối của 6310 là 6210 trong những ngày tháng giao thời của hai thế kỷ. Nhưng chiếc máy dài như quả chuối này đã không thành công bởi khi đó người ta chỉ thích điện thoại loại nhỏ.
Tuy nhiên, khi những chiếc ô tô Mercedes E240 vào VN thì trong catalog của nó có in hình chiếc Nokia 6310 được gắn sẵn vào hốc sạc của chiếc xe hơi đỉnh cao này. Những tay chơi VN bấy giờ mới âm thầm đi sắm cho mình những chiếc điện thoại Nokia 6310 hoặc 6310i để dùng kèm với những chiếc O2 chấm chấm chọc chọc! Nokia 6310 và 6310i giống hệt nhau, có cùng tính năng căn bản, chỉ khác màu đèn màn hình, số cuộc gọi nhỡ, cuộc gọi đã nhận (10/20) và tốc độ chạy dữ liệu... Cũng nhờ những nguồn hàng thu gom, những chiếc Nokia 6310i lại nhanh chóng có mặt ở xứ Việt, nhưng với giá không hề rẻ.
Thời điểm này ai muốn chơi một chiếc 6310i mới, đẹp vẫn phải chi ra trên 2 triệu đồng. Thiết kế đơn giản, bàn phím rộng, Nokia 6310i là chiếc máy siêu hạng nếu chỉ nghe, gọi và nhắn tin. Pin của Nokia 6310i cũng rất ấn tượng với khoảng 5 đến 7 ngày sử dụng. Còn theo thông báo của nhà sản xuất là 17 ngày chờ! Ra đời từ năm 2002, nhưng Nokia 6310 và 6310i đã hỗ trợ bluetooth, và nói chuyện thì âm thanh sống động như nghe một người đang nói trước mặt. Hầu như đều đóng nhãn made in Germany (Đức), những chiếc điện thoại cũ này hầu như còn hoàn hảo về tính năng.
Tuy nhiên, hai serie điện thoại nói trên mới thuộc hàng “trung cổ”. Dân chơi điện thoại cổ bây giờ còn chú tâm đi tìm những chiếc Siemens S4 được độc quyền phân phối bởi Vinaphone khi mạng này mới cung cấp dịch vụ di động giữa thập niên 1990 hay chiếc Motorola Star Tac X hoặc chiếc Motorola đời cục gạch. Thực tế thì tính năng của những chiếc điện thoại “thượng cổ” này rất đáng thất vọng dù chúng thể hiện cá tính mạnh mẽ của chủ nhân.
Tuy nhiên, những người muốn có một chiếc điện thoại phong cách cũng có thể tậu cho mình một chiếc điện thoại cục gạch đời mới của Trung Quốc, có antena dài ngoằng, có máy ảnh, lắp được hai SIM card, có pin dung lượng tới 3.500 mAh dùng được cả nửa tháng. Chiếc máy như thế chúng tôi đã thấy một phóng viên của báo điện tử VnExpess sử dụng. Anh Quảng Hà nói là đã mua chiếc điện thoại ấy ở Quảng Châu, Trung Quốc với số nhân dân tệ chỉ tương đương 1,5 triệu đồng, kèm theo một chiếc túi để đeo riêng chiếc điện thoại bên người. Hình như lúc nào anh chàng này cũng phải nối tai nghe để chờ cuộc gọi vì chiếc máy lớn quá nên nhà sản xuất không thiết kế cơ chế rung.
(Theo Thanh Niên Tuần San)