![]() |
Ngân Thương. |
Sau lễ trao giải, trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh bế bổng cô bé vàng từ bục huy chương xuống mừng rỡ nói: “Giỏi quá, không thể ngờ là cháu lại xuất sắc đến thế khi không được thi đấu ở nội dung sở trường”.
Cười ngượng nghịu, Ngân Thương tâm sự: “Hôm qua, đã có một HC vàng toàn năng nhưng em và các thày vẫn lo lắm vì mình phải thi đấu cầu thăng bằng thay vì xà lệch - nội dung em đã vô địch tại SEA Games 22 - ở bài thi cá nhân. Tiếc quá, ở phần thi đồng đội, em thực hiện động tác hơi vội nên điểm nội dung xà lệch lại thấp bất ngờ trong khi chân tay thì đau muốn phát khóc. Thế nhưng thày Trương Kiến Minh (chuyên gia Trung Quốc) khuyên cứ ngủ ngon đi, tinh thần có thoải mái thì mới tập trung tốt vào từng động tác. Trong buổi sáng nay, em đã vào trận với tất cả quyết tâm và mọi việc đã diễn ra tốt đẹp. Chính em cũng bất ngờ vì mình lại có số điểm tới 82,17 và vượt trội đối thủ rất mạnh của Singapore (chỉ cần trên 80 điểm là đã chắc HC vàng)”.
Luật thi đấu thể dục dụng cụ chỉ cho phép VĐV chọn nội dung có điểm cao nhất trong phần thi đồng đội để thi cá nhân. Do Ngân Thương bất ngờ sa sút khi thực hiện bài xà lệch sở trường nên em phải chuyển sang nội dung cầu thăng bằng. |
Thoáng nhìn thấy bóng thày từ xa, Thương khoe ngay với các phóng viên: “Em sẽ mang chú đại bàng này tới tặng thày Trương”. Vị chuyên gia Trung Quốc từng gắn bó với Thương từ khi cô bé mới chập chững những bước nhảy đầu tiên. Quay sang VĐV Singapore, người vừa đoạt HC bạc, cô bé Hà Nội lập tức "buôn chuyện" tưng bừng bằng tiếng Trung. HLV Đỗ Thùy Giang mỉm cười giải thích: “Tập ở Trung Quốc 9 năm rồi nên tiếng Trung của Ngân Thương siêu lắm. Cô bé còn kiêm luôn vai phiên dịch cho các thày khi cần nữa”. Nhiều lần gặp nhau tại các giải đấu trong khu vực nên cô bé Ngân Thương cũng có vô số bạn bè từ Singapore, Malaysia. “Đã vào thi đấu thì chúng em ai cũng rất 'máu' nhưng sau đó bọn em vẫn làm bạn với nhau”, Thương giải thích.
Để có được phút giây vinh quang ngắn ngủi, các VĐV thể dục dụng cụ cũng phải hy sinh rất nhiều. Tập huấn triền miên tại Nam Ninh (Trung Quốc), nên hai năm nay Thương chưa được ăn Tết ở nhà. Trước khi sang Philippines, cô bé chỉ tạt qua nhà tại phố Đội Cấn, Hà Nội được vài ngày. “Em nhớ nhất là món thịt kho tàu với rau muống xào của mẹ”, Thương tâm sự. Thế nhưng, cô bé vàng lại khiến mọi người tròn mắt ngạc nhiên khi cho biết chưa hề gọi điện báo tin mừng cho gia đình bởi “muốn cả nhà bất ngờ”.
Khác với nhiều VĐV khác, Ngân Thương đến với thể dục dụng cụ trong khi cả gia đình không có ai theo nghiệp thể thao. Khi mới 6 tuổi, vì thấy con gái hay ốm nên mẹ Thương đã đưa cô bé vào TT thể thao Quần Ngựa để tập thêm thể dục cho cứng cáp. Trong một lần đến trường để tuyển chọn VĐV, Ngân Thương đã lọt vào “mắt xanh” của chuyên gia Trương Kiến Minh nhờ thần thái tinh anh cùng độ dẻo dai trời phú. Ngân Thương cho biết, những ngày đầu, em còn chẳng biết thể dục dụng cụ là gì và hăng hái đi tập chỉ vì mới đầu thày toàn bày ra các trò chơi để “dỗ” các học trò.
Thế nhưng ngay sau đó là những chuỗi ngày xa nhà, luyện tập gian khổ với không biết bao nhiêu lần chấn thương, những cái Tết xa nhà. Xòe bàn tay đầy chai cứng, chính nhà vô địch cũng thừa nhận, quãng thời gian tập luyện đằng đẵng thực sự là thử thách đối với cả gia đình và cá nhân em: “Những khi thất bại liên tục vì một động tác khó, rồi vô số lần chấn thương khiến đôi lúc em đã chán nản và nghĩ đến chuyện bỏ tất cả để trở về gia đình, trở lại như một cô bé học sinh bình thường. Thế nhưng nghĩ đến rất nhiều thày cô đã lo lắng, chăm sóc cho mình cũng như tình yêu với môn thể dục dụng cụ đã ‘ăn vào máu’ khiến em lại cắn răng quay lại phòng tập”.
Công phu là thế nhưng tuổi nghề của một vận động viên thể dục dụng cụ lại vô cùng ngắn ngủi. Khi được hỏi liệu có trở thành một HLV sau khi từ giã thảm đấu hay không, Ngân Thương tâm sự: “Bọn em phải tập từ khi 5 tuổi nhưng đến khi 17 tuổi là đã sắp ‘về hưu’ rồi. Càng lớn, trọng lượng càng tăng nên VĐV phải nỗ lực gấp bội nếu muốn kéo dài sự nghiệp. Hầu hết các chị trong đội tuyển đều nghỉ tập trước tuổi 18. Nếu được lựa chọn lại, em vẫn theo thể dục dụng cụ nhưng sau này thì em muốn làm một nghề khác. Em rất thích vẽ nhưng lại cũng muốn thi vào đại học Kinh tế giống như chị mình”.
HLV Đỗ Thùy Giang, người phụ trách đội tuyển thể dục dụng cụ VN tập huấn tại Trung Quốc, cho biết: “Đào tạo nên một VĐV như Ngân Thương đòi hỏi rất nhiều công phu và tốn kém. Chúng ta phải mời chuyên gia Trung Quốc sang các trường TDTT để tìm kiếm tài năng sau đó đưa đi tập huấn dài hạn. Thông thường, ngoài những lúc tham gia giải, các em chỉ được về thăm nhà vài tuần còn chuyện ăn tết xa quê là bình thường. Ngoài chi phí thuê chuyên gia và học phí, mỗi ngày các VĐV được cấp khoảng 20 USD để ăn uống và tiêu vặt. Chúng ta còn đưa giáo viên từ Việt Nam sang dạy riêng để các em theo kịp chương trình phổ thông. Khó khăn là thế nhưng không phải bất cứ VĐV nào đi tập huấn cũng có thể theo nghề lâu dài. Ngoài năng khiếu trời cho, ý chí và quyết tâm khổ luyện chiếm đến 90% thành công của một VĐV. Hiện tại, trong khu vực Đông Nam Á, Singapore đang rất mạnh với dàn VĐV gốc Hoa được đầu tư công phu với khoảng 40 chuyên gia từ đại lục sang làm việc".
Dù đã đoạt tới 2 trong số HC vàng của đội tuyển nhưng cô bé Ngân Thương vẫn có vẻ chưa hài lòng khi để “xổng” nội dung xà lệch. Đầy quả quyết, cô bé tuyên bố: “Em vẫn chưa hài lòng với chính mình. Nếu hoàn thiện các động tác khó hơn một chút nữa thì nhất định em còn đạt thành tích cao hơn. Còn lúc này, em chỉ muốn được ăn kem thoải mái với các bạn và đi mua quà tặng cho cả nhà”.
Đỗ Thị Ngân Thương, sinh ngày 10/3/1989 tại Hà Nội. Thành tích: HCV nội đồng đội và cá nhân môn xà lệch tại SEA Games 22. HC vàng toàn năng, HC vàng cầu thăng bằng và HC bạc đồng đội tại SEA Games 23. |
Khánh Sơn (từ Manila)