Sau tập 5 của Giọng hát Việt nhí 2014, trong số 9 gương mặt vào vòng trong, cô bé mặc áo dài trắng, đội mũ ni cô Lê Thanh Huyền Trân được nhiều người chú ý. Hát Còn tuổi nào cho em bằng chất giọng truyền cảm, cách biểu diễn đầy tâm trạng, thí sinh này khiến khán giả phải nín lặng lắng nghe (xem video). Nhiều người rưng rưng xúc động khi nghe Huyền Trân tâm sự về hoàn cảnh bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, được một cụ ông tốt bụng ở Bình Chánh, TP HCM cưu mang, sống cùng nhiều trẻ mồ côi khác.
Huyền Trân cho biết, cô bé thích nhạc Trịnh vì cảm thấy "nhạc Trịnh có nhiều cái hay, diễn tả vẻ đẹp tâm hồn". Thế nên khi được cụ ông ân nhân khuyên và cho phép đăng ký thi Giọng hát Việt nhí, cô bé đã nhảy cẫng lên vì vui sướng. Chia sẻ cảm xúc sau khi vòng Giấu mặt phát sóng, nhiều khán giả dành lời khen ngợi, động viên, Huyền Trân nói, em rất vui và không ngờ được ủng hộ như vậy.
Nói về lý do chọn thể hiện ca khúc Còn tuổi nào cho em, cô bé 12 tuổi bày tỏ: "Em muốn truyền tải cảm xúc thật của mình tới mọi người. Mỗi lần hát đến câu Tay măng trôi trên vùng tóc dài... em lại nghĩ tới hoàn cảnh của mình. Người ta là con gái nhà giàu có, quyền quý thì có bàn tay búp măng, mái tóc dài thướt tha còn em mồ côi từ nhỏ, không cha không mẹ, cuộc đời cơ cực nên bàn tay thô ráp, mái tóc cũng không còn...".
Nơi Huyền Trân đang sống có khoảng hơn 20 người, gồm cả người lớn và trẻ sơ sinh bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng mẹ. Huyền Trân là một trong số những em bé như thế. Ở đây, mọi người có thói quen ngày nào cũng mở nhạc Trịnh và ai cũng biết hát nhạc Trịnh. Được "tắm" trong môi trường âm nhạc ấy, Huyền Trân đã đam mê ca hát lúc nào không hay. Cô bé nhớ, hồi mới 3-4 tuổi đã ê a tập hát nhạc Trịnh. Lớn lên một chút, Huyền Trân thần tượng danh ca Khánh Ly và mơ một lần được gặp bà.
Trong ngày, cứ lúc nào rảnh, cô bé lại học hát với các anh chị cùng nhà hoặc tự hát một mình. Ngoài nhạc Trịnh, cô bé còn hát được các ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên nhưng "em thích và hát hay nhất vẫn là nhạc Trịnh". Bên cạnh việc tập hát và phụ giúp một số việc vặt, nhiệm vụ chính của Huyền Trân là đêm nào cũng đi canh hồ cá. Hồ cá là nguồn thu nhập chính, giúp mọi người ở đây sinh sống hàng ngày trong điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn. "Thường thì em canh hồ cá cả đêm nhưng hôm nào sức khỏe không tốt, em chỉ canh chừng 3 tiếng, từ 11h đêm hôm trước đến 2h sáng hôm sau là nghỉ, để người khác làm thay", cô bé kể.
Trước đây, Huyền Trân từng bị bệnh động kinh nhưng đã chữa khỏi. Hiện tại, cô bé vẫn còn bị bệnh suyễn khá nặng. Khi thời tiết trở lạnh, căn bệnh lại tái phát, hành hạ Trân. Học hết lớp 5, do sức khỏe yếu, bị ốm liên miên nên cô bé phải nghỉ học dù khá sáng dạ. Cô Cúc - người phụ nữ trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc em cho biết, Trân học khá, giỏi, năm nào cũng có giấy khen.
Cô bé 12 tuổi chăm chỉ tu tập, học đạo, ngồi thiền và ăn chay trường từ nhỏ. Nói về ước mơ của mình, Huyền Trân hồn nhiên bày tỏ: "Em mong được khán giả thương mến và may mắn lọt vào chung kết Giọng hát Việt nhí để sau này có cơ hội đi hát kiếm tiền phụ sửa lại mái nhà, nơi em đang sống khang trang hơn".
Hỏi Huyền Trân không sợ theo một dòng nhạc sẽ gây nhàm chán cho khán giả, cô bé tỏ ra tự tin: "Nếu khán giả thấy em hát dở thì thôi không nói còn tiếng hát của em vẫn đi vào lòng người thì dù hát một dòng nhạc, em tin vẫn được nhiều người yêu thích".
Đã xuống tóc và chỉ quen mặc quần áo tu từ nhỏ nên Huyền Trân khá ngại ngùng khi diện các loại quần áo khác ra đường. Lên sân khấu, cô bé cũng chỉ có một hình ảnh quen thuộc là đội mũ len, mặc áo dài biểu diễn. Tuy vậy, Huyền Trân tự tin sẽ chinh phục được các giám khảo và khán giả bằng chính khả năng ca hát của mình. "Cùng đội của huấn luyện viên Lưu Hương Giang - Hồ Hoài Anh có nhiều bạn hát hay, nhảy giỏi như Hoàng Anh, Đức Anh... Em không biết nhảy múa, vũ đạo nhưng nếu so về giọng hát thì chắc em cũng không thua kém các bạn ấy đâu", cô bé nói.
Hương Giang