Vài ngày trước, đoạn video về cô bé Ấn Độ, Haya, vừa khóc vừa học bài trong sự ép buộc của một người phụ nữ - được cho là mẹ em bé, đã trở thành đề tài được tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Nhiều nhân vật nổi tiếng Ấn Độ như Virat Kohli, Shikhar Dhawan, Yuvraj Singh... đã gọi hành động trên của người mẹ là một sự "xâm hại" và "gây tổn thương" cho chính con mình.
Đoạn video bắt đầu với hình ảnh cô bé giàn giụa nước mắt đang cố gắng đọc to các chữ số từ 1 đến 5 bằng tiếng Anh. Cô bé vừa đọc vừa đưa ánh mắt như dò xét thái độ của mẹ và run lẩy bẩy sau mỗi tiếng mẹ quát. Có lúc, khi biết sắp bị mẹ đánh, cô bé còn vừa khóc vừa van nài mẹ: "Pyarr se padhenge (Tạm dịch 'Chúng ta sẽ học với tình yêu thương, con xin mẹ')". Tuy nhiên, đến cuối đoạn video, cô bé đã trả lời sai một câu hỏi và bị tát mạnh vào mặt.
Cô bé Haya là cháu gái của bộ đôi nhạc sĩ nổi tiếng Bollywood, Sharib và Toshi. Trả lời truyền thông về đoạn video, Sharib Sabri cho biết em gái anh, mẹ của bé Haya, quay lại những hình ảnh đó để anh và bố bé biết cô bé bướng bỉnh như thế nào. Anh cũng đồng thời khẳng định gia đình anh hiểu cô bé hơn ai hết và nói mọi người đừng cố gắng "dạy" em gái anh cách làm mẹ là thế nào.
"Chúng tôi hiểu đứa trẻ của mình nhất. Đó là bản chất tự nhiên của con bé... chỉ mấy giây là con bé bắt đầu chơi. Nếu để nó một mình, nó sẽ nói như thể đang chơi đùa. Còn nếu để mặc con bé với tính cách vốn có đó, nó sẽ chẳng học được bất cứ thứ gì", Sharib giải thích.
Nhạc sĩ nổi tiếng cũng nói thêm rằng mặc dù cô bé Haya bướng bỉnh nhưng đó là con cháu của họ và họ không bao giờ làm gì để cô bé tổn thương. "Nếu người khác cảm thấy khó chịu, hãy nghĩ cho người mẹ. Bạn không thể phán xét tình yêu của một người mẹ. Sau tất cả, cô ấy đã mang đứa trẻ trong bụng mình hơn 9 tháng", Sharib chia sẻ.
Trong khi những ý kiến trái chiều xung quanh đoạn video về cách phạt con của mẹ bé Haya vẫn tiếp tục được đưa ra, trang Theindusparent đã dẫn lời của tiến sĩ Navya Singh, nhà tâm lý học lâm sàng và đồng sáng lập của wayForward - chương trình hướng tới giúp mọi người quản lý căng thẳng và lo lắng cá nhân, phát triển lối sống, về câu chuyện gây tranh cãi trên. Bà cho biết: "Đánh đòn không phải là một giải pháp cho bất cứ vấn đề nào mà cha mẹ hay thầy cô có thể áp dụng với trẻ. Người ta thường dùng các hình phạt lên thân thể để thay đổi hay cải thiện một hành vi. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý hành vi của trẻ qua nhiều năm đều chỉ ra rằng việc trừng phạt không có tác dụng thay đổi những hành vi không mong muốn".
Tiến sĩ Sigh nói thêm rằng điều thực sự hiệu quả là giải thích cho trẻ biết về hậu quả tiêu cực của hành vi thay vì sử dụng vũ lực hoặc la hét với trẻ. Thực tế, việc đánh đòn có thể làm giảm sự tự tin của trẻ và khiến chúng trở nên hiếu chiến trong tương lai.
Dưới đây là 3 cách tích cực để kỷ luật trẻ mà không dùng đến đòn roi:
- Giao tiếp: Nói chuyện với con về những hậu quả của hành động con làm và cố gắng giúp con nói ra điều chúng quan tâm. Phần lớn thời gian mà trẻ hành động không như người lớn mong muốn thường là vì chúng đang muốn nói lên điều gì đó nhưng chưa biết cách thể hiện phù hợp. Vì vậy, với trách nhiệm của người làm cha mẹ, bạn cần hiểu được điều gì đang khiến con mình khó chịu.
- Khen thưởng và không trừng phạt: Thay vì trừng phạt với những gì chúng đã làm sai, hãy thưởng cho con trong bởi tất cả điều chúng làm đúng.
- Giữ bản thân bình tĩnh: Điều quan trọng cần nhớ là phải bình tĩnh và có tinh thần tốt khi giải quyết vấn đề cùng trẻ. Bạn chính là hình mẫu của con mình và chắc hẳn bạn cũng không muốn bé trở thành một người ưa bạo lực.