Ngọc Ánh - cô bé 14 tuổi tại TP HCM nói mơ ước của em là những bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên. Cô bé giải thích: "Ngày trước nhà con ở Bình Dương có những bữa cơm gia đình rất vui, sau này ba mẹ bận rộn công việc, không có thời gian chăm sóc con". Hai năm trước, gia đình Ngọc Anh chuyển từ Bình Dương lên TP HCM để mở quán ăn. Từ đó, bữa cơm gia đình cũng qua loa dần, mạnh ai nấy ăn: "Quán nhà con có ngày 11 giờ đêm mới đóng cửa, ba mẹ liên tục bán quán, phục vụ khách, cơm trưa của nhà con sẽ dời sang buổi chiều. Bữa ăn không còn đủ chất dinh dưỡng như trước".
Ngọc Ánh thích cơm nhà vì muốn cảm nhận không khí sum họp, quây quần gia đình nhưng ba mẹ em lúc nào cũng làm việc. Khi đó, cô bé vùi đầu vào bài tập, cả nhà không ai nói ai lời nào. "Con biết ba mẹ có nhiều nỗi lo, mỗi ngày phải kiếm tiền để nuôi cả gia đình, nên con cố gắng học hành. Ba muốn con trở nên nổi tiếng và được đứng trên sân khấu lớn để hát, chuyển lên TP HCM vì muốn tốt cho con. Tuy nhiên, khi chuyển lên thành phố tính cách của ba mẹ thay đổi so với trước đây", em kể.
Ngọc Ánh thổ lộ rằng ba em có thói quen xưng hô "mày-tao" với cô bé. Ba sẽ dọa dẫm "tịch thu hoặc đập điện thoại" mỗi khi em lười làm việc nhà. Ngoài ra, ba còn chê em xấu, mũi tẹt, mặt đầy mụn. Những lời chê của ba khiến em tự ti, "nỗi đau như chạm đáy".
Lắng nghe tâm sự của con, anh Minh Diệm - ba Ngọc Ánh tiết lộ con gái anh đang ở độ tuổi nhạy cảm. Anh gặp khó khăn để hiểu lẫn đáp ứng được tất cả mong muốn của con. Ngọc Ánh ít bộc lộ cảm xúc. Để hiểu con, anh tìm một số sách tâm lý để đọc nhưng vẫn thấy rất khó khăn: "Áp lực kiếm tiền khiến tôi không kiểm soát được tất cả mọi mặt, con cái mỗi ngày mỗi lớn. Trong nhà, cơm lúc nào cũng có sẵn nhưng lại không có thời gian ăn chung cùng nhau. Tôi nói con lớn rồi nên tự túc trong ăn uống, ba mẹ phục vụ khách hàng, không thể chăm lo hết được. Tôi thấy mình thiếu sót vì không đặt bản thân vào vị trí của con, hơi quá trong cách xử sự. Lúc nóng giận, tôi giận mất khôn, sau đó nghĩ lại thì thấy hối hận". Anh Diệm cũng cho biết tính cách của anh là do ảnh hưởng bởi gia đình "tam đại đồng đường", các thế hệ đi trước của nhà anh giáo dục con cháu rất nghiêm khắc.
Lần hiếm hoi được nghe con gái chia sẻ những điều giấu kín này, anh Minh Diệm hứa sẽ thay đổi ngay từ hôm nay.
Đôi lời từ tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A:
Ngọc Ánh khi bày tỏ sẽ là cơ hội quý giá để ba mẹ nhìn lại tầm quan trọng của sự gắn kết qua bữa cơm gia đình. Cơm nhà không đơn thuần là chuyện ăn cơm cùng nhau mà cô bé "thèm" một không gian, thời gian các thành viên dành cho nhau. Áp lực cuộc sống làm người lớn vô tình quên rằng chúng ta kiếm tiền, làm tất cả vì sự trưởng thành và mang đến cho con cái cuộc sống vật chất, tinh thần tốt nhất. "Việc kinh doanh khiến gia đình không thể tụ họp ăn cơm 3 bữa một ngày nhưng tối thiểu cần có bữa cơm chung hoặc vào dịp cuối tuần. Cả nhà hãy cố gắng sắp xếp một khoảng thời gian nhất định và tôn trọng không gian sinh hoạt chung đó, để các con gắn kết tích cực với gia đình". Việc xưng hô "mày-tao" của người trưởng thành ảnh hưởng bởi gia đình lẫn văn hóa vùng miền, cha mẹ nghĩ rằng điều này không xấu nhưng danh xưng phải được cả hai đồng thuận, trẻ sẽ không tổn thương. Xưng hô "mày-tao" nên thay bằng những danh xưng đẹp đẽ giúp trẻ thêm tự hào về bản thân, gia đình. Với những hành vi, ứng xử chưa phù hợp, Tô Nhi A góp ý người ba "giận đừng nói chuyện, mỗi người hãy bớt một tiếng". Con cái biết ba mẹ vất vả kiếm tiền và khi tương tác với con, quản lý cảm xúc là quan trọng nhất. Ngoài ra, trẻ con vẫn chưa hoàn thiện ngoại hình, phụ huynh khi bình phẩm, chê bai càng khiến trẻ tự ti, tổn thương hơn. "Ba mẹ cần quan sát, chỉ ra những ưu điểm đáng để con tự hào. Những điều chưa ổn, phụ huynh phải đồng cảm, đồng hành cùng con khắc phục", Tô Nhi A nói. |