Thời gian của cha mẹ chỉ dành cho công việc, áp lực và gánh nặng tài chính khiến cho sợi dây tình thân với con cái ngày càng xa. Ngày càng nhiều con trẻ cô đơn, thậm chí dẫn đến trầm cảm ngay trong chính ngôi nhà của mình. Thiên Khánh - cô bé 13 tuổi đã chia sẻ câu chuyện của mình nhưng lại là những điều mà mọi bậc làm cha, mẹ đều nên lắng nghe.
Thiên Khánh thổ lộ: "Con đi học gần như hết tuần cộng với công việc của ba mẹ nên con hiếm khi được gặp ba mẹ. Mỗi bữa cơm sẽ có ba hoặc mẹ nhưng sẽ không đầy đủ hai người. Ba mẹ dậy lúc 4h sáng để làm bánh mì và thường kết thúc mọi việc vào lúc 18h chiều. Những lúc mẹ bận, hai anh em sẽ ăn cơm hộp. Gia đình con chưa bao giờ đi du lịch đủ các thành viên, những dịp đặc biệt, kỷ niệm gia đình diễn cũng ra chóng vánh".
Cô bé cảm thấy buồn và đơn độc trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Em bảo, ba mẹ ép em học và không quan tâm cảm xúc của em. Em muốn dùng một cách khác để thổ lộ nhưng lại không đủ dũng cảm bởi ba hay nóng giận, lớn tiếng với mẹ. Ba mẹ thường xuyên lục đục trước mặt các con.
Ngồi phía sau "căn phòng bí mật", lắng nghe những điều con gái tâm sự, chị Ngọc Mai bật khóc vì thấy con ngày càng lớn, chị an tâm con hiểu được sự bận rộn của cha mẹ. Anh chị cố gắng làm lụm lo cho hai con nhưng áp lực từ việc buôn bán, khách hàng đôi lúc khiến chị vô tình trút bực dọc lên con: "Tôi cũng biết mình sai nhưng lại không dũng cảm để nói lời xin lỗi con". Chị kể Thiên Khánh vốn có vấn đề tâm lý từ năm 3 tuổi. Khi ấy, chị phát hiện con ngồi co ro trong phòng tối và khóc. Chị dỗ dành nhưng con không nói. Từ đó, chị theo dõi, lo lắng con gái có triệu chứng tự kỷ nên đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý. Chị được bác sĩ tư vấn đưa Thiên Khánh đến tham gia các lớp ngoại khóa hay sinh hoạt các bộ môn năng khiếu như hát, nhảy để có thêm những năng lượng tích cực. Dần dần, Thiên Khánh thay đổi, cởi mở hơn nhưng cô bé vẫn khá nhút nhát.
"Ngày hôm nay, nghe con tâm sự, mẹ xin lỗi vì không hiểu được cảm xúc của con. Gia đình mình ít có cơ hội ngồi cùng nhau, bữa cơm gia đình cũng hiếm hoi. Mẹ và ba hứa là sẽ cố gắng sắp xếp thời gian gần gũi và nghe con tâm sự nhiều hơn", chị Mai bật khóc.
Lắng nghe tâm sự của hai mẹ con Thiên Khánh, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A nhận định không chỉ riêng ba mẹ Thiên Khánh, nhiều bậc phụ huynh cũng lầm tưởng con cái khi lớn hơn sẽ hiểu cho cha mẹ nhưng thực sự con chỉ cam chịu. "Cô bé không hạnh phúc nhưng lại không thể đòi hỏi, nhõng nhẽo. Việc con hiểu và mong cầu của con khác nhau, dẫn đến sự căng thẳng, trầm cảm. Cô bé biết ba mẹ phải kiếm tiền, nhưng con khao khát những bữa cơm đầy đủ thành viên, khoảng thời gian sum vầy vui vẻ. Chúng ta cho con vật chất nhưng lại bỏ qua những nhu cầu tình cảm đơn thuần nhất ở trẻ. Bậc làm cha mẹ cần bình tĩnh để ngồi lại, đặt câu hỏi có dám chấp nhận doanh thu tháng này ít hơn nhưng bù đắp cho con những bữa ăn gia đình, chuyến du lịch cùng nhau mở lòng, bày tỏ tình yêu với con. Nếu ba mẹ quyết tâm vẫn còn kịp để thay đổi, giúp con trẻ vượt qua cơn trầm cảm và ngăn nó quay lại trong tương lai" - tiến sĩ tâm lý đưa ra lời khuyên.