Vũ Thị Thanh Bình
(Truyện ngắn của tôi)
Tình yêu Sa Pa của Khuê cũng chẳng giúp gì cho cô trong việc đối chọi với thứ thời tiết dễ gây ra bệnh chán đời này. Khuê hết ngồi bó gối trên giường lại đi lòng vòng hé mở cửa sổ ngóng ra phía thung lũng ngập màu mưa. Thời gian chết khiến cô chẳng có việc gì khác hơn là tự mình thả rơi sâu mãi vào những ý nghĩ không đầu không cuối.
Cô tự tưởng tượng ra những cơn đau giả lẫn vào những cái nhói đau nhắc nhở bệnh tật thật sự. Cô sắp xếp trong đầu màn kịch khi mình quay về đối mặt với gia đình, người thân. Dường như Khuê đã nghĩ nhiều về nó đến nỗi giờ đây cô có thể vạch ra từng bước hành xử của mỗi người mà chẳng còn thấy đau khổ sợ hãi nữa. Ở góc này trong lòng tạm yên thì góc khác lại mở ra hố sâu thăm thẳm.
Khuê nhớ đến lời Dũng nói sáng nay, cô đã sống một cuộc đời hai tư năm vô vị vì không biết thật sự mình muốn gì. Bây giờ, đứng giữa sự sống và cái chết, hạnh phúc ở xa mong manh, cô đã biết mình muốn gì thật sự hay chưa? Nếu có thể ước được khỏi bệnh hoàn toàn và trở về cuộc sống bình thường, Khuê hẳn sẽ không bao giờ vội buông xuôi những gì làm cô thấy khó khăn mà chưa thử cố gắng thêm vài lần nữa.
Cô có thể có thêm mười năm cuộc đời để hoàn thiện nốt những gì dang dở. Mười năm, không nhiều cũng chẳng ít. Liệu có đủ để bắt đầu và đi cho trọn vẹn một cái gì mới nữa không? Như tình yêu chẳng hạn? Trong mớ suy tư hỗn độn lùng bùng trong đầu Khuê chợt thấy ý nghĩ về tình yêu lóe sáng. Liệu có ai chịu chấp nhận yêu một người con gái không còn toàn vẹn về thể xác chỉ vỏn vẹn trong mười năm cuộc đời? Bây giờ Khuê mới nhận thấy cái hệ quả đau đớn nhất mà căn bệnh phũ phàng có thể đem đến, ấy là lời nguyền về một cuộc sống không tình yêu đôi lứa.
Khuê chưa bao giờ nghĩ là mình là kẻ lụy tình, thiếu chút tình yêu mà có thể nhìn phần còn lại của cuộc đời như hoang mạc. Nhưng sao ý nghĩ tiếc nuối này lại bất chợt đến với cô? Có phải vì người con trai xa lạ gần bên chỉ một thời gian ngắn kia đã khiến lòng Khuê chao đảo. Hay chỉ bởi những lúc cô đơn người ta cần tìm một chỗ dựa tinh thần, và Dũng là người xuất hiện vừa đúng lúc mà cũng không đúng lúc?
Khuê nhớ lại cái quyết tâm không bao giờ để người khác phải thương hại và người thân phải đau khổ vì mình. Nếu như linh cảm mang màu sắc một giấc mơ của cô về tình yêu với Dũng có thành sự thật thì cuối cùng cũng phải kết thúc trong đau đớn. Nếu Dũng có thể thật sự trở thành một người cô thương yêu thì cô sẽ không muốn làm anh đau khổ. Vậy thì những ước ao mới nhen nhóm này chỉ nên coi như giấc mộng ru ngủ trong đêm lạnh Sa Pa mà thôi. Ngày mai cô sẽ tỉnh giấc, quay về, đối diện với sự thật, bình tĩnh thực hiện những gì cần làm cho gia đình và những người thân yêu hiện tại.
Khuê nhắm mắt thật chặt, chôn vùi nụ cười ngượng ngập đáng yêu như một cậu bé khi Dũng đứng vẫy tay chào cô giữa những luống hoa hồng; chôn vùi khuôn mặt của anh cúi xuống nhìn chân mình đang hất văng ra xa một mẩu đá nhỏ khi nói chỉ sau một ngày trời tình cảm của anh với Sa Pa đã chuyển từ ghét sang không rõ thế nào, mà Khuê đã có lúc thầm mong do có sự xuất hiện của cô nên mới vậy; chôn vùi ánh mắt anh quay sang nhìn cô giữa những đóa hoa rực rỡ trên núi Hàm Rồng làm cô thấy hai má nóng bừng và phải cố gắng lắm mới giấu được sự bối rối; chôn vùi hình ảnh tấm lưng rộng của anh ướt ròng nước mưa lẫn trong màu nước trắng xóa phía trước, mà từ đằng sau Khuê đã chỉ muốn đuổi theo thật nhanh để ôm chầm lấy, hẳn sẽ vô cùng ấm áp giữa cơn mưa lạnh; chôn vùi cả những ham muốn đầy bản năng và dục vọng bỗng chốc bùng lên thay vì sợ hãi khi thoáng nghe lời người đàn ông có khuôn mặt đểu cáng kia nói với theo Dũng trên cầu thang, mà sau đấy Khuê đã phải khiếp sợ với chính mình và đóng sập cửa phòng ngay lập tức. Khuê phải quên Dũng đi, ngay từ bây giờ thôi!
Ở đầu kia căn nhà, trong phòng mình, cơn mưa dai dẳng của Sa Pa cũng khiến Dũng bứt rứt khó chịu. Mưa phủ trắng những nóc nhà cao thấp chen chúc lẫn vô số quầy hàng lưu niệm ở trung tâm thị trấn. Sa Pa nhìn từ trên cao, nhất là trong trời mưa như thế này, càng lộ rõ vẻ nhem nhuốc, tạp nham và tạm bợ. Những làn khói lờ lững trong mưa nặng hạt không rõ là khói bếp hay mây mù mữa. Ảm đạm và thê lương. Buồn chán và bí bách.
Không thể tiếp tục tập trung vào công việc vì bị sự khó chịu với Phúc quấy rầy, Dũng lại để tâm trí mình lan man nghĩ đến những chuyện cũ. Sa Pa một ngày mưa. Cái ngày bố mẹ ra đi, mưa có như thế này hay còn to hơn nữa? Tại sao hai người lại cứ nhất quyết phải ra về dù biết là nguy hiểm? Vì bố không muốn mẹ ở gần người đàn ông kia thêm một giây phút nào, hay vì chính mẹ là người van xin được chạy trốn? Không một ai nghĩ rằng nên nhớ đến đứa con trai mười hai tuổi đầu là Dũng cô độc và sợ hãi chờ đợi ở nhà sao?...
Không thể tìm được câu trả lời trong quá khứ, ý nghĩ vô định đưa anh về lại thực tại. Thực tại hai ngày hôm nay, chính xác Dũng đang làm gì ở Sa Pa, anh cũng bắt đầu mất phương hướng. Lên để tìm một lời giải thích có thể xoa dịu nỗi đau của mình nhưng chỉ nhận được câu trả lời không thỏa đáng. Ở lại vì trách nhiệm công việc và mong muốn tự giải phóng cho mình, nhưng giờ đây người ta lại bảo anh điều đó là hoàn toàn không cần thiết. Dũng đã ghét Sa Pa, rồi lại thấy dễ chịu được ở đây bên cạnh một người, nhưng cuối cùng chính thời tiết thất thường của Sa Pa và cả người ấy nữa, lại đưa anh về những cảm giác khó chịu.
Dũng mổ xe và cân đong đo đếm suy nghĩ và cảm xúc của mình. Hẳn là anh có thể nhanh chóng gần gũi với Khuê đến vậy vì mối quan hệ bạn đường ngẫn nhiên xuất hiện giữa hai người xa lạ tới Sa Pa du lịch một mình. Sự chú ý hơn mức bình thường anh dành cho cô xuất phát từ những nét tương đồng gợi nhớ đến người mẹ mà anh vừa nhớ thương vừa oán hận. Bản thân Khuê cũng là một người con gái đặc biệt. Dũng nhớ đến những nụ cười bất chợt làm mình bối rối. Nhưng hôm nay cô ấy không cười nhiều như lúc mới quen.
Từ lúc ở trên núi Hàm Rồng xuống còn có vẻ buồn bã trầm lặng nữa. Dũng nghĩ đến ánh mắt xa xăm của cô nhìn trời mưa khi nói về những đôi tình nhân tan vỡ ở nhà thờ Đá. Anh chợt nhớ ra Khuê đi du lịch Sa Pa chỉ có một mình. Nếu hỏi trực tiếp cô về điều này có lẽ cũng bình thường thôi, nhưng Dũng là người tế nhị, và Khuê hẳn cũng không thích bị tính tò mò của người khác làm phiền. Mà lý do để một cô gái trẻ lên Sa Pa đi chơi một mình, lạc lõng giữa những cặp tình nhân và vợ chồng mới cưới, ngoài việc thất tình ra còn gì nữa đâu nhỉ? Dũng tự bật cười trước suy đoán của mình.
Có vẻ cũng hợp lý lắm. Những hành động bột phát kỳ cục của Khuê, cái vẻ xa vắng của cô khi đi cùng anh, lúc nào tâm trí cũng như bay bổng nơi nào. Ông trời quả là vui tính, để cho một người mang trong lòng nhiều tổn thương và nghi hoặc như anh gặp một kẻ thất tình đau khổ khác, lại trở thành bạn đường. Dù sao đối với anh Khuê cũng không có vẻ gì là đi tìm một chỗ dựa hay kẻ thay thế tạm thời gì cả. Chỉ làm bạn đồng hành một hai ngày ở Sa Pa, rồi chia tay mỗi người một ngả về với cuộc sống riêng của mình, thế thôi. Vậy thì Dũng chẳng việc gì phải lo lắng về khả năng bị làm tổn thương khi ở bên cô gái ấy. Anh cũng nên thể hiện lòng tốt của mình bằng việc giúp cô thấy thoải mái dễ chịu để quên đi chuyện cũ chứ nhỉ? "Có lẽ tối nay nên mời cô ấy đi ăn. Trước tiên xuống nhà báo cho bác không ăn cơm cùng đã..." - Dũng tự nhủ.
- Ông chủ vừa cãi nhau với cậu Phúc, thấy mệt nên đi nằm rồi. Anh cứ đi đi, có gì tôi sẽ nói lại cho ông ấy sau.
Cô người làm đứng trực quầy lễ tân trả lời Dũng khi anh hỏi tìm gặp bác mình. "Lại là Phúc, kẻ gây phiền toái và khó chịu...". Anh chợt giật mình nhớ ra câu châm chọc cuối cùng của Phúc. Khuê đã sập cửa phòng rất mạnh, chắc là cô ấy nghe thấy hết rồi. Những lời bẩn thỉu đó có khác nào lời sỉ nhục? Liệu Khuê có thấy ghê tởm lây với anh? Dũng chạy như bay lên đập cửa phòng cô. Mở cửa cho anh là Khuê với đôi mắt hoe đỏ.
- Chào cô... À... ừ... tôi muốn mời cô đi ăn tối bây giờ. Để cảm ơn cô đã làm hướng dẫn viên du lịch cho tôi hai hôm nay.
Anh nói thật nhanh câu cuối khi thấy Khuê cứ mãi im lặng.
- Cảm ơn anh, anh cứ đi đi, chắc tôi không đi cùng đâu - Khuê trả lời, định kéo cửa lại nhưng Dũng đã vội chặn tay.
- Nếu vì mấy câu nói của anh họ tôi hồi sáng thì cho tôi xin lỗi. Anh ta chỉ đùa thôi, không có ý xúc phạm cô đâu. Không ảnh hưởng gì đến tình bạn của chúng ta chứ? - Dũng khẩn khoản. Anh thấy mình là người có lỗi với Khuê nhiều hơn là Phúc, khi để cô phải nghe thấy những điều không hay ho gì.
Khuê đang sắp xếp danh sách những thứ cần quên ở Dũng thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Cô lau nước mắt ra mở vì nghĩ là người dọn phòng đến thay phích nước sôi mới. Vậy mà trước mặt cô lại là Dũng với một lời mời như vậy. Khi Khuê đã quyết tâm buông tay dứt khỏi thứ gì thì cô luôn làm được. Cô từ chối ngay không suy nghĩ cơ hội có một buổi tối nữa ở bên Dũng, người mà có những phút Khuê đã buông thả trí tưởng tượng của mình cho bản thân phải lòng với anh mà biết là vô vọng.
Nhưng lời xin lỗi của anh ngay sau đó làm cô nghĩ lại. Khuê chẳng quan tâm đến những lời thô lỗ của kẻ mà Dũng gọi là anh họ lúc trưa. Chỉ vì Dũng nhắc đến tình bạn. Ra vậy, với anh ta Khuê cũng chỉ là một hướng dẫn viên du lịch may mắn gặp được giữa đường, một người bạn đường vô tình quen biết, đi cùng nhau có mấy ngày thôi mà. Làm sao cô cứ phải tưởng tượng ra đủ thứ rồi tự làm rối mình lên như thế. Chẳng có cái gì cả!
- Anh đợi tôi thay quần áo đã - Khuê nói trước khi đóng hẳn cửa lại.
Cô rửa mặt cho hết những vệt nước mắt lem nhem. Đôi mắt còn đỏ thì mặc kệ, tí nữa là hết. Khuê cũng không trang điểm nữa. Anh ta đằng nào cũng nhìn thấy cô khóc rồi.
Khuê mặc lại chiếc quần jeans hôm đầu và một chiếc sơ mi ngắn tay màu trắng mỏng. Cần thêm áo khoác nữa, cơn mưa suốt buổi chiều đã làm Sa Pa chìm trong không khí của mùa đông rét mướt. Nhưng nghĩ thế nào rồi Khuê lại bỏ chiếc áo khoác trên giường, cô muốn được cảm nhận cái lạnh của Sa Pa tối nay, may ra có giúp phần nào làm cô sao nhãng khỏi tâm tư u ám và mệt mỏi.
Dũng thở phào khi thấy Khuê đồng ý. Anh thấy nhẹ nhõm và có hơi vui vui nữa. Ngoài những thứ dở dang chán chường thì Sa Pa lần này ít nhất cũng cho anh một cô bạn đường thú vị. Hai người cùng thong thả đi xuống khu trung tâm. Trời đã tạnh hẳn sau mấy giờ liền mưa không ngớt. Khách du lịch và cả người dân sau một buổi chiều dài bị cầm chân trong nhà dường như đổ hết ra ngoài để tận hưởng không khí trong lành, mát lạnh. Sa Pa đêm nay có cái vẻ hoa lệ lạ lẫm và náo nhiệt.
- Cô không mặc thế không thấy lạnh à? – Dũng hỏi Khuê khi hai người dừng lại ngắm một đám thanh niên dân tộc đang thổi khèn và nhảy một điệu vòng tròn tái hiện không khí chợ tình Sa Pa giữa quảng trường. Anh có nghe Sa Pa ngày nay đã chẳng còn chợ tình như xưa nữa rồi, chỉ cần có vị khách du lịch nào chịu bỏ tiền yêu cầu những người dân tộc đã bị thương mại hóa là bất cứ lúc nào cũng có thể tập trung cho mình một góc chợ tình Sa Pa mô phỏng ngay trước mặt.
- Không, tôi thích cái lạnh của Sa Pa thế này. Anh biết không? Giờ này ở dưới Hà Nội có khi đang nóng hầm hập đấy. Lần nào rời Sa Pa về nhà tôi cũng bị "sốc" khí hậu, cứ tiếc nuối trời lạnh ở đây mãi. Nên khi nào còn được ở đây thì hãy cố mà tận hưởng đi.
Dũng để Khuê chọn một nhà hàng nhỏ theo phong cách Mỹ La tinh trên phố Cầu Mây. Bên trong gần kín chỗ du khách nước ngoài đang ăn tối và xì xầm tán gẫu. Hai người ngồi luôn ở quầy bar, không chờ nhân viên xếp thêm bàn. Ngoài mấy bức tượng và tranh vẽ trang trí, trên bức tường cạnh cửa ra vào còn treo một chiếc guitar cũ kỹ, bên dưới có một cái ghế cao để không, chắc là dành cho những thực khách muốn thể hiện tài năng. Dũng để ý thấy Khuê nhiều lần không rời mắt nhìn về phía ấy.
- Cái người ban sáng đấy là anh họ của anh à? Chẳng giống anh gì cả - Khuê phá tan sự im lặng trước khi cả hai bắt đầu bữa ăn.
- Con trai duy nhất của bác tôi đấy.
- Thế thì là người thừa kế khu nhà nghỉ ấy hả?
- Ừ, nhưng anh ta chỉ muốn bán hết để di cư sang Mỹ. Anh ta không thích cuộc sống buồn chán ở Sa Pa.
- Người họ nhà anh có vẻ đều không thích Sa Pa nhỉ...
Dũng thấy nỗi đau cũ trong lòng mình lại hơi cựa quậy.
- Tôi khác anh ta, tôi không thích nơi đây là có lý do riêng của mình...
Anh yên lặng chờ một câu hỏi tiếp theo của Khuê để rồi sẽ cân nhắc xem có nên kể hết câu chuyện của mình hay không. Nhưng cô chỉ tiếp tục chăm chú cắt miếng bít tết trên đĩa của mình, không hề tỏ vẻ tò mò hào hứng với những gì Dũng đang nói. Trước sự hờ hững ấy, Dũng thấy hơi bị chạm tự ái. Tự nhiên anh muốn nói hết với Khuê tất cả, muốn chính cô là người đầu tiên và duy nhất được anh chia sẻ những nghĩ suy trăn trở của mình, không một chút băn khoăn lo lắng rằng rồi cô sẽ có thể dùng những bí mật ấy quay lại làm tổn thương anh.
- Tôi khác anh ta... - Dũng nhắc lại và bật ra hết những ký ức xa xưa đau buồn, những oán hận với người mẹ quá cố, trong khi Khuê không một lần ngẩng lên nhìn anh, cứ cắt mãi những mẩu thịt đã nát vụn trong đĩa.
Hóa ra anh ta cũng là người có nhiều tâm sự như vậy. Khuê thầm nghĩ khi yên lặng nghe chuyện của Dũng. Tự nhiên cô nguyền rủa cái khả năng thiên bẩm khiến người đối diện dễ dàng bày tỏ mọi suy nghĩ với mình. Cứ như thể những rắc rối trong đời luôn có xu hướng quyện lấy với nhau, thành một mớ rắc rối còn to hơn trước. Dũng chọn cô để nói những chuyện này làm gì nhỉ? Khi chính cô cũng có đầy những trăn trở chẳng thể chia sẻ với ai. Hẳn anh mong chờ ở cô một lời nhận xét khách quan từ người bạn đồng hành mới quen tốt bụng, một người mà có lẽ chỉ biết nhau một lần trong đời, không thể làm tổn hại đến anh, như việc anh thể hiện nỗi sợ hãi bị tổn thương lần nữa khi kể cho Khuê nghe những nỗi đau quá khứ.
Bỗng quên hết cái quyết tâm gạt anh ra khỏi cuộc đời mình, cô còn muốn trao cho anh nhiều hơn thế nữa, muốn lại gần hơn, ôm lấy anh thật chặt... Khuê vội vàng chặn đứng những khao khát mới tuôn trào ấy, vừa kịp nhận ra đĩa bít tết của mình đã không còn ra hình thù gì, ngẩng lên và thấy Dũng đang nhìn cô chờ đợi.
- Tôi nghĩ anh đã quá khắt khe với mẹ mình rồi...
Dũng nhăn mặt. Điều anh muốn nghe không phải là một sự chỉ trích chỉ ra lỗi nằm ở chính anh.
- Mẹ anh cũng có nỗi khổ riêng của mình chứ. Phải chia cách với người mình yêu, cả đời nhớ thương, dằn vặt và hối hận. Với lại như lời bác anh kể thì mẹ đâu đã làm gì có lỗi với bố con anh, bà chỉ lên gặp mặt người yêu cũ mà thôi, biết đâu chẳng phải là lần gặp nói lời chia tay cuối cùng? Bố anh cũng đã tha thứ cho mẹ rồi. Còn cái chết của hai người chỉ là tai nạn đáng tiếc. Tuy đã làm anh mất mát đau khổ nhiều, nhưng đó cũng đâu phải là lý do để anh giữ mãi oán hận với mẹ đẻ của mình như vậy?
- Đã mười mấy năm rồi, nếu cứ mãi oán giận thì người phải đau khổ chỉ có mình anh mà thôi. Thấy cảnh này chắc bố mẹ anh dưới suối vàng cũng không yên lòng nổi... - Khuê hạ giọng thật thấp trước sự yên lặng của Dũng.
- Làm sao tôi biết được những gì bác tôi nói có phải sự thật hay không? - anh nói trong tiếng cười gằn, mắt vẫn nhìn xuống hai bàn tay đan chặt vào nhau, không hề quay sang phía Khuê bên cạnh.
- Tôi nghĩ sống trên đời này thì nên nhìn nhận người khác với những khía cạnh tốt đẹp nhất có thể ở họ. Làm gì có ai hoàn hảo đâu? Anh càng cố đào bới những lỗi lầm của người khác với anh thì người bị tổn thương là anh chứ đâu phải họ... Ngoài việc mẹ anh không thể quên được mối tình đầu, mà ai cũng thế thôi, thì tôi thấy bà không có lỗi gì cả. Anh sẽ trở thành người có lỗi nếu cứ tiếp tục không chịu tha thứ cho mẹ của mình đấy.
- Thế ra người có lỗi lại chính là tôi à? Phụ nữ các người toàn bao che cho nhau như vậy sao? Không thể quên được người yêu cũ thì có quyền làm tổn thương những người khác hay sao? - Dũng đột ngột nổi giận to giọng với Khuê làm cô giật mình. Nhưng rồi anh thấy bối rối vì câu nói vừa buột miệng. Anh không định động chạm đến nỗi buồn riêng tư của cô.
- Anh nói thế là ám chỉ điều gì?
- Thì cô lên Sa Pa này một mình không phải vì thất tình hay sao? - Dũng gần như khẽ thì thầm, không dám nhìn Khuê. Anh bỗng thấy xấu hổ trước những phỏng đoán ngô nghê của mình. Làm sao có thể bất lịch sự gán cho một người mới quen ý nghĩ như thế? Ai mà chẳng thể một mình đi nghỉ ngơi du lịch, tránh xa cuộc sống ồn ào tất bật hàng ngày? Và Sa Pa chẳng phải là một sự lựa chọn đúng đắn ư?
Khuê mở to mắt ngạc nhiên nhìn Dũng. Vậy ra anh nghĩ về cô như thế. Một cô gái thất tình tội nghiệp lang thang khắp Sa Pa tìm cách lãng quên người yêu cũ. Những gì cô thể hiện ra ngoài đáng thương, thảm hại đến thế sao? Ý nghĩ bị người khác thương hại khiến Khuê tức giận. Nếu bảo không phải bây giờ chắc anh cũng sẽ chẳng tin.
- Anh thấy tôi có cái vẻ thất tình đáng thương lắm à?
- Không... Chỉ là thấy người như cô đi một mình thì ai cũng sẽ nghĩ như thế đấy.
- Thế thì ngoài anh ra sẽ chẳng còn ai nghĩ vậy nữa đâu. Từ hôm đến đây tới giờ lúc nào chúng ta chả đi cùng nhau? - Khuê hài hước bông đùa.
Dũng không biết đáp trả ra sao. Sau một hồi im lặng anh gọi phục vụ pha một ly rượu để xua bớt không khí nặng nề. Cả hai lại quay về bữa tối dang dở. Trước mặt Khuê đặt ly cocktail màu hồng sóng sánh đã gọi từ trước. Tên là Pink Lady thì phải. Dũng kín đáo quan sát đôi môi ánh hồng của cô, không biết có phải do thứ nước uống kia lên màu hay không. Ánh đèn mờ mờ từ quầy bar tỏa xuống cũng nhuộm màu áo trắng trên đôi vai thon của Khuê hơi ngả sang sắc hồng... Câu nói đùa của cô gợi cho Dũng nhiều tưởng tượng làm anh tự thấy xấu hổ.
Anh uống một hơi đến cạn ly rượu của mình. Rốt cuộc tâm sự của Khuê là gì, điều anh phán đoán đúng hay sai Dũng cũng không biết nữa.
Những thực khách khác trong nhà hàng chợt rộn lên xôn xao, có cả những tiếng vỗ tay tán thưởng khi một anh chàng ngoại quốc cao nghều, có cái vẻ lãng tử bước ra khỏi bàn ăn, đến lấy cây đàn guitar treo trên tường xuống, ngồi lên chiếc ghế cao, chỉnh lại dây đàn và chơi một đoạn nhạc flamenco va vấp lung tung cả. Hai cô bạn cùng bàn với anh ta vừa vỗ tay vừa cười ngặt nghẽo.
Dũng ném cho anh chàng tội nghiệp một cái cười khẩy khinh bỉ. Anh có ác cảm với những thằng đàn ông chơi guitar, nhất là chơi để tán gái. Dù từng học ở một ngôi trường nổi tiếng với những nam sinh hào hoa tay đàn tay bút, Dũng nhất quyết không tham gia bất kỳ lớp học guitar nào mặc cho bè bạn bao lần rủ rê chèo kéo. Có lẽ do ấn tượng từ bức ảnh người yêu cũ của mẹ được nhìn thấy hồi nhỏ đang cầm đàn. Bố Dũng cũng không chơi guitar, không hay làm những trò lãng mạn rẻ tiền như thế. Phải chăng vì thế mà mẹ không thể mở lòng yêu ông?
Mải mê với những suy nghĩ như vậy, Dũng không nhận ra vì sao trong nhà hàng lại rộ lên một tràng vỗ tay mới còn to hơn lần trước. Anh quay sang chỗ Khuê đã không thấy cô đâu. Dũng đảo mắt tìm quanh và nhận ra Khuê đang ngồi trên chiếc ghế cao kia, chỉnh dây đàn. Trông cô như một người khác, một Khuê mà Dũng chưa từng biết đến, dù anh đã quen với việc mỗi một lần gặp gỡ cô lại thể hiện ra những mặt khác nhau khiến người ta bất ngờ.
Khuê đợi cho đám đông yên lặng hẳn rồi mới bắt đầu đàn. Đôi tay còn chưa hết run. Và nói thật là đến giờ Khuê cũng không hiểu mình lấy ở đâu ra can đảm để bước lên hỏi mượn cây đàn từ anh chàng ngoại quốc vừa chơi sai be bét kia nữa. Cây đàn này đã thu hút sự chú ý của cô từ lúc mới bước qua cửa. Khuê chưa bao giờ dám đứng lên biểu diễn trước đám đông, cô luôn lo sợ mình sẽ mắc sai lầm rồi bị chế nhạo. Nhưng cái anh chàng ngoại quốc dù chơi rất tồi, thậm chí dây đàn cũng chỉnh chưa đúng ấy cũng có thể tự tin biểu diễn được. Cứ cho là để lấy le với hai cô bạn gái xinh đẹp ở dưới đi, nhưng vẫn là dám bước lên thể hiện.
Khuê nhớ lại cuộc sống đang bị giới hạn của mình, cô phải tranh thủ từng phút giây để sau này không cảm thấy hối tiếc nữa. Khuê dạo một đoạn đầu của bản Romance quen thuộc để lấy lại cảm giác cho đôi tay. Cũng không tệ chút nào. Những thực khách đua nhau vỗ tay khen ngợi. Và tự tin hơn bao giờ hết, quên tất thảy những chuyện vừa xảy ra đã khiến cô phải nghĩ ngợi quá nhiều, Khuê chọn một bản nhạc mình còn nhớ nhất, Hạ trắng của Trịnh Công Sơn, chậm rãi rải từng nốt nhạc âm vang luyến láy làm những người xung quanh phải lặng người lắng nghe.
Nếu Khuê có lần nào ngẩng lên nhìn về phía Dũng và bắt gặp ánh mắt anh chăm chú nhìn mình, hẳn cô sẽ phải lúng túng mà chơi sai vài chỗ. Nhưng Khuê đã để hết tâm trí vào những phím đàn. Mái tóc dài hơi xõa ra phía trước mỗi khi cô cúi thấp hơn để bấm những nốt nhạc cao. Đôi mắt cô dù không nhìn Dũng nhưng anh vẫn cảm thấy trong đó đang ánh lên những sắc lửa đam mê. Anh biết lời bài hát mà cô đang chơi, một bản nhạc Trịnh. Gọi nắng! Cho tóc em cài loài hoa nắng rơi. Nắng đưa em về miền cao gió bay. Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây. Gọi tên em mãi suốt cơn mê này….
Lúc anh gặp Khuê lần đầu trời Sa Pa có nắng hay không nhỉ? Dũng tự hỏi lòng mình khi không rời mắt khỏi cô. Dũng ghét những thằng đàn ông chơi đàn guitar tán gái. Nhưng anh không biết cái cảm giác với cô gái đang say mê gẩy đàn ở kia trong anh chính xác là những gì.
Khuê giữ hợp âm cuối cùng của bản nhạc để nó ngân thật dài. Trong nhà hàng ngập tiếng vỗ tay vả cả tiếng huýt sáo nữa. Mọi người hào hứng nài nỉ cô gái trẻ chơi thêm vài bản nhạc, nhưng Khuê thấy mình đã kiệt sức, cô từ chối và về chỗ ngồi bên cạnh Dũng. Đợi cho tất cả đã thôi xầm xì về Khuê, và chính cô cũng bớt cái vẻ bị kích động, anh mới cất lời.
- Không ngờ là cô biết chơi guitar đấy.
- Cũng chỉ bình thường thôi. Anh biết không? Đây là lần đầu tiên tôi chơi trước đông người đến thế. Hóa ra cũng không đến nỗi đáng sợ như mình vẫn nghĩ - Khuê nói nhanh với một giọng vẫn còn đầy hứng khởi.
- Chắc anh cũng phải biết chơi chứ? Là kiến trúc sư cơ mà.
- Kiến trúc thì liên quan gì đến chơi đàn? Tôi không thích guitar.
Dũng đã định nói theo suy nghĩ quen thuộc của mình là không thích những người chơi guitar, nhưng nhìn vào mắt Khuê bên cạnh làm anh kìm lại được.
- Tiếc thật đấy...
Khuê gõ gõ thành ly cocktail đã gần cạn của mình, quay sang Dũng với một nụ cười buồn.
- Này, tôi cũng muốn uống rượu...
Dũng gọi thêm hai ly rượu, một cho anh và một cho Khuê.
- Tôi xin lỗi vì chuyện vừa nãy nhé. Người thú vị như cô thì chắc chẳng bao giờ bị thất tình được.
- Anh cho là thế thật à? - Khuê xoay xoay cái ly chứa thứ chất lỏng màu vàng sóng sánh, không ngẩng lên.
Dũng bối rối thêm lần nữa. Vậy chuyện là thế nào? Có nên tò mò hỏi Khuê nữa hay không? Và nói tiếp thế nào để không trở thành kẻ tọc mạch đi đào xới nỗi đau của người khác trước cái vẻ buồn bã chán chường của cô gái trước mặt?
- Thế chuyện của cô như thế nào? - Cuối cùng anh nghĩ cũng công bằng khi yêu cầu Khuê chia sẻ chuyện của mình. Dũng đã chẳng nói hết với cô tâm sự của mình rồi còn gì nữa.
Khuê không trả lời. Cô uống một hơi hết nửa cái ly trong tay, nhăn mặt rồi quay sang nhìn Dũng, giữ đường nét khuôn mặt của anh in bóng trọn vẹn trong mắt mình, nói với một vẻ thành thật như tự thú với bản thân:
- Tôi không thể nào quay lại được với anh ấy... và cũng sẽ không bao giờ quên được anh ấy...
- Anh ta là người thế nào?
- Tuyệt vời lắm! - Khuê ngắm mình trong đáy ly trước mặt, nghĩ về những thứ đã định quên ở Dũng khi trả lời.
- Biết chơi guitar giỏi chứ? - Anh cũng không hiểu từ ngóc ngách nào mà một ý nghĩ so sánh nhuốm màu ghen tị lại bật ra như vậy.
- Rất giỏi...
- Hy vọng là khá hơn cô...
- Hơn anh là cái chắc rồi - Khuê bật cười nhìn anh tinh nghịch xuyên qua cái không khí bắt đầu nặng nề phát ghét giữa hai người.
Vậy đấy, phụ nữ không chỉ thích cây ngân hạnh lá vàng, họ còn thích những thằng đàn ông chơi đàn tán gái. Khuê thế mà cũng chẳng khác gì mẹ Dũng, đem hết tình yêu dành cho những kẻ chẳng có gì ngoài những thứ lãng mạn rẻ tiền để rồi không còn gì đền đáp lại những người thật lòng đến sau. Dũng không hỏi gì nữa. Anh gọi bồi bàn cho thêm hai ly rượu, rồi tự nhủ nên dừng lại ở đây thôi. Tửu lượng của Dũng không tồi, nhưng uống nhiều trước mặt một cô gái mới quen thế này có vẻ bất lịch sự. Mà Khuê tỏ ra cũng không phải là không biết uống.
Khuê là người đề nghị ra về trước khi đồng hồ trong nhà hàng điểm mười giờ. Trong quán bar hơi người ấm nóng, nhưng vừa bước ra ngoài cửa gió lạnh đã khiến Khuê co người run khẽ. Dũng cởi áo khoác của mình choàng cho cô. Sa Pa về đêm vẫn chưa hết náo nhiệt. Cái lạnh se sẽ len lỏi giữa những hàng đồ nướng tỏa hơi ấm hiện diện khắp mọi nẻo đường: ngô, khoai, trứng, đậu, thịt... Khách du lịch đi sát bên nhau thành từng cụm. Những đôi tình nhân trẻ níu lấy tay nhau, nhìn từ xa cũng biết. Chỉ có Dũng và Khuê lặng lẽ bước song song, im lặng.
Con dốc dẫn về nhà nghỉ ở xa khu trung tâm nên không có đèn cao áp chiếu sáng. Dũng và Khuê phải mò mẫm từng bước trên những bậc đá lồi lõm rêu mọc chen dương xỉ trong ánh đèn của những khách sạn, nhà dân hai bên đường hắt ra, mà vượt qua một khoảng vườn ngăn cách thứ ánh sáng ấy cũng chỉ còn lấp loáng mờ mờ.
- Này, anh kiến trúc sư! Khi nào thiết kế xong khách sạn cho bác anh đừng quên làm một dàn cột đèn dẫn từ dưới kia lên đến cổng nhà đấy nhé! - Khuê nói với Dũng sau khi được anh giữ tay cho khỏi trượt chân vì bước hụt.
- Tôi sẽ nhớ...
- Còn cây ngân hạnh này, anh vẫn sẽ để nó mọc ở đây chứ? - Khuê dừng lại cạnh cái cây, vỗ vỗ vào thân gỗ xù xì, hỏi Dũng đang rảo bước về mái hiên nhà nghỉ sáng đèn trước mặt.
- Tôi cũng chưa biết được...
- Nếu không muốn nhìn thấy nó nữa cũng đừng chặt bỏ đi. Hãy bảo tôi để tìm một chỗ trồng khác...
- Cô định mang về Hà Nội trồng hay sao?
- Ý hay đấy! Dù sao thì Bách Thảo cũng chưa có loài cây này. Mà anh biết không? Có khi cây ngân hạnh của nhà anh là cái cây duy nhất trên đất Việt Nam này đấy. Chặt nó đi rồi biết đâu anh lại bị kết tội hủy hoại thực vật nằm trong sách đỏ quốc gia...
Tiếng cười sảng khoái phảng phất hơi rượu của Khuê làm Dũng cũng bật cười theo. Lần đầu tiên trong đời, anh nghe nói đến những chuyện gợi nỗi đau thương quá khứ mà không thấy trong lòng hằn thù, khó chịu.
Nhà nghỉ vắng lặng, chị người làm đang ngồi xem tivi. Dũng thấy cần phải hỏi thăm bác trai và anh họ cho phải phép.
- Ông chủ vẫn mệt đang nằm trong phòng. Cậu Phúc thì vừa ra ngoài, chắc đêm nay không về đâu. Trước khi đi cũng định rủ cả cậu nữa nhưng tôi bảo cậu đi trước rồi nên cậu ấy chỉ gửi lại cái này - chị ta đưa cho Dũng một gói giấy nhỏ bằng lòng bàn tay.
Tò mò, Dũng mở lớp giấy. Bên trong rơi ra bốn năm cái bao cao su đủ màu. Chị người làm kêu lên một tiếng ngạc nhiên rồi đỏ mặt. Mặt Dũng cũng đỏ nhừ. Anh lúng túng nhặt lại những hình vuông xanh đỏ dưới đất cho lại vào gói, bên trong còn nét chữ nguệch ngoạc của Phúc: "Định rủ chú em đi giải sầu nhưng xem ra đã đi trước anh một bước rồi. Tặng chú em để phòng thân!". Chỉ có từng ấy chữ mà đọc xong Dũng như nghe thấy cả tiếng cười ha hả khả ố của anh ta vang vọng trong đầu.
Khuê cũng đỏ mặt, bước vội lên phòng. Dũng thấy xấu hổ và bối rối. Anh không dám đuổi theo phân bua với cô. Nghe thấy tiếng Khuê sập cửa rồi Dũng mới bước nốt bậc cuối của cầu thang và đi về phòng mình, quẳng gói quà của Phúc lên giường rồi nằm vật ra chán nản. Anh thầm rủa lão Phúc đáng ghét luôn khiến mình rơi vào tình cảnh khó xử. Cứ cho là cuộc gặp gỡ của anh với cô gái kia cùng lắm chỉ kéo dài vài ba hôm nữa, rồi mỗi người về một ngả riêng của mình, mãi mãi chẳng liên quan gì đến nhau (Dũng tự cảm thấy giữa hai người đã hình thành một giao ước không lời là sẽ không trao đổi tên tuổi đầy đủ, địa chỉ, điện thoại... tất tật những gì người ta có thể dựa vào đấy mà lần ra nhau, để cuộc tương ngộ này sẽ chỉ là một Sa Pa thoáng chốc), thì anh cũng không muốn ấn tượng của cô về mình lại trở nên nhôm nhoam đến vậy.
Nhưng rồi cái ý tưởng có phần bệnh hoạn của Phúc gieo vào lòng anh dòng tưởng tượng về Khuê mà chính Dũng cũng không sao dứt mình ra được. Anh muốn đặt lên đôi môi hồng ấy một cái hôn, muốn kéo khuôn mặt cô lại sát mình để soi sâu vào những bí mật u buồn trong đôi mắt cứ chực lảng tránh đó, muốn vượt qua cái bóng đáng ghét của một kẻ vô danh cô đã nói không thể nào quên... Có lẽ nào chỉ vì ba ly rượu mà khiến anh trở nên như thế này được chăng?
Khuê vội vã giục mình chạy trốn trước khi Dũng kịp để ý đến sự xấu hổ của cô. Cô căm ghét cái ý nghĩ sẽ bị chị người làm đứng đấy và gã anh họ của Dũng nghĩ về mình như một đứa con gái buông thả. Mà có khi không chỉ hai kẻ ấy thôi đâu. Những người khác ở đất Sa Pa này, ai biết họ nghĩ những gì khi thấy cô đi bên Dũng. Rồi cả chính anh nữa. Anh có nghĩ như thế, có mong chờ điều ấy ở cô? Rút cục mọi thằng đàn ông đều mang trong mình một bản năng tầm thường. Người mà cô chọn để gửi gắm giấc mơ tình yêu vô vọng cũng không là ngoại lệ.
Khuê chán nản cởi bỏ áo khoác, thay đồ ngủ. Chiếc áo kaki của cô vẫn đang nằm gọn trên giường, vậy cái trong tay này là thế nào nhỉ? Khuê chợt nhớ ra lúc Dũng cởi áo khoác lên người cô. Chiếc áo này liệu có còn vương hơi ấm của bờ vai anh? Cô áp mặt vào lớp vải lót mềm mại. Có tức cười không? Bờ vai của anh như thế nào Khuê cũng đâu có biết. Nếu như trong cơn mưa ấy cô đã không kìm mình mà chạy lên ôm lấy anh từ phía sau... Rút cục thì chính Khuê cũng mang trong mình bản năng khao khát được yêu thương ôm ấp. Vậy mà có một lời nguyền độc ác đã treo trên đầu cô. Thực tại phũ phàng nhắc nhở Khuê nhớ đến tình cảnh vô vọng của mình qua một cơn đau nhói lồng ngực.
Cô co ro tự ôm chặt lấy thân mình, nước mắt buồn tủi lăn dài trên má. Dưới lớp áo dây mỏng manh của bộ đồ ngủ vừa thay ra đấy, một cơ thể trinh nữ hôm nay còn đầy sức sống, chỉ mai kia sẽ không còn toàn vẹn, dưới một lời nguyền mãi mãi không thể yêu thương. Liệu có người đàn ông nào chịu chấp nhận một tình yêu tật nguyền chưa kịp gần gũi đã lên lịch trước ngày chia cách? Chính Khuê cũng sẽ không thể chấp nhận việc đang tâm làm người khác phải đau khổ. Đặc biệt là với Dũng, người đã chịu tổn thương mất mát quá nhiều.
Anh đã lên án những người phụ nữ không thể quên tình cũ mà vô tình làm đau người khác. Nhưng anh đâu phải là người yêu cũ của Khuê, thậm chí sẽ không bao giờ trở thành người yêu nữa. Liệu anh có căm thù cô như đã oán hận mẹ mình suốt đời nếu như Khuê chỉ vì muốn chút kỷ niệm để không bao giờ phải quên anh mà làm tổn thương anh một lần, chỉ một lần thôi rồi cô sẽ chạy trốn, biến khỏi cuộc đời anh mãi mãi?
Lục tìm lại hơi men đã nhạt không còn đủ làm lu mờ lý trí trong từng mạch máu đang co giật kích động cùng tần số với con tim và khối óc của mình, Khuê cố gắng gom góp tất cả liều lĩnh để đi đến một quyết định. Và cô mở cửa bước ra khỏi phòng.
Tiếng gõ cửa ngập ngừng kéo Dũng thoát khỏi sự ám ảnh nhục dục với Khuê. "Ai còn đến làm phiền giờ này được nữa?" - ý nghĩ sắp sửa cất lên thành một lời phàn nàn với bất kỳ ai đứng sau cánh cửa ấy của anh khựng lại trên khuôn mặt ngạc nhiên sững sờ khi thấy Khuê mong manh, run rẩy trước mặt, cái áo khoác của anh đang nằm trên tay cô.
- Tôi muốn trả lại anh cái áo...
- Sao cô không... - Dũng muốn nói sao Khuê không đợi đến sáng mai hãy trả, nhưng ánh mắt của cô nhìn anh lạ lùng và phần nào đáng sợ khiến đôi môi không cất nổi hết lời.
- Anh biết gì không? - Khuê đột ngột tiến vào phòng quàng tay ôm lấy hai vai Dũng, rướn chân ghé tai anh thì thầm - Em muốn được hư hỏng đêm nay - và cô quay xuống nhìn sâu vào mắt anh một giây trước khi đặt lên đôi môi đang hé mở ngạc nhiên một nụ hôn dài.
Tất cả diễn ra quá nhanh làm Dũng choáng váng không kịp phản ứng gì. Anh đắm sâu vào nụ hôn nồng nàn của Khuê. Tiếng chuông báo động hiểm nguy nhắc nhở anh phải nhanh chóng từ chối những động chạm nóng bỏng này réo vang từ lý trí đã vội tắt ngấm, nhường chỗ cho đam mê mới nổi. Một thời gian rất lâu sau này, Dũng luôn cố công hồi tưởng hòng làm rõ những chi tiết đã xảy ra trong đêm hôm ấy, nhưng tất cả những gì anh nhớ được chỉ là một cú rơi không điểm dừng xuống vực sâu khát vọng và thỏa mãn, đồng thời là thiên đường hạnh phúc vô biên. Để rồi khi chạm đất tỉnh dậy thứ hiện hữu duy nhất anh nắm bắt được là nỗi đau đớn trống vắng tuyệt vọng trong lòng và một vết sẹo in dấu răng phụ nữ nhỏ nhắn trên vai trái, hẳn là do Khuê vô tình để lại khi cùng anh rơi vào vực sâu thăm thẳm.
Khuê thì không thể nào quên từng hành động của hai người lúc đó. Khi Dũng ôm chặt lấy cô trong tay mình, đóng cửa phòng và tiến về phía chiếc giường. Hơi thở hổn hển của anh khi lóng ngóng cởi bỏ quần áo của cô và của chính anh. Khuôn mặt anh gần sát ngẩng lên nhìn Khuê ngây dại, phảng phất sự đau đớn và thắc mắc khi cô không kiềm chế được cơn đau xuyên thấu đời con gái của mình mà cắn vào vai anh đến chảy máu, trước khi anh kiệt sức chìm vào giấc ngủ. Khuê đã ôn lại giấc mơ ấy đến thuộc lòng, mỗi ngày, mỗi đêm kể từ lần đầu tiên là lúc thức dậy trên giường, cạnh Dũng vẫn còn say ngủ. Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong cô khi đã hoàn toàn tỉnh táo và bình tĩnh là chạy trốn, phải chạy trốn khỏi cuộc đời anh mãi mãi.
Dũng bàng hoàng tỉnh giấc, vừa mong giấc mơ đêm qua của anh không phải là thật, vừa thầm ngóng đợi bên cạnh anh còn có một hình hài người khác. Cả hai đều không thành sự thật. Trên vai Dũng vết sẹo mới khô máu còn hơi xót, và tấm ga giường trắng vẫn lưu dấu vết đời con gái của Khuê. Nhưng bên anh, Khuê không có mặt. Cuống cuồng và sợ hãi, Dũng mặc vội quần áo chạy sang phòng cô, đập cửa gọi tên Khuê điên cuồng. Chị người làm xuất hiện sau lưng anh, tay cầm lỉnh kỉnh những khăn lau, gầu, chổi...
- Cô ấy mới trả phòng sáng sớm nay, bảo phải về có việc gấp rồi. Không thông báo gì cho anh à?
Bỏ mặc chị ta đứng sững ngạc nhiên đằng sau, Dũng lao như bay xuống nhà, bước qua phòng khách không người, chạy thẳng xuống con dốc trước cửa nhà nghỉ, gần như ngưng thở mà chẳng thể suy nghĩ bất cứ điều gì. Anh chỉ mong nhìn thấy bóng Khuê phía trước, níu cô lại, thế thôi. Nhưng sao Sa Pa bé nhỏ là thế hôm nay lại hóa bao la vô tận. Dũng đã chạy một vòng hết quảng trường, ngó qua hết nhưng chiếc xe ca đang lòng vòng bắt khách về Lào Cai, kiệt sức đến không nhấc nổi đôi chân thêm nữa, mà vẫn không thể tìm thấy Khuê.
Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu anh. Cuốn sổ ghi tên khách đăng ký phòng của nhà nghỉ, hẳn phải có tên tuổi và số chứng minh thư của Khuê. Chỉ cần có thế là sẽ tìm được cô, dù cô muốn chạy trốn phương nào. Dũng lại vội vàng quay về nhà nghỉ, không kịp để cho lồng ngực gần muốn vỡ của anh ngơi nghỉ thêm một phút.
Chị người làm đã dọn xong phòng cũ của Khuê, đi tìm ông chủ để báo lại hành động kỳ quặc của Dũng. Hai người đang đứng chuyện trò ở ngoài hiên thì Dũng lao vào. Anh vồ lấy cuốn sổ ghi chép trên quầy lễ tân, lật giở điên cuồng cho đến khi tay chạm vào mép giấy nham nhở của trang cuối cùng bị xé. Anh cứ thế đứng ngây ra, không biết phải làm gì. Hẳn là Khuê đã lên kế hoạch lẩn trốn anh mãi mãi. Chị người làm ngạc nhiên giật lấy quyển sổ từ tay Dũng.
- Ai làm trò gì thế này? Vừa mới sáng nay còn nguyên vẹn. Cháu chỉ để cửa rồi lên nhà dọn dẹp tí thôi mà - chị quay sang phân bua với người chủ - Từ nay thì cạch không dám để nhà không thế nữa. May mà tuần này ít khách, còn nhớ hết được ngày thuê phòng... Cái cô hay đi chơi với anh mà về trước rồi ấy, tên là Khuê phải không nhỉ?
Chị quay sang phía ông chủ để tìm lời đáp cho câu trả lời im lặng của Dũng, nhưng ông cũng chỉ lặng im đau đớn nhìn đứa cháu trai tội nghiệp lại vừa bị Sa Pa oan nghiệt đâm thêm một vết thương trong lòng, mà chính ông là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc đưa anh đến đây.
Dũng không nghe và cũng không nhìn thấy những điều ấy. Anh ngồi sụp xuống bậc thềm, nhìn không chớp mắt về phía cái cây có tán xanh biếc, lá hình rẻ quạt vẫn không ngừng đung đưa vô tình trong gió, một tay ôm lấy bên vai có vết sẹo chưa liền còn đang nhức nhối. Dưới lồng ngực ngay kề đấy, trái tim tưởng như đã nhiều phen chai sạn cũng thổn thức đớn đau.
Còn tiếp...
Vài nét về tác giả truyện ngắn:
Đây là một câu chuyện mà tôi đã ấp ủ ý tưởng từ lâu, nhưng đến giờ mới có đủ quyết tâm để hoàn thành nó - một câu chuyện mà lẽ ra chỉ là một truyện ngắn ba phần gọn gàng, cuối cùng lại trở thành một câu chuyện dài miên man. Nhưng tôi quyết định sẽ không cắt bỏ bất cứ đoạn nào, vì mỗi một dòng miêu tả tâm lý nhân vật lê thê đều nhằm giúp người đọc hiểu cặn kẽ từng biến đổi trong suy nghĩ của đôi tình nhân ấy, để họ có thể chấp nhận tình yêu trong truyện mà không thấy quá gượng gạo - Vũ Thị Thanh Bình.
Truyện ngắn đã đăng: Chuyện tình Sa Pa (5), Chuyện tình Sa Pa (4), Chuyện tình Sa Pa (3), Chuyện tình Sa Pa (2), Chuyện tình Sa Pa (1), Khi yêu ai, đừng ngại ôm người ấy