Nguyễn Hồng Lợi sinh năm 1987 trong một gia đình nghèo tại TP HCM. Anh sinh ra đã không có chân, tay phải bị teo do di chứng chất độc màu da cam. Năm 4 tuổi, do hoàn cảnh khó khăn, Lợi được gia đình đưa vào làng Hòa Bình - nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật thuộc Bệnh viện Từ Dũ. Bước ngoặt cuộc đời Lợi đến vào năm 18 tuổi khi anh quyết định học bơi và sau đó gắn bó với môn này, trở thành một VĐV khuyết tật quốc gia. Đến nay, Hồng Lợi đã giành được nhiều thành tích cao tại các giải trong nước và quốc tế, trong đó có tấm huy chương đồng ASEAN Para Games 2014. Dù vậy, với Lợi, việc kết hôn và có một cô con gái thông minh, khỏe mạnh mới là điều quý giá nhất trong cuộc đời.
Hồng Lợi cho biết bà xã tên Phan Thị Tường Nghĩa, 31 tuổi, quê Kon Tum, làm nghề thiết kế áo dài. Anh chị lần đầu gặp nhau trong một sự kiện thiện nguyện tại TP HCM năm 2018, khi đó anh đóng vai trò là một người mẫu đặc biệt, mang đôi chân giả cao trình diễn áo dài.
"Tôi rất ấn tượng về các mẫu áo dài của sự kiện và tò mò không biết nhà thiết kế là ai. Cuối chương trình, khi ban tổ chức giới thiệu về nhà thiết kế, tôi rất bất ngờ vì đó là một cô gái rất xinh đẹp và cá tính", Hồng Lợi nói về ấn tượng ban đầu của anh với vợ.
Hơn một tháng sau, Lợi và Nghĩa mới trò chuyện, bắt đầu với những tin nhắn làm quen qua Facebook, rồi dần này sinh tình cảm sau các buổi cafe. Đám cưới của hai người được tổ chức hai năm sau đó, ngày 10/10/2020.
"Chúng tôi yêu nhau rồi cưới nhau, mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, không có tỏ tình hay cầu hôn gì cả. Gia đình bên vợ cũng hoàn toàn ủng hộ việc chúng tôi đến với nhau", Hồng Lợi nói.
VĐV bơi lội thừa nhận từng nghĩ sẽ không lập gia đình vì mặc cảm, không biết liệu có thể đem lại cuộc sống hạnh phúc cho vợ không. Sự chân thành, thấu hiểu và sẻ chia từ Nghĩa giúp anh vượt qua được tự ti để tiến thêm một nấc thang mới trong đời.
Sau khi kết hôn, vợ chồng Hồng Lợi rất muốn có con. Tuy nhiên, anh lo lắng con sinh ra có thể cũng bị dị tật giống mình. Sau quá trình tìm hiểu, khám bệnh, làm đủ các xét nghiệm và nghe tư vấn từ chuyên gia, hai người quyết định sinh em bé.
Tháng 2/2021, Lợi mừng rỡ, nhưng cũng rất hồi hộp, thấp thỏm khi biết vợ mang bầu. Mỗi lần đưa vợ đi khám thai, kình ngư đều cầu mong em bé không gặp vấn đề gì. "Khi bác sĩ siêu âm thông báo con có đầy đủ tứ chi, tôi vỡ òa, mừng rơi nước mắt, không nói nên lời", Hồng Lợi nhớ lại.
Dù vậy, vợ chồng anh tiếp tục phải đón nhận những khó khăn, thử thách khác trong giai đoạn chuẩn bị đón con chào đời. Gần đến ngày sinh, Tường Nghĩa muốn về quê ở Kon Tum để được người thân chăm sóc. Thời điểm đó, hai vợ chồng đang thuê một tiệm nhỏ tại TP HCM để bán áo dài nhưng công việc kinh doanh không thuận lợi do dịch Covid-19. Hai người quyết định dừng buôn bán, dồn hết tài sản để về quê tập trung lo cho con.
Khi về đến quê vợ, Lợi bị phát hiện thuộc diện F1, do tiếp xúc gần với một F0 trong lần đi ra cây ATM rút tiền, phải đi cách ly tập trung. "Tôi rất lo lắng, sợ sệt khi phải xa vợ vào thời điểm cô ấy chuẩn bị sinh em bé", Lợi nhớ lại.
Lợi thực hiện cách ly tại một khu đồi núi, cách nhà vợ khoảng 20 km. Thương vợ tủi thân, hàng ngày, anh đều gọi điện về nhà hỏi thăm, động viên cô. Kết thúc hai tuần cách ly, Lợi về nhà nhưng không được tiếp xúc với vợ ngay mà vẫn phải tự theo dõi. Hai vợ chồng chỉ có thể nhìn nhau qua tấm cửa kính. Ngày vợ chuyển dạ, Lợi không thể tới bệnh viện, phải nhờ chị đi theo để chăm sóc vợ.
"Khi chị gọi về nhà, đưa điện thoại để vợ nói chuyện với tôi, nghe cô ấy nói 'em đau lắm', tim tôi như thắt lại. Tôi ước mình có thể đau thay vợ, để vợ con tôi khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông", Hồng Lợi vẫn rơm rớm khi nhắc lại câu chuyện từ ba năm trước.
Ngày 17/11/2021, vợ Lợi sinh con gái Nguyễn Phan Thiên Ý. Nghe điện thoại thông báo tin vui từ người chị, kình ngư nói anh nước mắt trào dâng vì hạnh phúc. Khi vợ con về nhà, Lợi tự tay làm mọi việc để chăm sóc họ. Dù thiếu tay chân, anh tự tin có thể chăm lo cho vợ con bằng bản năng của một người chồng, người cha cùng kinh nghiệm được rèn luyện sau nhiều năm sống tại làng Hòa Bình.
"Con gái tôi trộm vía rất thông minh, lanh lợi. Bé rất thích đi học, múa hát. Tôi và vợ luôn theo sát, đồng hành với con ngoài giờ lên lớp", Hồng Lợi nói về con gái.
Hiện tại, vợ chồng Hồng Lợi bán áo dài, phụ kiện tại Bảo tàng áo dài TP HCM. Bên cạnh đó, anh còn dạy bơi. Anh mong công việc kinh doanh thuận lợi để có thể mở cửa hàng ở gần khu trung tâm và ngày càng có nhiều học viên theo học bơi.
Gần đây, ngoài bơi, Hồng Lợi còn thử sức với bộ môn lặn. Anh khoe đã nín thở được ba phút, có thể lặn sâu 18 m với bình oxy và được cấp chứng chỉ lặn quốc tế. "Không có việc gì khó nếu chúng ta không bắt đầu. Tôi chỉ có một tay, không chân mà còn làm được, mọi người cũng sẽ làm tốt", anh nói.