"Tôi còn nhớ rất rõ vào ngày 8/3/1978, chị Cánh - Thường trực ở cổng Đài gọi điện lên Tổ Nói (Tổ Phát thanh viên) Đài Tiếng nói Việt Nam và nói tôi xuống nhận hoa. Khi tôi xuống thì thật là bất ngờ là cả một góc Phòng Thường trực đầy hoa, nhưng rất tiếc không có ai để lại tên và địa chỉ để tôi có thể biết đã tặng hoa cho tôi...", NSƯT Thúy Hoa, mẹ của MC Nguyệt Ánh, đã mở đầu như thế khi kể về về mối lương duyên giữa bà và ông xã Nguyễn Trọng Trúc, nguyên Tổng Thư ký Hội bóng bàn nước CHXHCN Việt Nam 1983-1991, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Bóng bàn nước CHXHCN Việt Nam 1975-1992. Cả một hành trình dài từ buổi đầu gặp gỡ, nên duyên chồng vợ rồi cùng nắm tay vượt qua giai đoạn khó khăn kinh tế, nuôi dạy các con đến khi ông Trúc trút hơi thở cuối cùng đều được bà Thúy Hoa chia sẻ thông qua cuốn hồi ký Bóng bàn - Một đời tôi đam mê của chồng do nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chấp bút.

Từ trái qua: Nhà báo Minh Đức - một người bạn người anh thân thiết của MC Nguyệt Ánh và gia đình, NSƯT Thuý Hoa, MC Nguyệt Ánh và nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong buổi họp báo giới thiệu cuốn hồi ký của nguyên HLV trưởng đội tuyển bóng bàn Việt Nam Nguyễn Trọng Trúc.
Sau khi "ôm mấy chuyến" mới hết số hoa được tặng, bà Thúy Hoa tặng lại cho mọi người trong cơ quan, chỉ giữ lại vài bó thích nhất để mang về nhà. Khi vừa bước chân ra khỏi cửa Đài để đi bộ về, bà chợt nghe có tiếng gọi: "Thúy Hoa ơi". Đó là chú họ của bà, ông Trịnh Khang - Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, đi cùng một người bạn.
"Tôi rất ngạc nhiên tiến đến chào chú và chú tôi giới thiệu: 'Đây là anh Nguyễn Trọng Trúc, HLV trưởng đội tuyển Bóng bàn Việt Nam'. Tôi cũng gật đầu: 'Chào chú ạ'. Chú Khang liền chữa ngay: 'Cháu chỉ gọi là anh thôi, đừng gọi là chú'. Tôi bèn chữa lại: 'Bạn của chú thì cháu phải gọi là chú chứ...'. Sau màn chào hỏi rất nhanh như thế, chú Khang bảo tôi: 'Thôi bây giờ cháu lên xe của anh Trúc đi, chú sẽ cùng anh Trúc đưa cháu về nhà'. Tôi cũng đành leo lên xe một cách miễn cưỡng" - Đó là đầu tiên bố của MC Nguyệt Ánh gặp mẹ cô và ngay lập tức đến thăm gia đình bà, bắt đầu cho một cuộc tình kéo dài gần 40 năm.
Hồi đó, NSƯT Thúy Hoa là một phát thanh viên trẻ, được nhận xét là có nhan sắc và giọng đọc triển vọng của Đài Tiếng nói Việt Nam, được khán giả yêu mến. Còn ông Trúc, bên cạnh cương vị là HLV trưởng đội tuyển Bóng bàn Việt Nam, được đánh giá là người hiền lành, ít nói, đam mê công việc.
Sau buổi gặp đầu tiên đó, cứ mỗi cuối tuần được nghỉ, ông Trúc lại đi từ Nhổn về Hà Nội thăm gia đình bạn gái. Những buổi xem phim, nói chuyện, đưa đón người đẹp đi làm đã giúp hai người xích lại gần nhau. Có những lần, bà Thúy Hoa phải dậy từ 4h để đến Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản tin thời sự phát lúc 6h, ông Trúc không phải đi tập huấn đều đến nhà đưa bà đi. Ngược lại, mỗi dịp ông Trúc đưa đoàn đi tập huấn ở nước ngoài, bà Hoa đều đến Tổng cục TDTT để tiễn ông.
Mọi người xung quanh thắc mắc tại sao bà Hoa lại yêu một người lớn tuổi như thế (Ông Trúc hơn bà Hoa 14 tuổi). Thậm chí, có người đã nói hẳn với bà: "Hoa mà lấy anh Trúc thì sẽ khổ đấy vì anh ấy là người liêm khiết và chỉ đam mê công việc mà thôi", nhưng sau 3-4 lần gia đình ông Trúc đến thưa chuyện với bố mẹ bà Hoa, một đám cưới đã diễn ra vào tháng 8/1979 tại phòng cưới 2C Hàng Đường.

Đám cưới của ông Trúc và bà Hoa vào mùa thu năm 1979.
Đầu năm 1980, NSƯT Thúy Hoa sinh con gái đầu lòng là MC Nguyễn Hoàng Nguyệt Ánh trong niềm vui sướng của cả gia đình. Bà Hoa và con gái được ông bà ngoại chăm sóc tận tình vì thời điểm đó ông Trúc thường xuyên phải đi tập huấn ở nước ngoài. "Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại thời kỳ ấy, tôi mới hiểu được tại sao trước khi lấy anh ấy, mọi người lại nói với tôi rằng: 'Hoa mà lấy anh Trúc thì cuộc sống sẽ khổ lắm đấy'", bà Thúy Hoa nhớ lại.
Con trai thứ hai ra đời, cuộc sống của cô phát thanh viên xinh đẹp càng vất vả hơn trước. Tất cả mọi việc chăm sóc con cái bà đều trông cậy vào bố mẹ đẻ của mình, trong khi vẫn phải hoàn thành công tác tại Đài Tiếng nói.
Tháng 2/1986, ông Trúc chuyển hẳn công tác vào TP HCM, mang theo con gái đầu lòng và ông bà chính thức ở vào cảnh "người Nam - kẻ Bắc". Hơn nửa năm sau đó, với sự động viên của gia đình, bạn bè và cơ quan tạo điều kiện, bà Thúy Hoa quyết định chuyển công tác vào Đài truyền hình TP HCM để gia đình đoàn tụ.
Cuộc sống của gia đình bốn người thời gian đầu tại đất Sài Gòn hết sức khó khăn vì đồng lương ít ỏi của ngành thể thao thì không đủ để trang trải. "Tôi phát khóc khi nghe con gái Nguyệt Ánh lúc ấy sau tuổi hồn nhiên vô tư khoe với tôi là: 'Mẹ ơi, có khi bố hết tiền, con phải ăn xôi chấm với muối mẹ ạ'", NSƯT Thúy Hoa hoài niệm.
5 năm sau khi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, hai vợ chồng bà Thúy Hoa đã mua được chiếc tivi để hai con không phải sang hàng xóm xem nhờ và bà có thể xem lại các chương trình lên hình của chính mình. Và sau 6 năm, bà Hoa mới có điều kiện ra Hà Nội thăm bố mẹ, gia đình. Ông Trúc khi ấy đã làm Tổng Thư ký LĐBB TP HCM. Sau này, khi đã thôi công tác chuyên môn, ông vẫn giữ chức vụ đó.

Hình ảnh gia đình Trọng Trúc - Thúy Hoa cùng hai con Nguyệt Ánh, Hoàng Anh được chụp vào Tết năm 2014.
Trong mắt bà Thúy Hoa, ông xã lúc nào cũng toàn tâm toàn ý cho công việc, dốc hết tâm sức cho bóng bàn; mỗi khi Liên đoàn Bóng bàn khó khăn, ông đều bỏ tiền túi ra giúp đỡ, đam mê công việc mà chẳng màng đến sức khỏe bản thân. Năm 2016, ông bị chẩn đoán ung thư trực tràng. Sau khi mổ và xạ trị, sức khỏe của ông tạm ổn và được về nhà điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, tới tháng 10/2017, sức khỏe của ông đột ngột xấu đi; ung thư trực tràng đã di căn qua phổi, xương và một số bộ phận khác.
"Trong những ngày cuối cùng khi bệnh trở nặng, có những lúc khỏe lại, anh ấy vẫn đi taxi đến nhà những người bạn để xin tư liệu và hình ảnh minh họa cho cuốn hồi ký này. Sau đó, mỗi tối anh ấy lại nhờ con trai Hoàng Anh chỉnh sửa từng câu chữ để mong hoàn thành cuốn sách tâm huyết của cả cuộc đời trong thời gian sớm nhất. Nhưng tiếc thay đã không kịp nữa rồi", bà Thúy Hoa kể lại. Ông Nguyễn Trọng Trúc qua đời vào tháng 11/2017, chỉ bốn ngày sau đám cưới của con trai thứ hai.
Là hậu phương vững chắc cho chồng, bà Thúy Hoa có lúc phải gồng mình lên trước áp lực của công việc, cuộc sống nhưng cuối cuộc hành trình, khi nói về chồng, bà vẫn bảo: "Cả cuộc đời yêu thương gia đình và cống hiến cho Bóng bàn Việt Nam nói chung và Bóng bàn TP HCM nói riêng đến giây phút cuối cùng như anh Trúc thật là quý hiếm và đáng trân trọng biết nhường nào. Gia đình chúng tôi sẽ thương nhớ anh mãi mãi".