Một tuần sau đám cưới kim cương gây "sốt" mạng xã hội, cụ bà Hồ Thị Vinh, 80 tuổi, vẫn nguyên xúc động như lúc mặc chiếc váy cưới màu trắng, trang điểm cô dâu, tay cầm hoa và đứng trên sân khấu hôn trường lồng nhẫn cưới vào tay cụ ông Nguyễn Văn Hải, 82 tuổi. Khoảnh khắc thiêng liêng ấy diễn ra trước sự sum vầy của 10 người con (cả dâu, rể), cháu, chắt và sự chứng kiến của người thân nội, ngoại hai bên. Người con cả đứng lên ôn lại thời gian khó của gia đình và không quên cảm ơn hai đấng sinh thành. Bài chia sẻ làm anh đôi lúc phải dừng lại vì nghẹn ngào và khiến khách mời bên dưới đưa tay lau nước mắt.
Lễ rước dâu tại tiệm trang điểm của chú rể U90
Mỗi khi có người hỏi về buổi lễ hôm 12/11, cụ Vinh lại từ tốn lần giở từng trang kỷ niệm đẹp. Cụ nhiều lần nhắc tới cụm từ "phấn khởi" để thể hiện cảm xúc của mình và chồng trong ngày vui được con cháu bí mật tổ chức hoành tráng. Sau khi khách về, các con, cháu "giải tán", ngắm lại những hình ảnh trên mạng, cụ Vinh lại thấy buồn và nhớ mọi người.
Sau 60 năm sống đời vợ chồng, giờ đây cụ ông và cụ bà cảm thấy mãn nguyện vì đã đạt được nguyện vọng cuối đời, đó là nuôi con khôn lớn thành tài. Cả 5 người con của hai cụ đều tốt nghiệp đại học, gia đình đề huề và có vị trí cao trong xã hội. Họ là những nhà giáo, vận động viên bắn súng hay chủ tịch phường và hiện sống tại Hải Phòng và TP HCM.
Chuyện tình 'chai nước mắm'
Cụ Hải sinh ra ở miền quê nước mắm Cát Hải, Hải Phòng, còn cụ Vinh là con gái vùng quan họ Hà Bắc, Bắc Giang. Ngày còn trẻ, cụ Hải đi giao nước mắm ở Bắc Giang và thường lấy cớ để được gặp người con gái thầm thương trộm nhớ. Cụ Hải và cụ Vinh bén duyên rồi trở thành vợ chồng năm cụ bà 17 tuổi. Hai cụ sinh được 5 người con gồm một trai và bốn gái. Sau này, các con, cháu của cụ Vinh đặt tên cho tình yêu của ông bà là "chuyện tình chai nước mắm".
Trong ký ức của mình, cụ bà nhớ như in cuộc sống thiếu trước hụt sau của gia đình đông con thời đó. Ban ngày, vợ chồng cụ làm công nhân, ban đêm cụ ông đi cất vó, còn cụ bà đan len kiếm thêm tiền nuôi đàn con nhỏ. Cuộc sống thiếu thốn khiến các con của cụ Vinh lúc nào cũng ước ao được ăn một mình một quả táo hay một chiếc bánh. Nghèo khó nhưng hai cụ luôn động viên nhau gắng nuôi các con ăn học để tương lai đỡ khổ.
Vợ chồng cụ Vinh luôn nghiêm khắc và tỉ mỉ trong việc giáo dục con cái. 5 người con của hai cụ được rèn từ cách ăn nói, ứng xử, ý tứ đến học hành.
"Đến tuổi dựng vợ, gả chồng, 4 cô con gái của tôi không ai dám trái nguyên tắc đi chơi quá 21h. Các chàng trai muốn tìm hiểu đều phải đến nhà trò chuyện ở bàn uống nước, thay vì dẫn nhau đi chơi riêng. Nhiều hôm, cả bốn đôi cùng gặp nhau ở nhà tôi. Vợ chồng tôi luôn nói chuyện, khuyên bảo con nhẹ nhàng và chưa từng phải dùng roi vọt", cụ Vinh cho hay.
Lúc còn khỏe, vợ chồng cụ Vinh giúp con trông nom và đưa, đón các cháu đi học. Giờ đã có tuổi, hai cụ sống riêng trong căn nhà ba tầng ở quận Lê Chân, xung quanh là nhà các con. Hàng ngày, con cái thay nhau sang dọn dẹp, hỏi thăm bố mẹ. Tới bữa, người con gái lớn nấu cơm và mang sang mời ông bà.
Đám cưới kim cương
Khi cuộc sống thành đạt, đủ đầy, những người con của cụ Vinh có điều kiện hơn khi thường tổ chức những ngày lễ kỷ niệm cho bố mẹ. Trong dịp 50 năm ngày cưới của hai cụ, một bữa tiệc nhỏ diễn ra trong không gian ấm cúng của gia đình bốn thế hệ. Lần này 60 năm, người con lớn của cụ Vinh có ý tưởng làm đám cưới kim cương hoành tráng để tỏ lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ, đồng thời giáo dục truyền thống gia đình cho con cháu.
Gia đình 5 người con cùng các cháu, chắt lên kế hoạch rồi họp bàn qua facetime. Những người cháu của cụ Vinh bắt tay làm video "ngày ấy - bây giờ" của đại gia đình. Video gồm những bức ảnh ngày trẻ của ông bà, ngày cưới của từng người con và những sự kiện quan trọng của cả nhà để chiếu trong tiệc cưới kim cương.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, con gái út của cụ Vinh, kể, quá trình chuẩn bị diễn ra trong vòng 2-3 tuần và kịch bản được giữ bí mật với bố mẹ vào phút chót. Bố mẹ chị Thủy được các con thông báo sẽ tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày cưới đàng hoàng và tiệc chỉ mời người thân trong gia tộc, không nhận tiền mừng hay quà tặng. Chị Thủy tiết lộ, tiệc cưới 12 mâm với hơn 150 khách, trong đó tính riêng ông bà và 5 gia đình con, cháu đã gồm 30 người.
Chị Thủy tâm sự các con quyết tâm tổ chức cho bố mẹ một tiệc cưới ý nghĩa và hoành tráng. Người con gái lớn của cụ Vinh ở TP HCM may váy cưới cho mẹ theo số đo của mình và mang ra Hải Phòng. Gia đình các con cũng cùng nhau chuẩn bị một cặp nhẫn kim cương để tặng bố mẹ. Cặp nhẫn này được hai cụ trao cho nhau trong ngày cưới. Các cháu đã đi làm cũng mua một chiếc tivi mới để tặng ông bà. Cả nhà còn chăm chút cho chiếc xe hoa lộng lẫy để cụ ông có màn rước dâu ấn tượng.
"Sáng hôm đó, mẹ tôi đi trang điểm cô dâu ở tiệm. Anh trai tôi lái xe đưa bố tới đó đón dâu. Sau đám cưới, mẹ tôi cảm động lắm, cầm tay con mà nói: 'Mẹ không muốn các con tốn kém với mẹ'. Chúng tôi chỉ biết nói lời cảm ơn công lao của bố mẹ và báo hiếu", chị Thủy nhớ lại.
Nhắc tới đám cưới, cụ Vinh cảm thấy hạnh phúc khi con, cháu "quá chu đáo với bố mẹ". Cụ nhớ lại đám cưới nghèo cách đây hơn 60 năm khi cô dâu chỉ có áo dài mặc trong ngày lấy chồng.
"Ngày trước tôi mặc áo dài. Lần đầu tiên mặc váy cô dâu, tôi thấy mình khác hẳn. Tôi không nghĩ mặc váy vào lại trông trẻ và đẹp như thế đâu. Ông nhà tôi nhìn vợ mặc váy cưới rồi cười. Ông ấy khen: 'Công nhận trông bà đẹp thật. Nhìn gần mới thấy nếp nhăn'. Tôi hơn 80 tuổi có nếp nhăn là phải rồi (cười)", cụ Vinh đáp bằng nụ cười thích thú.
Điều khiến cụ Vinh bất ngờ nhất là tiệc cưới "lịch sự, sang trọng và đông vui quá". Theo cụ bà, cụ ông phấn khởi và hãnh diện vì 10 người con (cả dâu, rể) đều có học và hiếu thảo. Cụ ông không nghĩ các con lại tổ chức tiệc to như vậy.
"Mong muốn bây giờ của tôi là khỏe mạnh, các con làm ăn thịnh vượng, gia đình hạnh phúc là chúng tôi yên tâm", cụ Vinh nói.
Một ngày bây giờ của hai cụ bắt đầu vào sáng sớm để cùng đi bộ tập thể dục rồi về ăn sáng. Tới giờ cơm trưa, các con nấu cơm rồi mang sang mời bố mẹ. Cụ ông luôn gắp thức ăn và chăm sóc vợ trong bữa ăn. Cụ bà luôn có cốc sữa ấm cụ ông pha sẵn mỗi khi thức dậy.