Sự sốt ruột của anh càng làm cho vợ cứ cúi mãi xuống. Chiếc khăn ướt đầm nước mắt. Anh chồng cầm tay vợ gần như lôi vào phòng khám. Bác sĩ chưa kịp hỏi anh ta trình bày một thôi một hồi: "Để bác sĩ biết mà chẩn đoán cho chính xác, kẻo người ăn ốc, kẻ đổ vỏ". Trước tình cảnh này, bác sĩ phải đề nghị anh giữ trật tự.
Ở ngoài hành lang, một thanh niên chừng 25 tuổi cầm đơn thuốc bác sĩ kê tần ngần mãi chưa muốn về. Anh tâm sự nỗi bức xúc không biết chia sẻ cùng ai. Lấy vợ hơn một năm chưa có con, gần đây một lần đi tiểu đau buốt lại thấy chỗ ấy tiết ra nhiều dịch như mủ, anh đi khám. "Điều quan trọng là em không có quan hệ với ai ngoài vợ. Chị bảo đến đây khám mình không thể nói thật với bác sĩ. Vợ em là người ngoan và sống rất tốt. Từ ngày lấy cô ấy, em chưa có điều gì phàn nàn cả. Em đoán chắc vợ em có lỡ ngày còn học đại học nhưng bây giờ mà nói chuyện này ích gì. Cầm chắc là chúng em đổ vỡ", giọng anh nghẹn lại. Quan trọng là vợ em không biết mình bị bệnh. Bác sĩ bảo biểu hiện của nữ không rõ rệt như nam nhưng biến chứng rất lớn (khoảng 50-80%) viêm tiểu khung dẫn đến vô sinh, chửa ngoài tử cung". Giải pháp của anh này là xin đơn thuốc cho vợ. Về nhà nói dối là thuốc bổ để có thai.
Đôi vợ chồng vừa mới vào gặp bác sĩ lúc trước đã khám xong, chẳng biết bác sĩ chẩn đoán bệnh gì nhưng thấy mắt chị ta bớt đỏ. Anh chồng mặt đăm đăm giật tờ đơn thuốc trên tay vợ. Anh ta vừa lườm mọi người vừa lên giọng với vợ "May là bệnh nhiễm khuẩn không phải lây liếc gì. Nhưng đừng có tưởng, lơ mơ là chết đấy".
Đôi vợ chồng nọ vừa đi khuất, phòng khám lại chộn rộn bởi một giọng nói oang oang rất bề trên: "Cho tôi gặp bác sĩ Tuấn. Hôm qua, tôi hẹn rồi đấy". Người đàn ông bệ vệ, tự tin ấy đi nhanh vào phòng khám cuối cùng không cần qua đăng ký. Theo sau là một cậu xem chừng lái xe xách cặp chờ trước cửa phòng.
"Đây là sếp của một công ty xây dựng", cô y tá cho biết. Cô nói thêm: "Ở đây nhiều sếp đến khám lắm. Có một vài ông vào đây khám nhưng vẫn có cái kiểu như cấp trên xuống cơ sở vậy. Ông này đến đây hai, ba lần rồi mà vẫn không chừa thói ăn chơi sương gió".
Phòng khám của trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên (Ngôi nhà tuổi trẻ) mỗi ngày có 15-20 ca điều trị, đặt thuốc và có từ ba đến bốn ca mới gồm cả học sinh, sinh viên.
Các em sinh viên, học sinh chỉ có một số ít tỏ ra lo lắng, băn khoăn và sợ. Phần nhiều các em vô tư khi đi khám, thậm chí có em chào hỏi rất thân thiện. Có em mắc đi mắc lại nhiều lần một loại bệnh và thường xuyên đến đây khám. Chị Bạch Ngọc Lan, người trực tiếp khám và tư vấn, cho biết, hiện nay có rất nhiều sinh viên bị mắc bệnh lậu và sùi mào gà. Các em vẫn cứ khăng khăng một điều: "Em chỉ có quan hệ với mỗi người yêu".
Bác sĩ Trần Sỹ Minh, Phó giám đốc trung tâm, cho biết: "Hiện nay bệnh lây truyền qua đường tình dục chưa được nhiều người biết đến hoặc có thì nhiều người chung quy lại do bẩn, nguồn nước và hàng trăm lí do khác. Đây là những lầm tưởng đáng sợ".
Hầu hết người đến khám không bao giờ nói thật tên. Họ tự chữa hoặc mách nhau đến các phòng khám tư nhân. Khi bệnh nặng, họ mới đến các cơ sở y tế. Trong số họ, nhiều người không điều trị đầy đủ hoặc không đúng phác đồ dẫn đến không khỏi, gây biến chứng và lây sang người khác. Chính điều đó làm cho việc lây lan, lây nhiễm chéo nhiều, không thể kiểm soát.
Việt Nam: Trên 130.000 trường hợp mắc mới/năm Theo Viện Da liễu, hàng năm Việt Nam có trên 130.000 trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Riêng năm 2003 có trên 142.000 trường hợp. Theo các chuyên gia, hàng năm có gần một triệu trường hợp mới mắc. Đa số bệnh nhân tự mua thuốc điều trị hoặc đến chữa trị tại các thầy thuốc tư nhân. Thế giới: 390 triệu người mắc mỗi năm Tổ chức UNAIDS ước tính số người mới mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục hàng năm trên toàn cầu là 390 triệu người. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương khoảng trên 35 triệu người mới mắc bệnh này hàng năm, trong đó trùng roi âm đạo cao nhất, chiếm tới 47%, nhiễm Chlamydia trachomatis 33%, lậu 18% và giang mai là 2% |
(Theo Gia Đình & Xã Hội)