Trong tiếng Anh, bao cao su (BCS) gọi là condom, còn tiếng Latinh là condus. Từ condom là do bác sĩ Swediaur người Pháp đặt ra vào thế kỷ 18, khi ông thực hiện một trong những cuộc điều tra đầu tiên về bệnh hoa liễu.
Có nhiều tên gọi khác nhau để chỉ cái vật nhỏ bé nhưng hữu dụng trong việc phòng chống bệnh lây lan qua đường tình dục này: love socks (vớ tình), the goalie (người thủ thành), love glove (găng tay tình yêu), Johnny bag (túi Johnny), sheaths (bao kiếm), raincoats (áo mưa), gentleman’s jerkins (áo chẽn bằng da của quý ông)…
Trên thế giới, nhiều người không chịu sử dụng BCS vì nhiều lý do: dùng BCS khi quan hệ cũng giống như ăn một cái kẹo mà không bóc vỏ; bị nghi ngờ không chung thuỷ; BCS làm giảm khoái cảm cho cả hai người…
Ngoài các lý do về mặt tâm lý, có một lý do thuộc về kỹ thuật: BCS mỏng quá nên biết đâu sẽ bị rách trong lúc hành sự. Nếu nghĩ đến hậu quả của sự cố này thì đúng là đáng ngại thật. Nhưng bạn hãy yên tâm: BCS tuy nhỏ nhưng nó thuộc loại “có võ”. Độ dày của BCS ở Pháp được quy định là tối thiểu 0,04mm và tối đa là 0,07mm. Kỷ lục về độ mỏng thuộc về một nhãn hiệu Nhật: 0,03mm, tức mỏng hơn một tờ giấy vấn thuốc lá gấp 3 lần.
Bao cao su được làm từ mủ nhựa cây cao su. Những người bị dị ứng với cao su thiên nhiên, thể hiện qua cảm giác ngứa ngáy khi tiếp xúc, sẽ sử dụng loại BCS đã được làm giảm các protein mủ cao su, hoặc bằng lòng với loại làm bằng ruột cừu (được gọi là concept skin) nhưng không đảm bảo ngăn ngừa lây nhiễm bệnh qua đường tình dục.
Bao cao su được sản xuất từ khuôn thủy tinh. Trong bồn dung dịch mủ cao su, người ta cho thêm các sản phẩm làm từ lưu huỳnh để giúp lưu hóa cao su. Phương pháp này rất cần thiết để đảm bảo đặc tính dẻo và bền của vật liệu (như vỏ xe hơi!). Để BCS có được màu sắc mong muốn, người ta cho vào dung dịch mủ cao su một chất tạo màu thực phẩm. Khi khuôn được lấy ra khỏi bồn dung dịch, người ta để lớp cao su bám vào khuôn khô dần. Thao tác này được thực hiện lại 1-2 lần.
Một BCS được làm từ nhiều lớp mủ cao su chồng lên nhau. Kế đó, sản phẩm được cho vào lò có nhiệt độ 100-200 độ C. Công đoạn cuối cùng là lấy BCS ra khỏi khuôn (bằng cách dùng tia nước áp lực cao), làm khô và cuộn lại rồi đóng bao.
Các mẫu BCS được lấy trong từng lô hàng để kiểm tra bằng tay hoặc máy điện tử: đổ đầy nước vào (kiểm tra độ kín), dùng tạ nặng 8kg kéo giãn ra, thổi phồng lên, đo kích thước… Công đoạn kiểm tra rất nghiêm ngặt để đảm bảo không có bất kỳ lỗi nhỏ nào trên sản phẩm. BCS đạt tiêu chuẩn sử dụng là không bị bể lúc được thổi vào 40 lít không khí (tiêu chuẩn Pháp chỉ yêu cầu 18 lít) và phải bền trong thời gian hành sự kéo dài...166 giờ!
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, khuynh hướng tiếp thị BCS hiện nay của các nhãn hiệu lớn là giải toả tâm lý lo sợ của giới trẻ trong việc ngăn ngừa bệnh tật mà chủ yếu là mang đến niềm vui khi sử dụng. Đó có thể là một khẩu hiệu vui (chẳng hạn Play), hoặc những cải tiến kỹ thuật nhằm giúp việc mang BCS dễ dàng hơn. Đại học Laval ở Québec (Canada) đang thử nghiệm một loại BCS bằng gel dành cho phụ nữ. Chất lỏng được bơm vào sẽ cứng lại khi tiếp xúc thân nhiệt và tạo thành một hàng rào vừa giúp tránh ngừa thai, vừa hiệu quả (trong vòng hai giờ) trong ngăn ngừa bệnh. Hiện sản phẩm đang trong giai đoạn thử nghiệm và nếu đạt hiệu quả rõ ràng thì sẽ được tung ra thị trường trong ba năm tới.
Là một sản phẩm kinh doanh thuần túy, BCS có doanh số rất hấp dẫn: 85 triệu bao được bán ra ở thị trường Pháp trong năm 2004 mang về khoảng 40 triệu euro. Mùa kinh doanh cao điểm của BCS ở Pháp và một số nước châu Âu là vào tháng 8 (mùa hè) và tháng 1 (mùa đông).
Người Ai Cập cổ xưa đã sử dụng các bao bằng vải lanh để bảo vệ cơ quan sinh dục nam. Tại Rome, người ta chọn bong bóng hoặc ruột động vật. Ngay từ thế kỷ thứ 10, người Trung Hoa và Nhật biết dùng đến loại giấy tơ tằm tẩm dầu, da động vật… Nhưng BCS “hiện đại” được biết đến nhiều nhất là vào thời Phục hưng. Bác sĩ phẫu thuật người Ý Gabriel Fallope (1523-1562), người phát hiện ra vòi tử cung được đặt tên của ông, đã yêu cầu phải sử dụng một vật bằng vải nhẹ để chống lại bệnh giang mai. Đến cuối thế kỷ 18, người Anh rất mê sử dụng loại bong bóng ruột cừu để phòng bệnh. Việc Goodyear thử nghiệm thành công phương pháp lưu hoá cao su vào năm 1843 đã mở ra kỷ nguyên công nghiệp cho BCS. Năm 1929, nhãn hiệu Durex của Anh bắt đầu sản xuất tự động hoá BCS.