Không chỉ đơn thuần là người “làm nhạc đệm” cho các ca khúc mà các họ đã trở thành một mắt xích rất quan trọng có thể giúp cho tác phẩm của nhạc sĩ sáng tác và giọng hát ca sĩ trở nên bay bổng hơn. Nhưng đôi khi cũng chính bản hòa âm góp phần làm cho ca khúc... chìm vào quên lãng.
![]() |
Nhạc sĩ Hoài Sa, một trong những nhạc sĩ hoà âm thành công nhất hiện nay. |
Có những ca khúc nổi tiếng trên thị trường luôn có bản phối hay đi kèm, nhạc sĩ hòa âm đã nắm được cái hồn của tác phẩm và soạn cho dàn nhạc đệm từ câu intro đến trống, bass và nhiều loại nhạc cụ, âm sắc khác để ca sĩ hát có thể tự tin hơn và “nâng” tác phẩm của nhạc sĩ sáng tác lên thêm. Khán giả yêu nhạc từng nghe ca khúc Trống vắng do ca sĩ Phương Thanh thể hiện đậm chất rock, không ai có thể quên được phần intro guitar do Đức Trí viết. Gần như tất cả các ca sĩ khác trong và ngoài nước khi hát ca khúc này đều sử dụng bản hòa âm của Đức Trí.
Rồi đến các hit của Lam Trường như Nụ hồng hờ hững, gần đây nhất là Katy Katy cũng qua bàn tay hòa âm của Đức Trí và một loạt những ca khúc khác đã “làm mưa làm gió” trên thị trường, đưa tên tuổi Đức Trí lên hàng các nhạc sĩ hòa âm đắt giá nhất hiện nay.
Nhạc sĩ Mạnh Trinh cũng rất thành công ca khúc Tình xa khuất với câu guitar “để đời” do chính anh thể hiện. Nhạc sĩ Quang Phúc cũng “để đời” bằng bản phối và tiếng violon của mình trong ca khúc Đêm cô đơn, dù đây là bài hòa âm anh viết cho đôi song ca Đan Trường - Cẩm Ly, nhưng gần như các ca sĩ khác khi hát đơn ca cũng sử dụng bài phối này... Hầu hết các ca sĩ khi hát lại những ca khúc thành công đều sử dụng bài phối đã “chết” với ca khúc đó vì khán giả đã thuộc từ câu intro rồi.
Tuy nhiên, nhiều ca khúc xưa cần làm mới cho phù hợp với đời sống âm nhạc hiện đại cũng rất cần đến khả năng hòa âm của các nhạc sĩ hòa âm trẻ hôm nay. Chẳng hạn những ca khúc của Phạm Duy được trình diễn bởi các ca sĩ trẻ, trong chương trình Ngày trở về vừa qua, đã được các nhạc sĩ Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Hoài Sa... làm hòa âm mới.
Bên cạnh đó, nhiều nhạc sĩ tự hòa âm ca khúc của mình và cũng có những bản hòa âm “để đời”, như nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung với câu intro viết cho dàn dây trong Giã từ dĩ vãng, nhạc sĩ Bảo Phúc với Những nẻo đường phù sa, Lê Quang với Đi về nơi xa, Võ Thiện Thanh với Chồng xa... dù các ca khúc đó được hòa âm cách đây hơn 5 năm nhưng bản phối vẫn được các ca sĩ sau này “xài đi xài lại”, vì đến bây giờ vẫn chưa có bản hòa âm hay hơn.
Bên cạnh rất nhiều ca khúc nhờ có hòa âm hay đã xuất hiện “làm mưa làm gió” trên thị trường, có một số lượng lớn các ca khúc bị “dìm” chết non bởi các bản hòa âm tồi. Thường khi làm một album gồm 10 bài hát, các ca sĩ và biên tập phải chịu hao tốn chi phí cho 12-13 bài phối khác nhau. Có trường hợp cá biệt phải “phối tới phối lui” và đánh nhạc đến 15-16 lần cho một album với 10 bài ưng ý.
Như vậy là có một số bản hòa âm đã được đánh nhạc hẳn hoi và “chết non” tại phòng thu. Có những bài không bao giờ có mặt trên thị trường là do ca sĩ và biên tập quá kỹ tính nhưng phần lớn là do phần hòa âm làm ca sĩ hát không “vô” nổi, nhất là khi nhạc sĩ hòa âm “phá cách” hay ca sĩ hát tông này nhưng nhạc đánh tông khác nên các bài phối này suốt đời vẫn mãi nằm ở... phòng thu. Tệ hại nhất là những bản hòa âm “lai”. Sau khi qua bàn tay “mông má” của nhạc sĩ hòa âm, người sáng tác không còn nhận ra “đứa con” của mình nữa vì đoạn intro giống nhạc Hong Kong, “ríp” trống thì như Thái Lan, nhưng phần kết của bài thì như... Hàn Quốc.
Phần lớn những nhạc sĩ hòa âm hiện nay đều cùng tâm huyết với nhạc sĩ sáng tác, để làm cho ca khúc có sức sống thêm, nên nhiều nhạc sĩ hòa âm đã cẩn thận trao đổi với nhạc sĩ sáng tác trước khi hòa âm, làm sao thể hiện cho đúng tinh thần tác phẩm. Thế nhưng vẫn còn các nhạc sĩ quá “cao hứng”, quá tự tin, hay do “võ công”... chưa thâm hậu nên dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”, cho ra những “đứa con” kiểu “đầu Ngô, mình Sở”.
Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy
(Theo Người Lao Động)