Phan Cảnh Chung
Tôi đọc sách không nhiều nên tôi cứ ấn tượng mãi về cậu trai trẻ Holden trong "Bắt trẻ đồng xanh" của J.D. Salinger. Cứ tạm gọi Holden là đứa trẻ hư vì thực ra, cậu không hư hỏng mấy. Những đứa trẻ hư luôn có thể sửa lỗi, như ai đó từng nói: "Tuổi trẻ đừng ngại mắc sai lầm". Ngay ở câu đầu tiên của truyện, J.D để Holden tự mở lời: "Nếu bạn thực sự muốn nghe...". Hóa ra là câu chuyện của một đứa trẻ hư chẳng ý nghĩa gì nếu như bạn không muốn nghe... còn người muốn kể thì vẫn cứ kể. Như trong Kinh thánh có câu "Ai có tai thì nghe".
Trong các bản dịch cuốn "Bắt trẻ đồng xanh" tại Việt Nam, có lẽ, bản của Phùng Khánh là hay nhất và nổi tiếng nhất. Và nhiều người hẳn cũng biết, Phùng Khánh là một ni sư, Pháp hiệu Thích Nữ Trí Hải. Một ni sư dịch muốn cuốn sách nói về một đứa trẻ hư - đứa trẻ đó gọi thầy của mình là lão già, gọi cha mẹ mình là hạng "bộ tịch" và không ngại mỉa mai người anh trai làm nghề "đánh đĩ ngòi bút ở Hollywood" - không phải chuyện lạ hay sao?
Mấy hôm nay showbiz rào rạt một cơn tức giận, chuyện của một vài học trò tố lại người thầy của mình. Nhiều người cho rằng mấy người học trò này là hư hỏng, là ăn cháo đá bát, là không chấp nhận được. Những đứa trẻ hư này không biết quy tắc hoạt động trong giới giải trí, muốn nổi tiếng và nuôi mộng ảo nổi tiếng. Người ta vẫn ra rả "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy" - và hạng tố thầy, là hạng chẳng ra gì.
Những đứa trẻ được gọi là hư hỏng kia có người đồng niên, có người thua tôi tí tuổi. Những đứa trẻ hư đó, thẳng thắn và bồng bột. Những đứa trẻ hư đó không có ai ngoài chính họ, chuốc lấy những lời gièm pha một cách tội nghiệp.
Họ giống như cậu trai Holden, đang kể lại câu chuyện mà họ chứng kiến hoặc nghe người xác tín kể lại. Họ muốn kể lại nhưng quên hỏi "nếu bạn thực sự muốn nghe...". Ai sẽ nghe họ? Chẳng mấy ai.
Ảnh minh họa. |
Ừ thì cứ cho họ là những đứa trẻ hư của showbiz đi. Thì đã sao. Tôi mới chỉ sống 24 năm, va vấp không nhiều, quan hệ ít, tư chất kém cỏi nhưng tôi biết, những đứa trẻ hư là những đứa chân thành nhất.
Như anh trai tôi, một đứa-trẻ-hư tôi luôn kính trọng. Hồi chưa đầy 20, nhiều người cho rằng anh trai tôi là thằng vớ vẩn. Nhưng trong số ít suy nghĩ của những người khác - anh tôi là người chân thành. Anh trai tôi có thể không có áo mặc nhưng bạn của anh thì chắc chắn phải có. Anh trai tôi đói nhưng có cái ăn là phải chia cho bạn. Một đứa trẻ hư cũng có những điều kiêu hãnh riêng.
Bạn của anh trai tôi cũng người có chút tù tội. Ngoài xã hội thì phầm phập, băm bổ, thỉnh thoảng cãi cha, cãi mẹ. Ấy nhưng cái cơn điên loạn tức thời đó không làm cho cái tốt của anh ta mất đi hay lu mờ. Những đứa hư nhất luôn là những đứa chân thành nhất.
Trong đám bạn ở quê của tôi, những thằng hiền lành, ngoan ngoan tử tế thường sống rất nhạt. Nhạt với anh em, bạn bè. Những thằng bạn hư lại những đứa chân thành và tình nghĩa nhất. Cái đứa có thể chửi cô giáo là "con này vớ vẩn" nhưng sẵn sàng đá đít những thằng mất dạy khác dám nói câu ấy với người mà nó nói là "vớ vẩn".
Vậy nên, giáo lễ làm chi? Nếu như nó không xuất phát từ sự chân thành? Cứ sòng phẳng với nhau, cứ "mất lòng trước" còn được lòng sau hay không thì tùy vào vận hạn.
"Khi nào bạn bực tức, giận dữ, hãy bất động! Ngay tại đó! Đừng cử động! Đừng làm gì cả! Đừng nói gì - dù chỉ một lời. Hãy yên lặng và bất động hoàn toàn. Tuyệt đối không biết gì đến kẻ hoặc sự việc làm cho mình giận dữ" (Hạn chế sân hận, trải rộng tình thương - Tỳ kheo VISUDDHÀCÀRAZ). Trời ơi, mình giận muốn chết, muốn gào thét, muốn cào cấu, muốn đập phá mà không cho mình nhúc nhích, sao có thể hả hê? "Đạt được đạo mới khó làm sao... ". Làm người trẻ thật khổ.