Phan Tuan
Hôm đó, tôi hẹn người bạn thuở ấu thơ đi nhậu. Hai bạn ngồi tại quán Tre Place - một khung cảnh lãng mạn hiếm hoi trong cái không gian ẩm thực của đất Hà thành.
Chừng ba năm về trước, chỗ này còn hoang sơ lắm, một dải tre xanh ngút ngát bên sông. Chẳng có ghế đá, chỉ duy nhất hai quán nước chè, vài cái chiếu… dăm ba cái võng mắc vào những khóm tre. Một không gian bao la, yên tĩnh, một thế giới mơ mộng cho những đôi tình nhân.
Bây giờ thì vườn tre xưa đã thành quán. May quá, ông chủ chắc cũng là người chưa mất văn hoá, thế nên vẫn để quán giống vườn. Tôi và ông bạn tên T. ngồi riêng trong cái bàn đặt ở góc khuất nhấm nháp bia lạnh suy tư trong một buổi chiều cuối tuần ngắm nhìn dòng sông Hồng đỏ ngầu phù sa cuồn cuộn chảy. Đâu đó giọng hát Khánh Ly rè rè vang lên từ cái catset cũ: "Nhìn những mùa thu đi, ta nghe sầu lên trong nắng...".
- T. ạ, cậu có nhìn thấy cái sà lan chở cát kia không, nó ì ạch chạy ngược dòng - vất vả như một bà già leo dốc. Những người trên tàu hình như là một gia đình, chồng cầm lái, vợ uể oải chuẩn bị bữa chiều, hai đứa nhóc cởi truồng đang lăng xăng bên thành tàu - ngắm nhìn đám thực khách như nhìn một thế giới xa lạ với chúng - Tôi nói.
- Tớ thấy rồi, cuộc sống thực lạ lùng cậu nhỉ, bờ bên này là đám thực khách ăn uống ê hề. Giữa dòng sông là những mảnh đời lam lũ vất vả, bờ bên kia lại là bãi giữa hoang vắng nguyên sơ không một bóng người. Chỉ một khoảng cách thôi, sao mà số phận người ta lại thay đổi nhiều đến thế… Mà cậu lại làm tớ nhớ đến 25 năm về trước trong một lần tớ đã trở thành thầy giáo phục hồi nhân phẩm bất đắc dĩ
Ảnh minh họa: Phan Tuan. |
- Gì vậy? Lãng mạn đến thế kia à? - Tôi hỏi lại.
- Ừ, hồi đó tôi và một ông bạn - được phân công bay vào Cần Thơ để sửa chữa hệ thống định vị hàng hải của tàu Bạch Đằng 06 vừa từ nước ngoài trở về. Hai thằng hay đi với nhau vì đều là dân Hà Nội, đều cùng học khoa điện tử trường Hàng hải - rồi ra trường lại được cùng về làm một chỗ. Thôi thì đi xa có nhau cũng đỡ buồn. Ngày làm việc, tối về gác chân lên nhau “ tám “ cho vơi bớt sự mệt nhọc và cô đơn.
Cảng Cần Thơ là địa điểm thực lý tưởng cho anh em thủy thủ. Hải quan ở cảng này dễ, chỉ làm luật là xong. Tàu về, vui như Tết, bà con nô nức xuống tàu mua hàng lậu, rồi “các em“ xuống tàu giúp các anh “vui vẻ “, “xả stress"… Thường trong cabin thì tầng một là tự do. Tầng này là nơi ở của thuỷ thủ, thợ máy. Còn tầng hai là phòng của sĩ quan như thuyền trưởng, máy trưởng, đại phó thì mỗi anh một em - như bồ vậy. Tầng ba - tầng trên cùng là cabin lái, phòng vô tuyến điện (VTĐ), phòng hải đồ và phòng họp thì tuyệt đối cấm, chỉ có người của tàu và khách VIP mới được lên đó.
Thế là trong khi cả tầu ồn ào, vui vẻ như ong vỡ tổ, thì trên tầng 3 - phòng VTĐ hai ông “em“ bò ra để sửa chữa, bảo hành máy móc. T. bảo với ông bạn rằng sao mấy thằng thuỷ thủ sướng thế, lúc nào cũng có mấy em “bu“ xung quanh. Ông bạn bảo “thôi ông tập trung làm đi, rồi còn về cho sớm“. Nói thế chứ thuyền trưởng cũng tâm lý bố trí một em khá xinh sẵn sàng phục vụ “hai anh“. Nhưng khổ nỗi hai anh “tiên có khồng“ nên em cũng chỉ biết giúp các anh vài việc lặt vặt, rồi thì vơ hết quần áo của hai anh đi giặt. Em kêu là quần áo của hai anh “hôi“ quá. Hic. Hôi là đúng bởi đi từ ngoài Bắc vào mấy hôm ở trên tàu, có ai giặt cho đâu.
Lúc giải lao, T. tò mò hỏi “em gái“:
- Này em tên gì?
- Em tên Lệ Thuỷ
- Trong em xinh xắn thông minh thế kia, sao không ở nhà làm việc khác, lên đây làm gì, mà em học hết lớp mấy rồi?
- Em học hết phổ thông rồi, nhà em trước kia cũng khá. Nhưng rồi má em vỡ hụi, trốn biệt tích, ba em buồn, rượu suốt ngày. Em theo các chị lên đây buôn hàng kiếm tiền cho gia đình. Nhưng em không có vốn, vậy là tụi nó rủ em làm “bồ“ cho các anh. Bây giờ về nhà không có tiền là ba lại đánh chửi em.
Chả biết chuyện có thực không, em nói vậy thì biết vậy. Nhưng mà thấy em rất ngoan, lễ phép, chăm chỉ nên lúc xong việc chuẩn bị trở về Hà nội - hai ông “kỹ sư“ cũng muốn trả công. Ngặt một nỗi là móc túi chẳng còn bao nhiêu, chỉ đủ tiền tầu xe về thủ đô. Vì vậy người bạn có “sang kiến“ tặng em quyển truyện làm kỷ niệm. Đằng nào thì hai ông cũng đã đọc xong quyển này trên đường từ Hà nội vào đây rồi. Hai ông về tới Hà Nội thì quên biến mọi việc. Thì cũng đã có gì sâu sắc đâu. 5 năm sau, vào một ngày “đẹp trời“... một lá thư gửi về nhà bạn của T. - mở ra thấy trong đó viết:
"Gởi anh T. và H.
Em là Lê, gặp các anh 5 năm về trước. Em nói với các anh tên em là Lệ Thuỷ. Nhưng ngoại trừ điều đó, những điều khác đều đúng sự thực. Em thay đổi cách nghĩ từ hồi gặp các anh. Em biết là các anh lúc đó chẳng có tiền. Vậy mà các anh vui quá! Ngày các anh làm, đêm về các anh đánh đàn và hát, không rượu bia, cờ bạc. Các anh nói chuyện rất duyên. Em còn nhớ anh T. khuyên em là: 'Về nhà kiếm nghề khác mà làm. Làm nghề này kiếm tiền dễ quá sau này làm nghề khác khó lắm…'.
Em may mắn hơn các bạn là gặp được các anh và một người nữa sau này là ông xã em. Anh ấy là giáo viên về dạy học ở quê em. Anh ấy thương em và tha thứ tất cả cho em. Chúng em đã có hai cháu trai và mở quán cafe, cũng tạm đủ ăn các anh ạ. Ông xã em hiền lắm, đi dạy về là phụ giúp em bán hàng.
Em viết thư này là để mạn phép hai anh, em đã đặt tên cho các con của em là H. và T. Mong rằng sau này các cháu sẽ thành người tốt như các anh. Ông xã em bảo phải viết thư báo cho các anh biết và để cám ơn các anh. May quá, trên quyển truyện mà các anh tặng em hồi đó lại có ghi địa chỉ nhà anh H., không thì em chẳng biết làm sao để gửi thư cho các anh".
Ảnh minh họa: Phan Tuan. |
Bức thư không ký tên, được viết trên giấy học sinh, bằng nhiều thứ mực - chứng tỏ người viết đã mất rất nhiều thời gian mới viết xong lá thư này.
Nghe đến đây, tôi cười bảo: "May nhá, lúc đó hai ông không có tiền, chứ nếu có thì không biết chuyện gì xảy ra". Bạn tôi cũng cười, đáp:
- Ông cứ hay suy diễn, thế mới là cuộc sống. Mà nói vui đấy thôi. Trước khi về Hà Nội, thuyền trưởng gọi hai thằng vào cảm ơn và nói: “Các cậu thật hạnh phúc. Các cậu nhìn xem, đám thủy thủ kia nhiều tiền, nhưng chúng nó thiếu đủ thứ. Nhà chúng nó nghèo, phải đi biển gọi là đi buôn lậu thì đúng hơn. Về đến bờ là nhậu nhẹt, cờ bạc có biết gì về ăn ngon, mặc đẹp? Đâu biết thể thao, đâu có văn hoá. Ngay cả tình cảm cũng phải bỏ tiền ra mua, phải đổi chác như con gà, con vịt vậy. Nghề đi biển này, nếu ai không say mê, đi chỉ vì tiền thì cực lắm cậu à. Xung quanh chỉ có trời và nuớc, còn gì nữa đây? Các cậu sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cái thành phố đẹp như châu Âu ở giữa trời ta, các cậu có một tuổi thơ hạnh phúc và lãng mạn, ngày nào cũng được gặp bè bạn, người thân. Đừng vì tiền mà đánh đổi những thứ đó. Khi người ta có nhiều tiền mới thấy tiếc là có rất nhiều thứ không mua được bằng tiền".
Câu chuyện của T. làm cho tôi im lặng - trầm ngâm suy nghĩ. Đúng vậy, những chàng trai Hà Nội như tôi, như T. hay như ông bạn H. có thể chỉ hồn nhiên sống, hồn nhiên làm việc, nhưng có lẽ mọi người phải cảm ơn cái thành phố thân thương này đã tạo nên một cuộc sống hạnh phúc cho mọi người, đã tạo nên đạo đức để mọi người không lấm lem với “bụi trần“. Như nhạc sĩ Trần Tiến đã nói: "Hà Nội của tôi buồn mà thương, nghèo mà sang…“.
Hai ông bạn già trả tiền đứng dậy ra về. Hoàng hôn đã buông xuống, chiếc sà lan đã đi xa tít, chỉ còn lại một chấm nhỏ. Bên bãi giữa, ai đó vừa đốt một đám lửa để lại làn khói lam trên nền trời tím sẫm. Ngoài kia, đường phố đã lên đèn. Về thôi, về với Hà nội của tôi! Hình như có tiếng ai đó đang gọi trẻ con về ăn cơm - bữa cơm ấm cúng của gia đình mỗi buổi chiều…
Hà Nội yêu dấu ơi!
Vài nét về tác giả:
Thân tặng các bạn lớp 2B, kính tặng thầy Phúc! - Tuan Phan.