Được sự giúp đỡ của Ban giám thị Trại, tôi đã có một cuộc trò chuyện khá lâu với hai người đàn bà này và tôi không coi đó là cuộc trò chuyện của một nhà báo với hai nữ phạm nhân mà là cuộc nói chuyện của ba người đàn bà, ba người đã và đang làm mẹ.
Nguyễn Hải Yến và Nguyễn Thị Hương. |
Trong nước mắt chứa chan, họ nói nhiều về lỗi lầm của chính họ - không chỉ với pháp luật mà còn với chính những đứa con mà họ đã rứt ruột sinh ra nhưng không tròn bổn phận làm mẹ. Tôi tin, đó là những giọt nước mắt sám hối và tôi hiểu, người đàn bà khi đã ở tù, nỗi bất hạnh dường như tăng lên gấp đôi. Và đó chẳng phải là bài học cảnh tỉnh đau đớn hay sao?
Cuộc trò chuyện giữa tôi và hai nữ phạm nhân: Nguyễn Thị Hương, 31 tuổi, trú tại 83 Tôn Đức Thắng Hà Nội và Nguyễn Hải Yến, 33 tuổi, trú tại khu tập thể Kim Giang, Hà Nội diễn ra vào một buổi chiều muộn, trong bốn bề toàn núi với rừng. Cách nơi ba chúng tôi ngồi chỉ một khoảng sân, các nữ phạm nhân sau giờ lao động trở về đang ngồi hóng gió bên những khóm hồng đỏ rực, có người còn bồng con nhỏ, đùa giỡn hít hà. Còn Hương, tôi chưa kịp hỏi gì thì cô đã khóc. Trung tá, giám thị Nguyễn Thị Can, người phụ trách khu giam nữ, bảo "Con trai Hương ở ngoài Hà Nội đang bệnh nặng. Trại cũng vừa mới nhận được điện báo chiều nay. Biết tin con, Hương buồn lắm".
Trước khi ở tù, Hương nghiện ma túy nặng. Sự tàn phá của ma túy còn in dấu rất đậm trên gương mặt cô. Mới ngoài 30 tuổi nhưng trông Hương tàn tạ đến thê thảm. Da đen sạm, mặt mũi hốc hác. Ấy thế mà các cán bộ quản giáo ở phân trại còn bảo, bây giờ trông Hương còn khá hơn nhiều so với lúc mới vào trại, Hương thành thật: "Ở ngoài, em nghiện nặng quá mà không có tiền, lúc nào cũng đói thuốc nên cứ như cái xác không hồn ấy". Vào trại, Hương đã cai được ma túy, cũng chẳng còn cảnh cơm đường cháo chợ như lúc ở ngoài xã hội nữa nên sức khỏe của cô cũng đã bình phục được ít nhiều...
Ở Hà Nội, nhà giữa phố lớn, có đầy đủ cha mẹ, anh em nhưng tuổi thơ Hương là cả một chuỗi ngày triền miên trong đau khổ, bất hạnh. Nhà có ba anh em, chỉ mỗi mình Hương là con gái nhưng tính tình Hương ương bướng từ nhỏ. Lúc Hương lên 8 tuổi thì cha mẹ bỏ nhau, sau nhiều năm trời triền miên cãi vã.
Anh và em Hương ở với mẹ, còn Hương thì ở với cha. Hương bảo, suốt từ nhỏ đến lớn, cô hầu như chả được ai chăm sóc, quan tâm, dạy bảo. Hương cứ thế lớn lên như cây hoang cỏ dại giữa một độ thị phồn hoa và không ít cạm bẫy. Lúc cô 17 tuổi thì cha chết. Mẹ cô vì quá vất vả với cuộc mưu sinh nên cũng chả có thời gian để ngó ngàng đến con. Ít lâu sau thì mẹ cô cũng qua đời vì bệnh tật, Hương chính thức trở thành người không gia đình, mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Lúc này, Hương kể, em đã mắc vào ma túy rồi. Ban đầu, chỉ chơi để giải sầu thôi nhưng rồi nghiện, mà nghiện nặng. Mỗi ngày phải đốt đến vài trăm nghìn vào ma túy mới đủ phê. Mà cái giống đã nghiện thì thường có xu hướng tăng liều. Hôm nay chích 200 nghìn là đủ nhưng ít lâu sau phải tăng lên 300 nghìn mới đã. Bạn bè Hương thì toàn những bụi đời, lấy trộm cắp làm nghề mưu sinh. Thế nên, Hương sa ngã rất nhanh.
Năm 21 tuổi, lần đầu tiên Hương biết đến mùi tù. Cô bị bắt vì tội cướp và bị phạt 46 tháng tù giam. Nhớ lại lần đầu tiên bị bắt, Hương kể: "Lúc ấy em sợ lắm. Em biết tội tình gì cũng vì nghiện mà sinh ra cả thôi. Vào tù, không có ma túy, em cai được, mừng lắm và tự hứa với mình ra tù sẽ làm lại cuộc đời". Năm 2000, được mãn hạn tù, Hương trở lại Hà Nội. Cha mẹ chết, anh em tan đàn sẻ nghé.
Như con ngựa hoang đã quen chân, lại gặp lại đám bạn bè cũ với bao nhiêu cám dỗ và cạm bẫy, Hương không giữ được mình nên lại sa chân. Nghiện ngập trở lại, Hương bết hơn trước nhiều, lúc nào cũng triền miên trong cơn đói thuốc. Những khi ấy, Hương bảo, đầu óc trở nên hoang dại, sẵn sàng làm bất cứ điều gì miễn sao có thuốc để chích. Và, cũng từ đó, Hương bắt đầu dấn thân vào con đường buôn ma túy, trước hết là để kiếm tiền thỏa cơn nghiện. Hương thuê nhà xuống Thanh Xuân ở và hàng ngày bán lẻ heroin cho các con nghiện ngay tại nhà.
Cũng vào thời điểm này, Hương quen người đàn ông mà sau này trở thành bố của con trai cô. Gái giang hồ gặp trai tứ chiếng, sống dật dờ với nhau, không hôn thú cũng chả cưới xin gì. Ít lâu sau thì cô sinh ra một bé trai kháu khỉnh. Chỉ tiếc rằng sự ra đời của đứa con cũng không làm cho cô tỉnh ngộ để trở về cuộc sống lương thiện. Cô vẫn buôn ma túy để lấy tiền nuôi con, nuôi người tình và thỏa cơn nghiện của chính mình. Và rồi, tháng 3/2004 thì Hương bị bắt quả tang khi đang bán heroin cho con nghiện.
Lúc ấy, con trai cô mới 3 tuổi. Bố của con trai cô sau đó cũng bỏ đi mất tăm... Kể lại chuyện này, Hương khóc. Cô bảo: "Con em có cha có mẹ đủ đầy mà cũng như trẻ mồ côi". Nhờ chính sách nhân đạo của Nhà nước, sau đó thằng bé được đưa vào làng trẻ Becla để nuôi dạy. Cứ chiếu theo bản án đã được tuyên bố là 17 năm tù giam thì phải 15 năm nữa Hương mới được mãn hạn tù. Khi ấy, thằng bé đã ngoài hai mươi tuổi. Cô lo không biết nó có còn nhận cô là mẹ hay không vì cô là một người mẹ tồi tệ. Cô đã sinh ra nó mà không tròn bổn phận làm mẹ.
Bây giờ ở trong tù, cô hay tin con cô bị bệnh nặng, một căn bệnh gì đó cô không biết gọi tên chính xác nhưng cô biết là rất hiểm nghèo. Làng trẻ Becla đã gửi thư thông báo cho cô như vậy. Cô bảo rằng khi phạm tội, cô không chỉ mắc tội với pháp luật mà còn mắc tội với chính con trai mình...
Cũng phạm tội về ma túy như Hương nhưng hoàn cảnh của Nguyễn Hải Yến còn ngặt nghèo hơn. Yến người gầy quắt queo, thấp bé. Lên Trại Thanh Hóa năm 2003 thì chồng cũng bị bắt năm 2004, cũng vì tội ma túy. Bây giờ chồng Yến cũng thi hành án ở cùng Trại, nhưng ở hai khu khác nhau. Từ ngày chồng chị bị bắt,Yến không còn ai thăm nuôi. Yến cười, đau xót: "Em vôi gia cư lâu rồi". Rồi cô khóc khi kể về cha mẹ. "Sinh em được 3 tháng thì cha mẹ em bỏ nhau. Mẹ bỏ em lại cho ông bà ngoại ở Kim Giang để đi lấy chồng. Cha cũng vào Hà Đông lấy vợ. Từ đó, cả hai không bao giờ ngó ngàng đến em nữa".
Nhưng theo lời Yến thì tuy thiếu thốn tình cảm của cha mẹ nhưng em được ông bà và các dì nuôi cho ăn học đầy đủ. Học xong THCS, không thi được vào THPT Yến còn được ông bà cho một kiốt nhỏ ở Kim Giang để mở cửa hàng. Nhưng Yến ham chơi hơn ham làm nên rồi cuộc đời rẽ sang ngã khác. Cô thường xuyên bỏ cửa hàng để đi đêm với đám bạn bè xấu. Và rồi, để có tiền ăn tiêu, cô tham gia vào các nhóm tội phạm.
Năm 1997, cô bị phạt tù vì tội trộm cắp. Ra tù được vài tháng cô lại tái phạm cũng về tội trộm cắp phải vào tù. Năm 2000, Yến được mãn hạn tù nhưng cô cũng không làm lại cuộc đời. Cô về sống chung với Tạ Chí Dũng nhà ở ngõ Trung Tả. Dũng nghiện ma túy nặng, lại đã từng ra tù vào tội nhiều lần và cũng chả có nghề nghiệp gì. Yến theo Dũng về ở ngõ Trung Tả và cô trở thành một trùm bán lẻ ma túy ở con ngõ này.
Đầu năm 2002, Yến bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy bắt quả tang tại nhà riêng. Lúc ấy cô vừa mới sinh em bé trai Tạ Hoàng Anh được 5 tháng. Cô vào trại mang theo cả đứa con trai bé bỏng. Nhưng rồi, vào trại cô lại phát hiện ra mình mang thai được hơn 1 tháng. Sau gần một năm tạm giam, cô sinh bé gái thứ hai đặt tên là Tạ Hoàng Ánh ngay trong Trại tạm giam Hà Nội. Cơ quan chức năng đã phải tìm đến tận nhà mẹ đẻ của Yến ở phường Trung Liệt đề nghị bà đón hai cháu ngoại về nuôi nhưng bà đã từ chối...
Và Yến, ở trong trại giam cô phải đèo bòng thêm hai đứa con nhỏ. Cô bảo, em ở tù, Nhà nước đã phải nuôi em lại còn phải nuôi thêm các cháu nữa. Chịu bản án 15 năm tù giam, cô phải đi thi hành án tại Trại giam số 5 Thanh Hóa. Ngày lên trại là một ngày rét căm căm. Cô xách một bọc tã lót, phía trước ngực địu cháu Ánh còn tay dắt cháu Hoàng Anh, hai bầu sữa căng tròn và nước mắt chứa chan. Quản giáo ở Trại giam ai cũng thương mẹ con cô. Ngoài tiêu chuẩn trại cho ba mẹ con, những cán bộ quản giáo thường xuyên cho quà các cháu nhỏ, khi thì hộp bánh, lúc thì áo quần, đồ chơi.
Trại dành kinh phí xây hẳn một khu nhà trẻ khang trang, nằm tách biệt khỏi khu giam để cho các cháu bé con phạm nhân ở. Hai cháu Ánh và Anh con của Yến cũng được ở đây. Cuối tuần, vào ngày nghỉ lao động, mẹ con đón nhau về đoàn tụ. Yến bảo nhờ có chính sách nhân đạo của Nhà nước mà hai hai con cô cũng được học hành, vui chơi, nuôi dạy tử tế chứ nếu không thì các cháu cũng rơi vào cảnh không nhà, không nơi nương tựa mà thôi vì cô còn ở tù hàng chục năm nữa, không biết rồi chuyện học hành của các con cô sẽ ra sao vì Trại chỉ có Trường Mẫu giáo thôi. Cô bảo, đúng là cô mắc tội với hai con.
(Theo An Ninh Thế Giới)