Thẩm mỹ không xâm lấn ngày càng phổ biến và được ưa chuộng nhờ ưu điểm không cần phải đụng đến dao kéo để can thiệp vào các bộ phận trên cơ thể, nhờ đó tiết kiệm thời gian và cả chi phí. Do không đụng đến dao kéo nên thẩm mỹ không xâm lấn thường được cho là an toàn hơn so với phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ June Hà Phượng - Giám đốc chuyên môn tại một trung tâm thẩm mỹ tại TP HCM - nhận định xu hướng làm đẹp này vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định, không nên chủ quan kẻo "tiền mất, tật mang".
Thẩm mỹ không xâm lấn phụ thuộc nhiều vào máy móc nên chuyên gia nhận định việc sử dụng những máy móc không đạt chuẩn cũng nguy hiểm không kém việc giao nhan sắc cho những người không có chuyên môn. "Những máy móc, thiết bị chưa đủ giấy phép tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe tạm thời hoặc vĩnh viễn. Biến chứng gây ra bởi những hệ thống này có thể kể đến như: bỏng nhiệt nóng hoặc nhiệt lạnh, giới hạn vận động cơ, bầm, xuất huyết, hoặc ảnh hưởng đến tim mạch và có thể làm trầm trọng hơn những bệnh về u bướu", bác sĩ lý giải.
June Hà Phượng cũng kể lại một số những trường hợp biến chứng cô từng gặp: "Trường hợp khiến tôi buồn nhất là bệnh nhân gặp biến chứng không thể phục hồi ở vùng mắt khi thực hiện thủ thuật tiêm thẩm mỹ mà không quan tâm người tiêm cho họ là ai. Một trường hợp khác là bệnh nhân bị giới hạn vận động do tổn thương gây ra bởi sử dụng máy giảm béo không đạt các chứng nhận an toàn của các tổ chức y tế thế giới. Tôi cũng từng điều trị cho bệnh nhân tổn thương vĩnh viễn không thể hồi phục được ở cơ, hệ thống mỡ, dây chằng do biến chứng thẩm mỹ không xâm lấn. Có trường hợp bệnh nhân bị sưng phù, liệt cơ mặt một bên do điều trị HIFU quá mạnh ở vị trí xung quanh tai. Trường hợp này xảy ra khi bệnh nhân điều trị bằng hệ thống máy không rõ nguồn gốc và mất 6 tháng để họ phục hồi hoàn toàn".
Để đảm bảo an toàn khi thẩm mỹ, chuyên gia khuyến cáo chị em cần đến các cơ sở y tế uy tín, công khai về thông số, giấy phép thiết bị cũng như được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa, được đào tạo và có chứng chỉ hành nghề rõ ràng.
Bác sĩ June Hà Phượng có hai năm làm bác sĩ siêu âm tim & mạch máu tại Khoa thăm dò chức năng, Bệnh viện Thống Nhất trước khi chuyển sang lĩnh vực thẩm mỹ. Hiện cô đảm nhận vị trí Giám đốc chuyên môn tại một trung tâm thẩm mỹ tại TP HCM, chuyên thiết kế các liệu trình da và thẩm mỹ bằng thiết bị công nghệ cao.
Gần đây, cô là một trong hai bác sĩ đại diện Việt Nam có cơ hội trình bày tại Hội nghị khoa học quốc tế chuyên đề RF Microneedling tại Hong Kong, quy tụ hơn 100 bác sĩ, chuyên gia hàng đầu về da liễu, thẩm mỹ nội khoa, và phẫu thuật thẩm mỹ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tại hội thảo, bác sĩ June Hà Phượng đã báo cáo chuyên đề ứng dụng AI vào điều chỉnh phác đồ RF Microneedling nhằm giảm thiểu nguy cơ gặp tác dụng phụ, tăng hiệu quả trị sẹo rỗ và da lão hóa.
Duk Sun