Lê Ánh Hồng Hải
Trời ơi, lấy tiền bạc, thời gian trộn với tấm lòng mang ra chợ đổi được ít hộp sữa, ít bịch bánh, mang vào nhà sách đổi được mấy quyển tập tô màu, mấy hộp bút chì, gói ghém lại đem tặng mấy đứa trẻ ngặt nghèo mà cũng bị mấy cái giấy phép cản đường.
Cho đi cũng cần giấy phép nữa sao? Vậy xin nhận sẽ thế nào?
Mấy đứa nhỏ đang đợi mình. Và mình thì đợi mấy anh bảo vệ này. Thôi, qua sông thì phải luỵ đò. Hình ảnh trông mong của những đứa trẻ bệnh tật trong kia kéo mình thấp xuống một chút, thấp xuống với những lời năn nỉ và lời hứa không làm phiền an ninh trật tự. Và kết quả nhận được từ những gương mặt lạnh hơn lan can inox bệnh viện kia là một câu ngắn đến đau lòng: Đó là quy định.
Đôi khi quy định được sinh ra để làm khó nhau và cũng may là còn có một anh chàng nãy giờ đứng kề bên, vậy mà không thèm lên tiếng giùm. Anh này không cần năn nỉ ai. Xô anh chàng về phía những anh bảo vệ kia, mấy anh ngã nháo nhào. Cũng phải thôi, bởi tên anh là... Tiền.
Lòng hỏi, mấy anh ơi, nếu mấy anh phải như người cha đang bế đứa con đầu trọc lóc ngồi nhai ổ bánh mì cứng ngắt dưới gốc bàng kia, chắc mấy anh sẽ không làm vậy?
Cuối cùng thì những thùng quà cũng được mang xuống xe đẩy khi nắng đã in thẳng bóng người xuống cái sân xi măng chói chang. Mồ hôi tuôn ướt đầm cái sơ mi cũ nhàu nhất mà mình đã chọn trong tủ đồ để mặc sáng nay. Nhưng lòng mát lạ khi nghĩ đến những đôi tay hân hoan đón nhận.
Nhưng hỡi ơi, sao không là những đôi tay non nớt như mình mong đợi? Sao chỉ là những bàn tay chai sạm khô héo đang giành giật thế này?
Rồi những gói quà cũng biến mất thật nhanh như giọt mồ hôi tôi trên cái nền nắng. Phải mất mấy phút để ngỡ ngàng nhận ra họ là những bệnh nhân với cái đầu quấn khăn, những người nuôi bệnh với cái bình thủy và bịch cháo trên tay, những người chỉ sống và chữa trị bằng tình thương của những kẻ rộng lòng. Mái ấm của họ là đây, bởi ruộng vườn, nhà cửa đã đội nón ra đi mang về những đợt hoá trị, xạ trị.
Bởi họ tưởng quà kia là của họ, dành cho họ.
Những chiếc xe đẩy trống rỗng và cái nút áo của ai đó nằm lại đây đổ vào lòng tôi một cảm giác chua xót đến tột cùng. Chua xót bởi thấy mồn một nơi đây, ngay giữa TP HCM của năm 2010 những hình ảnh tưởng chỉ có trong Vợ nhặt của ông Kim Lân. Thương xé lòng những con người ở tận cùng của khổ đau và tuyệt vọng, những con người đã bị những cơn đau cướp lòng tự trọng đi mất rồi.
Có cái gì đó nằng nặng níu ánh mắt tôi trông lên lầu hai, nơi có những đứa trẻ đầu trọc và rất nhiều trong số đó đang mang kính đen bởi những tế bào di căn đã hủy hoại đôi mắt các em rồi. Các em đang đợi mình, đang đợi quà của mình. Mà mình thì tay không như vầy...
![]() |
Một bệnh nhi ung thư tại viện K, Tam Hiệp, Hà Nội. Ảnh: Fridaycafe. |
Thôi đành ngồi xuống đây, đốt điếu thuốc cho cơn hoang mang qua đi. Người cha bế con khi nãy bước đến gần tôi. Chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau, tôi đọc được trong ánh mắt anh một sự khẩn cầu. Tôi mở lời: Anh cần tôi giúp phải không? Bằng một giọng chực như sắp khóc, anh xin tôi giúp anh một đơn thuốc mà bác sĩ đã kê cho con anh từ sáng qua. Đơn thuốc chỉ có hai trăm nghìn (chữ "chỉ có" này là của tôi) mà túi anh còn đúng một đồng cắc có khía trên cạnh. Tôi nhìn sinh linh còm cỏi anh đang bế trên tay. Xin thề là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một gương mặt khác xa với con người đến như vậy. Khối u lớn trong miệng đã làm biến dạng hoàn toàn gương mặt em, gương mặt của một con người.
Anh cảm ơn và hứa mang ơn tôi suốt đời. Chỉ chừng đó mà anh "mang ơn suốt đời". Câu nói này làm tôi đau trăm lần hơn nhìn tình cảnh ngặt nghèo của anh.
Anh vội vã đi, rồi lại hai người đàn bà, một già một trẻ đến cũng cùng với một đứa bé trên tay. Ba người mới từ bệnh viện Nhi đồng chuyển qua đây sáng nay vì bác sĩ bên đó bảo rằng cháu bị ung thư máu. Đứa bé ba tuổi đẹp như thiên thần, nhưng là một thiên thần... mắc đọa. Bà ngoại nghèo và người mẹ trẻ suốt đời làm ruộng nơi miền quê Bến Tre ấy có chút kiến thức y học nào đâu. Vậy nên mới giàn giụa hỏi tôi rằng: "Bệnh này mau khỏi hôn chú?" Họ đâu biết rằng đây là thứ bệnh quái ác nhất trong tất cả các loại ung thư. Đành xót xa mà an ủi: "Thôi, ở hiền gặp lành, dì với chị cố gắng cầu nguyện Trời Phật phù hộ". Tôi trao họ tấm danh thiếp và hướng dẫn họ cách gọi những khi cần... Lòng nhẹ vơi hơn.
Tôi là người khách lạ trong ngôi nhà của những sinh linh vật vờ ấy nên lẽ thường sẽ được mọi người chú ý. Tôi không biết họ đang âm thầm chờ đợi... Họ chờ đợi sự sẻ chia bởi đã nhìn thấy sự chia sẻ. Một người, hai người rồi nhiều người nữa kéo đến... Chẳng đủ thời gian để hỏi thăm hay an ủi.
Vậy là không còn gì cho những đứa trẻ trên kia nhưng cũng tự khuyên lòng rằng với ai cũng được mà, cũng là những phận người cùng khổ cả mà. Mình vẫn còn đây với đôi tay và trái tim này mà.
Bước nặng nề theo cái bóng đổ dài gầy guộc, hơn bao giờ hết, tôi thèm có nhiều, nhiều hơn nữa những tiền.
Có một ai đó kéo tôi ra khỏi mông lung, níu nhẹ áo tôi. Một bà cụ già với một bên mắt băng trắng. Bà cụ ngửa tay trước mặt tôi. Tôi nhắm mắt lại và quay nhanh đi. Bà gọi với theo bằng cái giọng Huế đục ngầu run rẩy:
- Con ơi, cứu bà một lần ni thôi. Quay lưng lại, chảy ra khỏi lớp băng trắng là một dòng nước, không phải nước mắt bởi nó màu đỏ. Một vệt đỏ chói chang trên cái phông nền đen sạm và nhăn nhúm lại còn được chiếu sáng bởi cơn nắng hè. Đó là một bức tranh tôi không bao giờ muốn vẽ cũng như muốn xem.
Bất giác đưa tay vào túi quần rút chiếc ví nhưng giật mình trời ơi, có còn đồng nào đâu.
- Bà ơi, con xin lỗi... con xin lỗi...
Tôi vụt chạy ra xe.
Bà chạy theo tôi. Chạy như một người sắp đuối cố không để vuột mất chiếc phao cuối cùng.
Tôi bất lực trong lúc này nhưng vẫn bảo người lái xe dừng lại vì sợ bà cụ sẽ té ngã khi bám theo.
Tôi mang ơn ba má đã sinh tôi ra là một thằng nhạy bén. Vét sạch túi anh lái xe, tôi bước xuống dúi chúng vào tay bà.
Xe băng đi, đến ngã ba, quay đầu lại, tôi còn thấy bóng bà cụ quỳ lạy dưới lòng đường vói theo.
Mặt đường nhựa bốc hơi nóng mịt mờ, người xe hỗn độn nhưng hồ như bà đang quỳ giữa sa mạc không một bóng người, tuyệt nhiên không một bóng người. Rồi nắng sẽ mang bà về trời.
Và tất cả oan khiên sẽ khép lại.
Vài nét về blogger:
Lang thang để...trở về... - Họa sĩ Lê Ánh Hồng Hải.
Bài đã đăng: Bước xuống đời, Đôi tay, Các bạn hãy lên tiếng, chúng tôi sẽ lên đường, Nam, Cuộc chờ của Tùng, Khách sạn nghìn sao, Thư gửi má, Đức tin.