Hàng ngày, trẻ con phố Huế chúng tôi thường chơi nhảy dây, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê và chơi chuyền. Nhưng trò chơi mà chúng tôi khoái nhất là đi bấm chuông các nhà trong phố. Cứ 22h, anh Thành dẫn đầu lũ chúng tôi, kiếm những nhà nào có chuông điện, nhấn chuông rồi cả lũ chạy nấp vào một chỗ xem có ai bị mắc lừa ra mở cửa là đám trẻ con khoái chí, còn nhà nào không ra mở cửa thì tức ơi là tức. Được một thời gian, hàng phố đã quen trò nghịch ngợm của lũ trẻ nên chẳng thèm quan tâm nữa, trò chơi này cũng bị rã đám.
Hồi đó, anh Thành hay khởi xướng ra các trò tinh nghịch, được trẻ con trong phố gọi là "đại tướng Thành". Đại tướng này sở hữu rất nhiều những thành tích bất hảo, hết đánh nhau với trẻ con phố khác rồi lại đánh nhau trong trường. Anh còn trốn học, giành ăn với các em hay ăn gian khi đánh bài tú lơ khơ. Chúng tôi bị ăn hiếp nhiều lần, tức muốn chết nhưng quả thật chúng tôi lúc nào cũng nhiệt tình hưởng ứng các trò tinh nghịch của ông anh trai này.
Anh Hà Quang Thành và em út Ái Thanh. |
Anh cũng là nỗi ám ảnh của tôi và Ái Xuân trong những bữa cơm. Bởi gia đình ba má tôi đông con nên mỗi khi có tí "chất tươi" như thịt, cá thì việc của bà ngoại là chia cho mỗi đứa cháu khẩu phần một miếng cho cả bữa. Miếng ăn ngon, nên tôi và Ái Xuân bao giờ cũng để dành ăn sau cùng. Anh Thành vì ăn khỏe nên đã "tắc lẻm" thịt, cá ngay từ miếng đầu tiên. Rồi, rất nhanh, anh chộp luôn "của để dành" của chúng tôi trong bát bỏ tọt vào miệng. Hai đứa nhóc chúng tôi không biết làm sao, đi mách người lớn thì anh cũng chỉ bị phạt sơ sơ vì ai mà nỡ đánh trẻ vì miếng ăn bao giờ. Thế nên tình trạng "cướp giật" không cải thiện là bao. Có lần, tôi và Ái Xuân nháy nhau, hí hửng nói: "Miếng thịt này em liếm nước bọt rồi đấy nhé!", và đang rất yên tâm vì "bảo bối" này thì ông anh thoăn thoắt thò đũa sang "xuyên táo" một lúc cả hai miếng thịt của hai bát luôn. Bị ức hiếp quá đáng, lần sau tôi và Ái Xuân quyết định phản công. Hai đứa vừa âm mưu giật lại miếng ăn thì ai ngờ anh Thành bỏ tọt miếng đậu hũ kho vào trong miệng, ngậm một lúc rồi mới nhả ra bát và tỉnh queo nói: "Đấy, nhường cho hai đứa đấy!".
Tuy vậy, thỉnh thoảng anh cũng làm những trò có lý như làm đầu con sư tử cho chúng tôi rồng rắn chạy theo sau rước đèn vào những dịp Tết Trung thu. "Tướng" Thành cũng có ưu điểm là thường bênh vực các em và lũ trẻ trong phố. Chỉ cần biết đứa nào bị bắt nạt là "Tướng" sẵn sàng ăn thua đủ với đối phương để bảo vệ đám quân dưới trướng.
Nỗi đau khổ lớn nhất của tôi là bị người lớn bắt ngủ trưa. Trưa vắng mà chơi ngoài phố thì tuyệt! Có lần, tôi và Ái Xuân trốn ra ngoài chơi, bị anh Quang Văn bắt quả tang. Anh Văn xách cổ về bắt hai đứa nằm úp mặt xuống giường, kể tội rồi hỏi Vân và Xuân tự nhận đáng mấy roi, đương nhiên là chỉ dám nhận khiêm tốn nhất là 2 roi. Ăn roi xong, tôi chỉ dám khóc khe khẽ trong khi Ái Xuân thì gào lên, bảo thế nào cũng không nín, thế là Xuân bị phạt thêm 3 roi nữa vì tội ăn vạ. Ái Xuân tính cách mạnh hơn tôi nhiều, có lúc hai chị em cãi nhau, tôi tức quá, đánh Xuân một cái, lập tức Xuân xông vào uýnh tôi túi bụi. Sau bài học xương máu đó, cần gì, tôi không dám "chiến tranh" nữa mà đều phải thương lượng với cô em gái đáo để này trong "hòa bình".
Năm 7 tuổi, tôi tham gia vào Đội múa của CLB Thiếu Niên nên thứ sáu hàng tuần đều đi tập múa đều đặn. Được một năm, thì trường Múa Việt Nam tới tuyển sinh, tôi được chọn. Khi nhận được giấy gọi nhập học, tôi thích mê tơi, trong đầu đã tưởng tượng có ngày mình được mặc chiếc váy trắng muốt bay bổng trên sân khấu trong vở Hồ Thiên Nga. Chiều hôm đó, khi ba má nghiêm mặt thông báo không muốn cho tôi học múa vì: "Cả nhà theo nghiệp ca hát, con học múa hỏng hết giọng". Nghe các lời "phán" xong, tôi biết giấc mộng làm thiên nga của mình đã tan tành nên khóc mất mấy ngày trời.
Ái Vân (phải) bên hai nguời anh lớn Hà Quang Hiến và Hà Quang Sơn tại Hà Nội. |
Rồi tôi vào Trường Lý Tự Trọng trên đường Hàm Long học lớp Một B. Đi học rất thích nhưng vào vào mùa đông trời lạnh được cuộn trong chăn ấm thì vẫn thích hơn nên nhiều bữa lười, tôi chẳng muốn chui ra khỏi chăn bèn nằm im không dậy. Ba tưởng tôi bệnh nên tới trường xin phép cho nghỉ học, rồi lại đi mua nước phở về cho ăn với cơm nguội. Bình thường mỗi sáng đi học, bà ngoại đều sắp sẵn cơm cho ăn, bữa thì ăn cơm với dưa muối, bữa sang hơn thì bánh mì với sữa đậu nành. Nhưng cơm nguội chan nước phở mới là món ngon nhất nên thỉnh thoảng chẳng duyên cớ gì, mà chỉ vì thèm món ăn ấy, tôi và Ái Xuân lại "bỗng dưng muốn ốm".
Năm đó, Đoàn kịch nói Trung ương dựng vở Câu chuyện Iec-xkut của Nga. Trong vở diễn có cảnh hai em bé đi câu cá, nhân vật vừa có lời thoại, lại hát hò vui vẻ. Anh Sơn đưa tôi đi thi tuyển và tôi đã được chọn. Tôi hồi hộp lắm vì lần đầu tiên được diễn trên sân khấu với hai nghệ sĩ nổi danh thời đó là Anh Thái và Bích Châu.
Vở được công diễn trong thời gian khá dài nên cứ ban ngày tôi đi học, đến tối đi diễn. Đến chiều, cả nhà tôi chộn rộn cho việc ăn uống, váy áo và hóa trang cho tôi. Tôi được ba chở đến Nhà hát lớn bằng chiếc xe đạp Dura thân thuộc của gia đình, diễn xong là được bồi dưỡng ngay một cái bánh mì và cốc sữa, lại thêm cátxê 4 hào nữa. 4 hào này có thể mua được hai chục quả trứng vịt lộn cơ đấy. Oách lắm!
Tôi gặp... chuyện yêu đương vào năm mới 7-8 tuổi. Khi đó, tôi vừa vào lớp Một. Bữa đó buổi chiều, nghe thấy tiếng gõ cửa cộc cộc, mở ra thì là cậu bạn học cùng lớp tên Sướng. Bạn này trắng trẻo, mặt tròn, hiền khô, rất ít nói và thường ngồi cuối lớp. Cậu chẳng nói năng gì, đưa cho tôi một gói giấy rồi chạy biến đi. Tôi vội vã mở ra, đó là món đồ trang sức hình con ốc sên lấp lánh thường gắn trên cổ áo phụ nữ. (Có lẽ cậu bạn thó của chị hoặc của mẹ). Má tôi về hỏi ở đâu có món đồ đẹp vậy, sau khi nghe kể, má bắt tôi phải mang trả ngay lập tức. Tôi mang món "quà tặng" tới lớp đưa cho Sướng. Cậu nhất quyết không nhận, giằng co mãi, cuối cùng tôi lại mang về nhà. Sau việc đó, cả hai đứa tôi đều xấu hổ nên cũng... không chơi với nhau nữa.
Một bữa, ba đến đón tôi ở cổng trường thì bất thần có miếng ngói bay vèo tới, trúng thái dương tôi, máu chảy đầm đìa. Thủ phạm là một cậu bé chạy vút đi. Ba tôi tức tốc đuổi theo, tới ngõ Hàm Long thì mất hút. Hai mươi năm sau, trong một cuộc gặp mặt bạn bè học cũ, một anh bạn tên Đạt đã tới nói chuyện và thú nhận mình chính là thủ phạm ném ngói vào mặt tôi. Đạt bảo ngày xưa "thích Ái Vân lắm, nhưng lúc nào cũng có ba đi kè kè bên cạnh nên ném ngói vậy cho bõ tức! "Câu ca dao xưa: "Yêu nhau xin ném bã trầu. Chớ ném gạch đá vỡ đầu nhau ra" hóa ra rất thích hợp trong chuyện này. Trẻ con cũng có nhiều cách tỏ tình mà người lớn không thể nào hiểu nổi!
Vài ngày sau thì có bạn tên Điền gần nhà, qua nhà xin phép ba má đàng hoàng, để rủ tôi đi học hàng ngày và "bảo vệ" cho tôi! Bạn Điền mới 8 tuổi mà chững chạc ra phết. Tất nhiên, ba má tôi không đồng ý. Ba tôi vẫn hàng ngày là “cảnh sát trưởng” đưa đón và theo dõi từng li, từng tí cho mấy cô con gái của mình. Cho đến tận sau này, khi mấy chị em tôi đã trưởng thành, ba vẫn giám sát chặt chẽ. Anh nào đến tán tỉnh cũng đều bị ba tôi “tuýt còi” từ xa.
Ba luôn tạo mọi điều kiện để chúng tôi tập luyện ca hát và bộc lộ năng khiếu trong nghệ thuật và hết sức mình thương yêu cũng như bảo vệ các con, nhưng lại ít khi chỉ dẫn cách đối phó với những hữu sự muôn mặt trong đời thường. Có lẽ vì sống trong những vòng tay bảo bọc kỹ càng ấy mà chúng tôi đều khờ khạo khi ra ngoài đời và thường gặp những bất hạnh trong tình cảm đôi lứa...
Còn tiếp...
(Theo VnExpress.net)