Năm 1968, chiến sự đột nhiên trở nên ác liệt, lệnh tổng động viên được ban hành. Hà Nội lại tiễn con em mình lên đường nhập ngũ. Mỗi cuối tuần, phố nhà tôi lại chứng kiến từng đoàn xe buýt chạy qua, trên xe chở đầy những tân binh mặt non choẹt. Anh Thành tôi đang còn học lớp 10 thấy vậy cũng bồn chồn không yên. Trong lúc cả gia đình vẫn loanh quanh với cuộc sống trong thời chiến và chị em chúng tôi vẫn hát hát hò hò thì anh Thành đã bí mật khai tăng tuổi và chích máu ngón tay viết đơn xin đi bộ đội. Hôm anh nhận được giấy báo tin nhập ngũ, ba má tôi quá bất ngờ vì vẫn đinh ninh con trai mình đang chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp 3 (Thời đó chương trình phổ thông chỉ có 10 năm). Với các tân binh nhập ngũ thì chỉ sau vài tháng tập trung học quân sự là được đưa thẳng đến chiến trường B.
Ngày cả nhà tiễn anh Thành vào lính, thấy anh hớn hở và chỉnh tề trong chiếc sơ mi trắng, quần xanh, chẳng còn bóng dáng của "đại tướng Thành" tinh nghịch thuở nào nữa. Trước mắt tôi chỉ là một Hà Quang Thành, chàng lính mới tò te, luýnh quýnh và vụng về. Tự nhiên thấy thương anh quá. Tôi cứ cố cười cho anh vui nhưng nước mắt thì lại trào ra. Vậy là từ nay anh thôi nghịch những trò con nít, giã từ việc đi bấm chuông trộm, giã từ việc đi đánh nhau để khi về nhà bị phạt ăn roi, giã từ cả chơi bài tú lơ khơ ăn gian và chuyện giành ăn với các em nữa.
Chân dung Ái Vân. Ảnh chụp năm 1975. |
Lúc tiễn anh Thành đến điểm tập kết gần Chợ Mơ, tôi thấy trên mấy chiếc xe buýt đã gần kín các tân binh. Người đi tiễn đủ mọi lứa tuổi, thành phần đứng chật hai bên đường. Đó là những bậc cha mẹ, hay bạn học cùng trường hoặc những đồng nghiệp cùng cơ quan. Người cười, người khóc, nhiều người còn vừa cười vừa mếu máo lau nước mắt và dặn dò nhau đủ thứ chuyện trên đời. Giữa cảnh huyên náo, có anh chàng rất liều nhìn trước nhìn sau không thấy ai để ý bèn phớt vội một cái hôn trên má một cô bạn gái. Ba tôi đưa cho anh Thành cái túi trong đó có nắm cơm, cây quạt giấy và bi đông đựng nước rồi vội quay mặt đi như sợ con trai nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của mình. Má tôi lấy ra chiếc khăn mu-xoa gói ít tiền nhét vội vào túi áo trên ngực của anh vừa run run dặn dò: "Con đi nhớ viết thư về cho má nhé!".
Đoàn xe từ từ chuyển bánh trong những cái vẫy tay cuống quýt, tiếng í ới gọi nhau, vài người còn cố gắng chạy theo xe vẫy vẫy và dặn dò thêm điều gì. Tôi đứng như chôn chân nhìn chiếc xe chở anh tôi đang dần dần đi xa, thầm chúc anh lên đường mạnh khỏe và sớm trở về bình an. Đến lúc này, tôi mới càng thấm thía cái thực tế phũ phàng rằng chiến tranh không chỉ ở chiến trường xa xôi, không chỉ ở những nơi bom nổ, chẳng phải đâu đó ngoài đường phố. Chiến tranh đã đến đây, rất gần tôi, ngay chính tại gia đình tôi!
Cuối năm 1968, tôi và Ái Xuân học cấp II (bây giờ gọi là THCS) của trường Dịch Vọng, Từ Liêm, Hà Nội. Trường cách nhà khoảng 7 cây số nên ngày ngày tôi chở Ái Xuân đi học bằng xe đạp. Trong nhà mới sắm thêm được chiếc xe đạp màu xanh, hiệu Thống Nhất mua được bằng tiêu chuẩn nghệ sĩ của má tôi. Hai chị em được cả nhà ưu ái, cho đi chiếc xe mới này.
Anh Hà Quang Thành, anh trai ca sĩ Ái Vân. |
Chúng tôi được học tiếng Đức và hát một số bài hát tiếng Đức tại đây. Cũng tại mái trường này, tôi đã đoạt được giải Nhì học sinh giỏi Văn toàn thành, được thay mặt các bạn học sinh giỏi đọc báo cáo kết quả học tập trước lãnh đạo và các thầy cô tại Sở Giáo dục Hà Nội. Trong trường học, tôi và Ái Xuân được rất nhiều thầy cô và bạn bè quý mến vì khả năng văn nghệ, nhưng có một bạn trai tên Đỗ Bá Khang mới thật sự là niềm tự hào của nhà trường. Khang học và giải Toán rất giỏi. Bạn không chỉ có tài giải xuôi, giải ngược mà còn rất nhanh chóng đưa ra được những kết quả mà chính các thầy cô đều bất ngờ và thán phục. Chúng tôi đã trải qua những ngày tháng học cấp 2 rất yên bình như thế tại đây.
Mùa hè năm 1969, tôi và Ái Xuân được đi dự Trại hè ở Bãi Cháy. Lúc biểu diễn văn nghệ, tôi và Xuân trình diễn tiết mục Trăng sáng đôi miền của tác giả An Trung. Ái Xuân hát còn tôi múa. Xuân vừa hát được hai câu:
"Trăng lên lùa cành tre gió thổi sáo diều
Trăng soi cảnh miền quê lúa ngả mượt đồng…"
thì bỗng nhiên thấy giọng của Xuân run run, xìu đi và em ngã lăn đùng ra đất. Tôi đang múa nên không hiểu gì cả, thấy mọi người la lên ầm ĩ. Thầy giáo Phúc chơi guitar nhanh như cắt lao tới hất văng micro ra và đưa Ái Xuân đi cấp cứu tại trạm xá. Hóa ra là vì trời mưa lâm thâm nên điện bị rò rỉ. Ái Xuân hát gần micro nên bị điện hút vào. Hú vía, sau khi bị ngất xỉu thì Xuân cũng tỉnh lại. Chương trình liên hoan văn nghệ bữa đó hoàn toàn bị phá sản!
Trở về Hà Nội, chúng tôi lại tiếp tục tập hát múa. Dù đi trình diễn liên tục như thế, cả hai chị em tôi chẳng có bộ đồ nào coi được để lên sân khấu. Tất cả trang phục đi hát đều đi mượn. Ba tôi có người em bà con thường qua lại Indonesia nên cô mua đồ đẹp về cho con trai diện. Tôi bằng tuổi con của cô nên mặc vừa. Nhưng khổ nỗi là trang phục của con trai nên nhìn tướng mạo tôi đi diễn hết sức "hầm hố". Cả nhà thường chọc ghẹo tôi là con trai khiến tôi rất xấu hổ. Ái Xuân thì dễ hơn, nhỏ tuổi hơn nên má thường đi mượn đồ của nhiều người khác cho em mặc lên sân khấu.
Ái Vân (phải) và Phương Thư trong tiết mục chầu văn. |
Trong lúc đang thiếu thốn như vậy thì cô Nguyễn Thị Thập, Hội trưởng Hội Phụ nữ Việt Nam đã gửi tặng hai chị em tôi một miếng dạ đen để may áo lạnh. Món quà của cô được má Ái Liên mang về trong một chiều đông quý đến mức tôi vừa cầm vào đã cảm giác ấm áp vô cùng. Ngay hôm sau, má mang mảnh vải tới phố Liên Trì, dựa vào đôi bàn tay khéo léo của chị chủ tiệm là một Việt kiều Thái Lan, đã nên dáng nên hình hai chiếc áo lạ mắt. Các đường nẹp màu trắng nổi bật trên chiếc áo dạ màu đen khiến tôi và Xuân thích chí cười tít mắt.
Một hôm, cô Kim Anh, trưởng Đoàn Ca múa miền Nam đến gặp ba má tôi ngỏ ý muốn mời Ái Xuân và tôi tham gia một số buổi trình diễn với đoàn. Và để thuận tiện cho việc luyện tập hàng ngày, cô muốn hai đứa phải vào ở nội trú cùng đoàn ở khu văn công Cầu Giấy. Ba má tôi ngần ngại vì không muốn xa con, nhưng hai chị em thì háo hức lắm. Trước tài thuyết phục của cô Kim Anh và sự năn nỉ ỉ ôi của 2 chị em nên cuối cùng ba má cũng gật đầu đồng ý. Về đoàn Ca múa miền Nam, chị em tôi vẫn vừa học văn hóa, vừa thỉnh thoảng đi biểu diễn với đoàn. Vẫn là những tiết mục diễn chung bấy lâu nay, nhất là bài hát Tía em hết sợ.
Có lần chẳng hiểu sao, tôi được lên sân khấu đơn ca bài Xuân chiến khu của nhạc sĩ Xuân Hồng. Cảm giác được đơn ca trên sân khấu của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thật là khó diễn đạt: vừa sung sướng, vừa lo lắng và hồi hộp! Cô Kim Anh còn cho tôi mượn bộ quân phục lên trình diễn khiến tôi cứ đi đi lại lại, ngắm tới ngắm lui, mặt mũi cực kỳ nghiêm trọng trước ánh mắt diễu cợt pha chút... ghen tị của Ái Xuân. Đến cuối buổi diễn, cô phục trang phải dỗ mãi tôi mới chịu đưa trả lại bộ quân phục cho cô. Sau này, đúng là duyên nợ, tôi và đoàn Ca múa miền Nam còn gắn bó nhiều kỷ niệm khó quên nữa...
Còn tiếp...
(Theo Vnexpress.net)