Cuối năm 1966, lệnh sơ tán được dỡ bỏ. Chúng tôi được trở về Hà Nội đúng như mong ước của mọi người. Quay về ngôi nhà thân yêu, về cuộc sống của người dân thành thị, nhưng thành phố thì đã thay đổi: một thành phố của chiến tranh. Nguồn điện và nước không còn như xưa. Điện bị cắt thường xuyên, cả xóm nhà 36-38 phố Huế chứa tới gần trăm con người, giờ chỉ còn một chiếc vòi nước duy nhất chảy ri rỉ những dòng nước đục vàng khè toàn mùi rỉ sắt. Có lần tôi còn nhìn thấy trong nước ăn có lẫn cả những búi giun bé tí như những sợi chỉ màu đỏ. Mọi người, ai cũng như ai, xếp hàng hứng nước. Nhà nào cũng may một cái túi vải, đến lượt mình thì mắc cái túi ấy vào vòi nước để lọc giữ những chất bẩn. Mà dòng nước thì chảy chậm kinh khủng, đôi khi phải mất 15 phút mới hứng đầy xô nước. Nếu nhà nào chịu khó thì phải xếp hàng 2-3 lần hứng thêm cho đủ nước dùng trong ngày. Bởi vậy nên thời đó mới có câu thơ: "Ban ngày cả nhà lo việc nước. Tối đến cả nước lo việc nhà".
Ái Vân (trái) diễn cùng nghệ sĩ Đinh Thìn tại Nhật Bản năm 1979. |
Vì nhà tôi ở sát máy nước nên vô tình thường nghe được những chuyện "nắng mưa" của các nhà hàng xóm. Tất tần tật: chuyện gia đình, chuyện con cái, những lời đùa giỡn, những trận cãi vã. Đứng xếp hàng rảnh rang nên đôi khi mọi người xung đột nhau bởi những chuyện chẳng đâu vào đâu, thậm chí chỉ một lời nói chen ngang cũng có thể thành việc mâu thuẫn lớn.
Để có đủ nước dùng, bà con hàng phố quyết định đào thêm cái giếng ngay giữa sân, trước cửa nhà anh Sơn. Nước giếng tuy rất trong nhưng cũng chỉ dùng để giặt giũ và dội nước nhà vệ sinh. Cả xóm dùng chung 3 nhà vệ sinh, mỗi nhà có trách nhiệm đổ nước vào đầy bể trong một tuần. Sáng nào cả xóm cũng gặp nhau ở nơi tế nhị này, chào hỏi râm ran và tán mấy câu bâng quơ trong lúc xếp hàng chờ đến phiên mình. Nếu người nào trót ăn gì khiến bụng dạ "có vấn đề" thì tha hồ đi đi lại lại, mặt mày tái mét. Chỉ cần thoáng nghe tiếng người "đi trước" mở cửa để ra dội nước thì hàng xóm thương tình nhường cho... tiêu chuẩn khỏi phải xếp hàng!
Thời điểm này, xóm nhà 36-38 chúng tôi vẫn vẫn phải đào hầm. Hầm được đào ngay nền nhà ăn tập thể, tức là sân khấu rạp hát xưa kia. Chiếc hầm chiếm trọn chiều ngang gian nhà, được trát xi măng rất kiên cố. Hầm rộng, có thể chứa được 20 người. Những ngày có báo động, người lớn trẻ con hốt hoảng xuống hầm. Về sau, khi đã quen, việc chạy xuống hầm đã trở thành việc bình thường, thậm chí nhiều người còn mang cơm xuống ăn uống và chuyện trò rôm rả.
Căn nhà phía bên 36 phố Huế của gia đình, ba tôi cũng đào một chiếc hầm ngay dưới gầm giường để phòng khi báo động vào ban đêm. Đúng là xui khi chiếc hầm đào trúng phải mạch nước ngầm nhỏ nên thỉnh thoảng cả nhà lại phải múc nước đổ đi. Bà ngoại tôi để sẵn vài chiếc ghế đẩu nhỏ cho các cháu khỏi ướt chân. Khi có báo động, các anh chị em tôi xuống hầm, còn ba tôi ở bên trên phủ vội chiếc chăn bông và những chiếc gối, đề phòng có bom bi.
Ái Vân (phải) và ca sĩ Minh Thìn, đoàn Bông Sen tại Saigon năm 1975. |
Ngồi ở dưới hầm là cả một cực hình, vì căn hầm ẩm ướt, muỗi bay vù vù cắn sưng người, chân rất mỏi bởi phải ngồi xổm trên chiếc ghế đẩu. Một lần đang ngủ trưa trên võng, tôi chợt nghe loa truyền thanh dóng dả: "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 50 km! Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu! Mọi người cần nhanh chóng vào hầm trú ẩn và nghiêm chỉnh chấp hành lệnh của Ủy ban Phòng không nhân dân Thành phố…".
Bình thường khi nào máy bay cách Hà Nội 30 km thì mới phải xuống hầm, nhưng chắc hôm ấy máy bay bay… quá nhanh hay sao đó mà mới cách 50 km thì còi báo động của Nhà hát Lớn đã vang lên. Tôi đang nằm ngủ trên võng, nhào vội xuống, chẳng biết do cuống cuồng hay vì vẫn còn ngái ngủ mà ríu hết cả chân không chạy được. Má tôi vội chạy tới, nửa như cõng, nửa kéo lê tôi để cố chạy về phía căn hầm tập thể mà 2 má con chẳng nhích được là bao. Thấy cảnh dở khóc dở cười như vậy, tự nhiên cả má cả con bỗng bật cười rũ rượi. Vậy là hết quýnh quáng. Lại chạy được thoăn thoắt xuống hầm.
Thời gian này, "gánh hát mini" của gia đình tôi vẫn tập đàn, tập hát rất chuyên cần. Những tiết mục biểu diễn của Ái Vân - Ái Xuân cũng được biết đến nhiều hơn. Bên cạnh các bài ca cải lương thì Ái Xuân và tôi cũng thường song ca những bài nhạc mới để hát 2 bè. Lúc đầu, hai chị em tôi thường được mời tới hát cho các đoàn khách của Bộ Văn hóa hay Hội Nhạc sĩ tại số 51 Trần Hưng Đạo. Dần dần, chúng tôi theo má đi diễn trong một số chương trình nghệ thuật và các hội nghị.
Nhà thơ Bảo Định Giang quyết định nhận hai đứa chúng tôi làm con nuôi và đưa chúng tôi đi trình diễn khắp nơi. Gọi là trình diễn nhưng thực chất chỉ là đi hát chứ chưa bao giờ có cátxê. Để kịp có những tiết mục mới cho tôi và Ái Xuân, ba tôi và anh trai Hà Quang Văn đã sáng tác những nhạc cảnh cải lương phù hợp với đề tài chiến tranh. Những nhạc cảnh này đã gây được sự thích thú bởi được trình diễn bằng giọng Nam kỳ ngọt ngào của 2 bé con người Hà Nội.
Sau này, từ Miền Nam, nhạc sĩ Thanh Lý đã gửi ra tặng chúng tôi bài hát "Tía em hết sợ". Bài hát kể về một ông già Nam bộ vô cùng nhút nhát, mỗi khi thấy xe lội nước càn vào làng thì hoảng hốt và chạy trốn. Nhờ bà vợ và hai đứa con thuyết phục mãi, cuối cùng ông đã hết sợ và can đảm hơn. Lời bài hát có đoạn:
"Tía em chúa sợ xe lội nước
Nghe rù rù, ổng đổng mất tiêu
Cứ như thế, ổng dông tới chiều
Khi trở về vẻ mặt buồn hiu
Hết cự má em, lại rầy chúng em
Suốt mấy hôm liền cả nhà không yên"
Dưới sự hướng dẫn cả về diễn xuất, lời ca, điệu bộ rất ngộ nghĩnh của má và anh Văn, bài hát đã trở thành bài "hit" của hai chị em tôi và được trình diễn trong mấy năm liền, đi đâu cũng được yêu cầu hát bài này khiến chúng tôi rất khoái chí. Khi tôi vào trường nhạc thì vẫn còn đi hát với Ái Xuân bài hát này một thời gian ngắn nữa…
Chân dung ca sĩ Ái Vân. |
Ngoài việc đi hát, tôi và Ái Xuân cũng thường cùng má Ái Liên biểu diễn minh hoạ cho các buổi nói chuyện về lịch sử sân khấu cải lương hoặc về thi ca, nghệ thuật. Tham gia biểu diễn còn có cô Trần Thị Tuyết ngâm thơ với chất giọng ngọt ngào, nổi tiếng với bài thơ Quê hương của Giang Nam, có cô Châu Loan hay chị Lài Tâm trong các điệu hò Huế mượt mà, chị Diễm Lộc biến hóa thú vị trong những vai ấn tượng của các trích đoạn chèo.
Cũng trong thời gian này, thỉnh thoảng Ái Xuân và tôi cũng thu âm các bài hát hoặc các hoạt cảnh tại Đài tiếng nói Việt Nam. Duyên cớ đưa đẩy thế nào, hai chị em được mời làm cộng tác viên cho Chương trình Phát thanh Măng non của Đài. Chúng tôi có thể đọc giọng Bắc, giọng Nam và hát cải lương hoặc nhạc tân thời. Nhiều bữa đi học về, chúng tôi vào thẳng phòng thu tin tức của Đài tiếng nói Việt Nam trụ sở tại số nhà 39 phố Bà Triệu.
Có một lần, tôi và Xuân cắp sách từ trường qua thẳng Đài. Tôi vào phòng thu trước, còn Xuân ngồi ngoài chờ tới lượt. Khi công việc của tôi hoàn tất, các cô chú gọi Ái Xuân ời ời mà không thấy. Mọi người hốt hoảng đi kiếm thì thấy Xuân nằm chèo queo trên sàn của hành lang, đầu gối lên cặp sách, tay chống lên má, ngủ ngon lành…
Còn tiếp...
(Theo VnExpress.net)