21h một buổi tối thứ 4 giữa tháng 8 - ngày đầu tiên cậu bé Bốp, con trai 11 tuổi của nhà thiết kế Hà Minh Phúc quay trở lại với lịch học tập quen thuộc của mình. Nhưng khác với trước đây, hôm nay, sau khi kết thúc buổi học với gia sư, Bốp chạy ngay về phía mẹ với nụ cười rạng rỡ và biểu cảm háo hức. Chuyện là cậu bé muốn "trao đổi" với mẹ về những tính năng của chiếc điện thoại mới được mua bằng chính số tiền cậu bé kiếm từ việc làm bánh bán và hoàn thành thử thách "sống khác" mà bố mẹ đã đặt ra cho cậu suốt kỳ nghỉ hè. Bốp lém lỉnh bảo việc tự mua chiếc xe đạp và điện thoại giống như "ước mơ đã được thực hiện" và rằng "sẽ dùng điện thoại để nhắn tin cho mẹ Phúc mỗi ngày".
Trong khi đó, chị Minh Phúc dù vừa về tới nhà sau chuyến đi công tác và phải tranh thủ từng phút giải quyết "núi" công việc dồn lại vẫn cười tươi rạng rỡ vì những chuyển biến tích cực của các con sau một mùa hè đặc biệt. Chị Phúc hài lòng với kế hoạch dạy con bằng chính sự trải nghiệm mà chị ấp ủ hai năm bước đầu đã đem lại kết quả. Đó sẽ là nền tảng để bà mẹ ba con tiếp tục giúp con hoàn thiện các kỹ năng sống cần thiết. Hơn tất cả, chị Phúc mong muốn các con của mình lớn lên là những người sống có trách nhiệm, biết yêu thương và chia sẻ.
Ngược dòng câu chuyện về thời điểm vợ chồng chị Minh Phúc quyết định thay đổi cách dạy con của mình, chị cho biết: "Tôi quan niệm nuôi dạy con là một quá trình thực hiện từng chút một. Các con phải học hỏi mỗi ngày để biết những điều mới mẻ thì chính các bố mẹ cũng cần trau dồi kiến thức để tìm ra cách dạy con phù hợp. Những khóa học về giáo dục trẻ, những câu chuyện giữa tôi với bạn bè có chuyên môn và việc quan sát, lắng nghe mong muốn của con là định hướng để tôi biết mình cần phải làm gì. Cách đây hơn một năm, vợ chồng tôi đã quyết định phải làm 'cách mạng giáo dục cho các con': Thứ nhất là thay đổi về môi trường sống, thứ hai là thay đổi thói quen sinh hoạt, thứ ba là tạo nên những thói quen tốt và thứ tư là thay đổi môi trường học tập".
Chuyến đi đưa các con về sống ở miền núi Phú Thọ là một trong những việc được chị Phúc lựa chọn để tạo cho các con ý niệm về sự thay đổi môi trường sống. Cả gia đình 5 người gồm bố, mẹ và 3 con (Bốp, Bi, Bông) cùng nhau sống và làm các công việc giống hệt như một gia đình địa phương trong 2 ngày. Chị Phúc và chồng đồng hành cùng con suốt chuyến đi thay vì gửi con ở lại nhà người quen bởi chị muốn các con hiểu rằng dù thế nào, sướng hay khổ, bố mẹ vẫn luôn bên cạnh các con. Quãng thời gian 2 ngày tuy không dài nhưng bà mẹ Hà Nội cho rằng đó là đủ để những cô bé, cậu bé ở độ tuổi từ 11 trở xuống cảm nhận và ghi nhớ những khác biệt. Bởi mỗi đứa trẻ là "duy nhất" nên theo chị Phúc, việc quan sát các con sẽ giúp bố mẹ quyết định được nên làm gì.
Thời gian ở đây, các bé trải nghiệm đủ mọi hoạt động của một già đình nhà nông: cưỡi trâu, cho trâu ra đồng, tắm cho trâu, làm cơm lam, nấu cơm bằng bếp củi, cho gà ăn, quét nhà, đi hái măng... Cảm giác đầu tiên khi đến nơi của 3 anh em là "chán" vì cuộc sống nơi đây đối lập hoàn toàn với Hà Nội. Cậu bé Bi, con trai thứ 2 của chị Phúc, đặc biệt "dị ứng" với con đường lầy lội bùn đất mà chỉ cần giẫm chân xuống là bị tụt mất dép, không thể nhấc lên. Trong khi cậu anh cả, Bốp, có thể gạch đầu dòng chi tiết những điều khiến cậu thấy "chán". Hàng trăm thứ thắc mắc được 3 cô bé, cậu bé đặt ra cho bố mẹ: "Mẹ ơi, sao đường này nhiều cứt trâu thế?", "Mẹ ơi, đi vệ sinh cứ thế này hả mẹ?, "Mẹ ơi, tắm nước từ khe suối lạnh quá, con nhớ cái bồn nước nóng"...
"Trước đây, khi ở nhà, chốc chốc chúng lại kêu 'chán quá, chán quá' hay thường hỏi mẹ: 'Mẹ ơi, con có thể không ăn được không?'. Nhưng bây giờ, sau chuyến đi, mỗi lần con nói như vậy, tôi chỉ hỏi con rằng: 'Hay mình đổi lên Phú Thọ ở, cho các em xuống đây?', thế là chúng lại ngồi trầm ngâm suy nghĩ và tôi cũng không cần phải giải thích dài dòng. Như vậy, những bài học rút ra từ trải nghiệm khiến các con của tôi ghi nhớ lâu hơn", chị Minh Phúc chia sẻ về những cái khác của các con sau chuyến đi lên miền núi.
Nói thêm về hiệu quả giáo dục mà chuyến đi "sống khác" đem tới, chị Minh Phúc nói rằng với độ tuổi còn nhỏ của các con và 2 ngày sống ở Phú Thọ, chị không kỳ vọng các con sẽ có thể thay đổi hoàn toàn suy nghĩ, hành động từ trước đó. Tuy nhiên, điều mà chị tâm đắc là việc tận mắt chứng kiến và sống trong sự nghèo khó nơi thôn quê đã gieo cho các con của chị ý niệm về những việc mà chúng có thể làm để giúp đỡ mọi người. Cậu bé Bốp thậm chí đã nói với mẹ: "Hay là tặng tiền tiết kiệm của con cho các bạn", "Hay là không mua điện thoại nữa"... Bà mẹ ba con tự hào với những suy nghĩ đó của con và quyết định vẫn thưởng cho con món đồ con mong muốn cùng một câu nói: "Vì con xứng đáng".
Mùa hè năm nay khép lại với nhiều kỷ niệm đáng nhớ cho cả gia đình chị Minh Phúc. Mỗi con của chị với cá tính riêng có cách đón nhận và lưu giữ bài học thực tế khác nhau, nhưng chúng chung một niềm vui khi bố mẹ dành nhiều thời gian ở bên cạnh chúng, cùng chơi cùng học. Chị Minh Phúc và chồng coi những điều thu hoạch được là "bàn đạp" để tạo thêm cho các con nhiều trải nghiệm, giúp chúng lớn lên từ thực tế.