Vân Trường
(Truyện ngắn của tôi)
Tôi vốn không phải là kẻ nói nhiều bởi tôi không biết nói mà chỉ biết sủa, rên "ư ử" hoặc vẫy đuôi thôi. Do vậy, tôi mới giải thích cho các bạn nghe một cách ngắn gọn như vậy đấy. Ngày hôm nay đối với tôi thật là thú vị. Thú vị bởi nó khác với ngày thường mà những gì khác thường đều thú vị cả. Chuyện là thế này.
Hôm nay là một ngày đẹp trời với tôi. Không phải vì thời tiết mát mẻ, nắng vàng, trời xanh. Những điều ấy tôi không hề quan tâm, bởi tôi biết những ngày thời tiết mát mẻ không tốt lành gì với tôi. Bạn biết đấy, nếu hôm nay là một ngày mát trời, xui xẻo hơn nữa là lại sau những ngày trăng tròn thì với bọn chó chúng tôi quả nguy hiểm. Nếu không cẩn thận, lang thang ra ngoài ngõ thì rất dễ bị những kẻ lảng vảng hai chân tóm đi với một cái thòng lọng.
Tôi từng nghe được chuyện tương tự đã xảy ra với anh Lu cuối xóm tôi. Do vậy, dù hôm nay trời nóng đến thè cả lưỡi (tôi phải dùng từ này vì bọn chó chúng tôi không có tuyến mồ hôi nên không nói "nóng toát hết mồ hôi" được), nó vẫn là ngày đẹp trời. Hơn nữa, buổi sáng nay, tôi còn thấy rất vui sướng là khác. Ấy là vì, lúc tôi đang nằm ngoài hiên nhà thì nghe tiếng chủ tôi trò chuyện trong nhà:
- Đứa thứ hai này nhất định mắt sẽ giống mắt anh, to tròn, sáng long lanh thế này, chứ không như con Bông giống mắt mẹ nó.
Đấy là tiếng ông chủ đang nói về một vị chủ nhân mới nữa còn đang nằm trong chỗ "tròn to" trên người bà chủ tôi. Tôi biết là họ vẫn hay đùa nhau như vậy sau nhiều lần nghe ngóng. Tôi thật chẳng hiểu sao người lớn lại vẫn hay đùa nhau như trẻ con vậy? Và như mọi lần, chắc chắn bà chủ tôi lên tiếng nói lại ngay cho đến khi nào ông chủ tôi chịu thua mới thôi. Nhưng lần này bà chưa kịp lên tiếng thì đã có người phản bác rồi. Đó chính là cô chủ nhỏ của tôi đang còn ngồi bô nói với ra:
- Không mắt con không giống mắt mẹ - giọng cô chủ tôi lanh lảnh.
- Sao mắt con lại không giống mắt mẹ - giọng bà chủ tôi ngạc nhiên hỏi. Điều này cũng khiến tôi ngạc nhiên không kém, do vậy tôi càng chú ý nghe ngóng hơn.
- Mắt con giống mắt con Bim cơ - cô chủ tôi gào to hơn để cố chứng tỏ ý kiến của mình.
Câu nói này khiến tôi giật cả mình, rồi trong lòng hân hoan vui sướng, không ngờ cô chủ lại nói như vậy. Ấy thế mà không hiểu tại sao ông bà chủ tôi nghe xong thì lại cười lớn. Thật khó hiểu. Việc cô chủ nói mắt giống mắt tôi thì có gì đáng cười nhỉ? Có lẽ vì thấy mắt tôi đẹp. Rồi tôi lại nghe tiếng ông chủ tôi hỏi lại:
- Sao con lại bảo mắt giống mắt con Bim.
- Thế ba không thấy mắt con toàn lòng đen à?
Cô chủ tôi đáp lại. Thì ra đấy là lý do, ông bà chủ tôi lại tiếp tục cười, còn tôi thì lấy làm hoan hỉ. Thế đấy, khi người ta vui thì dù hôm nay có là một ngày nóng đến thè dài cả lưỡi thì đó vẫn là một ngày đẹp trời.
Bởi đang vui như vậy nên tôi quyết là phải làm cho chủ tôi hài lòng về mình. Thế nên khi thấy ông chủ đi ra sân, tôi liền vẫy đuôi thật lực. Bạn biết đấy mỗi lần biểu lộ tình cảm đều là một cách tốt. Thế nhưng không phải với lần này. Khi nhìn thấy tôi hớn hở vẫy đuôi tít lên như vậy, ông chủ tôi lại mắng cho tôi một trận: "Bim, không được vẫy đuôi nữa, mày làm gãy hết cây của tao bây giờ".
Hóa ra cái đuôi tôi đang phe phẩy vào mấy cái cây hoa mười giờ mà ông chủ mới mang về. Dù chưa làm gãy cái lá nào nhưng tôi cũng chẳng dám thanh minh rằng mình không làm gãy chúng. Khi nghe giọng quát lên của ông chủ là tôi chỉ có nước cúp đuôi chuồn thẳng.
Nếu chuyện chỉ có vậy thì cũng chẳng đến nỗi nguy hại tới tính mạng tôi. Nhưng nguyên nhân thì vẫn ở mấy cây hoa mười giờ ý. Chúng bị gãy - nhưng không phải do tôi vì tôi đã cúp đuôi chuồn thẳng rồi còn đâu. Nhưng ông chủ tôi thì không nghĩ vậy, cho nên ngay khi nhìn thấy mấy cái cây mười giờ ngọn đi đằng ngọn, thân đi đằng thân là lập tức tên tôi được phát ra như "tiếng còi xe" của bà chủ vậy: "Bim, mày lại làm gãy cây rồi, ra đây mau".
Đương nhiên là tôi chẳng dại gì mà chui ra khi nghe tiếng gọi như vậy, tôi phải trốn cho kỹ chứ, tức là tôi đang chui thật sâu vào gầm tủ trong bếp. Một lúc sau, tôi không nghe thấy tiếng ông chủ xướng cái tên tôi nữa thì lại nghe thấy tiếng bước chân đi vào bếp. Thấy vậy tôi chỉ muốn sao cho mình có được cái tài ngụy trang của mấy con tắc kè để không bị trông thấy. Nhưng cái màu lông của tôi thì lại quá nổi bật trong gầm tủ. Tuy vậy, ông chủ tôi lại không quát mà dịu giọng gọi tôi: "Bim, ra đây nào. Bim bim, tao không làm gì mày đâu. Bim, chui ra đây nào...".
Đấy, nghe vậy sao tôi lại sợ được chứ. Những lời ngon ngọt bao giờ cũng khiến người ta an tâm hơn cả. Nhưng đối với tôi thì thật tai hại, vì quá cảm động trước những lời nói nhẹ nhàng ấy, tôi chầm chậm bò ra cho đến khi bàn tay ông chủ vỗ vỗ vào đầu tôi. Bàn tay ấy cứ vỗ nhẹ cho đến khi tóm được cái vòng cổ của tôi là lập tức tôi ăn ngay hai cái tát đau điếng vào mông kèm theo lời dạy bảo:
- Chó hư, không được làm gãy cây nghe chưa? Lần sau mà mày còn làm thế là xích lại nghe chưa?
Rồi ông chủ tôi bỏ lên nhà còn tôi thì chui vào gầm tủ mà ấm ức "lần sau tôi sẽ phải cảnh giác với những lời nói ngọt ngào". Nào tôi có làm gãy cây đâu cơ chứ, trừ cái lần tôi vặt cây tía tô ăn, nhai mấy ngọn rau mới lên và có lỡ giẫm chân lên mấy cây cải khi đuổi theo ả mèo hàng xóm... tôi đâu có phá hoại bao giờ và nhất là lần này.
Do vậy, tôi quyết phải tìm ra được kẻ nào làm gãy ngọn hoa mười giờ, nếu không tôi sẽ bị xích lại mà như thế khác nào "chết mòn" cơ chứ. Vì vậy, trong lúc ông chủ đi vào nhà, tôi mới len lén chui ra khỏi nơi ẩn náu đến gần chậu hoa mười giờ để đánh hơi xem có thấy gì không. Nhưng đúng lúc tôi đang hít lấy hít để cái chậu hoa thì lại một "tiếng còi xe" chói tai nữa vang lên: "Bim...".
Tôi chẳng dám nấn ná lại mà nghe tiếp vì chân tôi đã nhanh chóng tìm tới cái gầm tủ. Dù sao thì tôi cũng đã ngửi thấy cái mùi quen thuộc của bọn gặm nhấm. Nhưng làm thế nào để chứng minh cho ông chủ tôi biết bây giờ.
Vơ vẩn nghĩ một hồi, tôi thơ thẩn dạo bước đến đầu ngõ. Chỗ này có bóng mát nên các cụ già thường ra đây ngồi kể chuyện. Từ chuyện động đất, sóng thần ở đâu đâu đến chuyện trời nắng hay mưa, chuyện con trai ông này vừa mua xe, chuyện nhà bà X mua đến lắm dưa về muối... Nhưng nhiều nhất vẫn là chuyện nhà mình, có lẽ người ta thích kể lể phận mình.
Tôi hay theo cụ chủ ra đây (tức là mẹ của ông chủ tôi ý mà) nên thường nghe chuyện họ nói. Chỉ có điều, người già thường hay nghễnh tai, hơn nữa ai cũng muốn nói và nghe chuyện nhà mình nên chẳng mấy khi câu chuyện đi đúng chủ đề cả. Lúc tôi nằm xuống cạnh chân cụ chủ thì nghe đến đoạn này:
- Ấy, các bà xem con dâu bà Y đúng là đanh đá, ai lại cãi mẹ chồng như thế bao giờ. Bảo sao người ta nói phải chọn nhà nề nếp. Các cụ có câu "tốt mốc thì ngon tương" mà lại.
Cụ thứ hai tiếp lời gật gù:
- Ờ thì, con cháu ai chẳng thương.
Cụ thứ ba hỏi lại:
- Hả, bà bảo gì?
Cụ thứ tư ghé sát tai bảo lại:
- Ao rộng thì lắm ếch ương.
Lúc ấy, cụ bà kia mới cười nói:
- Ờ, chó già thì lắm xương.
Tôi đang lơ mơ nghe nói đến mình thì giật mình ngẩng đầu lên ngơ ngác. Cụ chủ tôi vẫn đang gật gù nói chuyện như chưa hề nhắc tới tôi vậy. Nhưng giờ thì tôi biết mình cần làm gì rồi. "Chó già thì lắm xương", các cụ già vốn có kinh nghiệm mà chỉ cần cụ chủ nhìn vết cắn là biết do ai làm rồi. Giờ tôi phải thực hiện kế hoạch thôi.
Đầu tiên là tôi liếm tới tấp vào chân cụ chủ tôi rồi nhìn cụ chờ đợi. Tiếp đến cụ chủ tôi sẽ vỗ nhè nhẹ lên đầu tôi. Tôi sẽ vẫy đuôi rối rít và khẽ rên "ư ử", thế là chắc chắn cụ chủ đứng lên rời khỏi nhóm thông tấn xóm của mình để về nhà. Bạn có thể thắc mắc tại sao lạ vậy, đơn giản là tôi thường làm như vậy mỗi lần đòi ăn. Những cử chỉ dịu dàng này bao giờ cũng có tác dụng hơn là việc sủa ầm lên để đòi ăn. Tôi cũng phải có mánh riêng của mình chứ.
Nếu bạn thấy ai đó tự nhiên quan tâm đến mình hơn bình thường, chắc chắn họ đang cần điều gì đó ở bạn. Cụ chủ tôi thì hiểu rõ điều này vì thường chỉ có tôi và cụ chủ ở nhà thôi, ông bà chủ đi làm đến chiều tối mới về nên cụ chủ thương tôi lắm. Thi thoảng, cụ còn hay nói chuyện với tôi nữa, trong nhà chỉ có cụ và cô chủ nhỏ là nói chuyện với tôi thôi, có lẽ vì người già và trẻ con giống nhau hay sao ấy.
Thế đấy, khi cụ chủ tôi định lấy cơm cho tôi ăn thì ông chủ tôi xuất hiện và nói tôi cần phải bị phạt, không được ăn tối vì tội cắn gãy cây. Cụ chủ tôi liền bênh vực tôi còn ông chủ thì đưa vật chứng là mấy cái ngọn mười giờ bị cắn gãy. Vậy là, con người đầy kinh nghiệm sẽ giúp con trai mình phân biệt được đâu là vết răng chuột đâu là vết răng của tôi. Và tôi được minh oan.
Hoan hô cụ chủ! Giá mà tôi nói được, tôi sẽ nói thật to còn giờ tôi chỉ biết vẫy tít đuôi thôi. Nhưng có một điều không ngờ là cô chủ nhỏ của tôi lại nói một câu vô cùng cảm động thế này: "Ba phải xin lỗi Bim chứ, Bim không có lỗi mà".
Ôi, nghe mà sung sướng làm sao. Cụ chủ và bà chủ tôi thì cười. Ông chủ thì chỉ khe khẽ : "Ờ... thì... nó...". Có lẽ ông chủ tôi xấu hổ, khi xấu hổ người ta không dám nói thẳng những điều mình muốn nói. Còn tôi thì như đang "nhếch" hai cái mép đến tận mang tai.
Vài nét về tác giả truyện ngắn:
Tôi thích đọc sách và thỉnh thoảng viết vài dòng ghi lại những cảm nhận của mình về cuộc sống. Và thật thú vị nếu có ai đó cùng chia sẻ. Giống như ngắt một chiếc lá thả xuống nước làm thuyền vậy, liệu có ai đó nhìn thấy con thuyền mình đã thả. Hy vọng có ai đó thích câu truyện của tôi.
Bài đã đăng: Nhà ngoại, Đặt tên, Điều nên nhìn thấy, Chocolaccino.