Trại giam Thanh Xuân, Hà Nội. |
Từ 10 năm nay, Trại Thanh Xuân là trại giam duy nhất ở miền Bắc đã và đang được giao nhiệm vụ giam giữ, cải tạo hơn 200 phạm nhân là những người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam bị phạt tù với đủ mức án từ vài năm tới chung thân. Nghề coi tù vốn dĩ đã là nghề vất vả, nhưng coi tù ngoại thì còn phức tạp hơn nhiều...
Dáng người to béo, đi lại nhanh nhẹn và đặc biệt là nụ cười rất tươi, có cảm giác với Xiêng Phênh cuộc đời chẳng có gì phải lo nghĩ. Trong số hơn trăm phạm nhân người nước ngoài đang thụ án ở Trại Thanh Xuân bây giờ, có lẽ Xiêng Phênh là phạm nhân... nổi tiếng nhất.
Xiêng Phênh bằng một giọng lơ lớ như người dân tộc nói tiếng Kinh, anh ta nói rành rọt: “Em bị bắt ngày 18/1/1995, đến hôm nay em đã vào tù 11 năm 6 tháng 12 ngày. Tội của em không bị bắn là may lắm rồi”. Và trong suốt câu chuyện dài 1 tiếng đồng hồ, Xiêng Phênh luôn cười.
Nhìn vẻ mặt béo tốt với nụ cười vô tư của Xiêng Phênh, khó mà hình dung được 10 năm trước, đây là một trùm ma túy và đã đưa từ Lào sang Việt Nam tới nửa tạ heroin. Xiêng Phênh bảo cho tới bây giờ vẫn nhớ nhất hai lần, đó là lần bị xốc nách để đi ra trường bắn; còn lần thứ hai là lần nhận được lệnh ân xá, giảm án xuống chung thân.
Từ lời khai của Xiêng Phênh mà sau đó Công an Hà Nội đã triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia của Vũ Xuân Trường. Cũng nhờ lời khai ấy mà Xiêng Phênh được giảm án xuống chung thân (cho tới bây giờ, việc một tử tù được tạm dừng thi hành án đúng lúc chuẩn bị ra pháp trường, rồi giảm án xuống chung thân như Xiêng Phênh cũng là trường hợp khá hy hữu).
Thấm thoắt đã gần chục năm Xiêng Phênh về thụ án ở Trại Thanh Xuân. Từ ngày vào trại, không chỉ được học chính sách, pháp luật, mà còn được học tiếng và học chữ Việt nữa nên bây giờ anh ta có thể đọc được báo, viết được chữ Việt Nam. Mấy năm nay, năm nào vợ cùng ba con gái, ba con rể và ba cháu ngoại cũng rồng rắn một xe ôtô sang thăm một lần.
Không có được vẻ vô tư như Xiêng Phênh, phạm nhân Tráng A Sua, cũng quốc tịch Lào là phạm nhân có thâm niên ở trại Thanh Xuân lâu nhất trong số hơn một trăm phạm nhân ngoại. Ngày 10/9/1997, Tráng A Sua bị Công an huyện Nghĩa Lộ (Yên Bái) bắt khi đang xách 2 kg thuốc phiện sang Nghĩa Lộ tìm người mua.
Tháng 3/1998, nhập trại Thanh Xuân với cái án 15 năm tù. Cũng như Xiêng Phênh, Sua tỏ ra ăn năn về tội lỗi, nhưng khi nhắc tới gia đình, mặt anh ta thẫn thờ vì “thương chúng nó lắm”. 6 năm ở trại, vợ con cũng sang thăm được 3 lần, nhưng nhà nghèo lắm nên mỗi lần chỉ gửi được cho vài trăm nghìn thôi, còn đều trông vào tiêu chuẩn của trại. Sua bảo chỉ mong sớm được về để giúp vợ làm lụng nuôi con, chẳng bao giờ dám động tới thuốc phiện nữa.
Do phần lớn là án ma túy, hoặc chưa đủ thời gian xem xét, nên lần đặc xá này trong số phạm nhân người nước ngoài chỉ có 2 phạm nhân người Trung Quốc là Khuất Văn và Lý Văn Bào, án tiêu thụ tiền giả đủ tiêu chuẩn xét đặc xá.
Trong số hơn trăm phạm nhân ngoại, mang quốc tịch Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc; Philippines. Ngoài 26 phạm nhân thụ án chung thân, còn có 20 phạm nhân thụ án từ 20 tới 30 năm; 51 phạm nhân có mức án từ hơn 7 năm tới dưới 20 năm... Nếu như phạm nhân người Lào phần đông thụ án vì tội buôn bán, vận chuyển ma túy thì phạm nhân người Trung Quốc đều chịu án vì tội lưu hành tiền giả.
Vì ngôn ngữ bất đồng nên ở Thanh Xuân, Ban giám thị cho dịch toàn bộ quy chế trại giam ra tiếng Anh, Trung Quốc, Lào, Campuchia và phát cho từng phạm nhân khi mới nhập trại cầm về học và coi đó là “tài liệu gối đầu giường”. Trại còn tổ chức cho phạm nhân học chữ Việt Nam mỗi tuần ba buổi tối trong vòng 4 tháng.
Dạy tiếng đã khó, dạy nghề cũng vất vả không kém. Công việc khâu bóng da tuy không vất vả nhưng đòi hỏi kỹ thuật. Do đó muốn dạy được nghề cho phạm nhân thì phải kết hợp dạy tiếng, kèm theo các thao tác kỹ thuật nên công việc đã vất vả càng vất vả hơn.
Nhưng như thế vẫn chưa phải đã hết. Trung úy Nguyễn Anh Tuấn, Quản giáo Đội 8, kể rằng năm ngoái đội của anh có một phạm nhân người Lào thụ án chung thân vì buôn ma túy. Vào trại được một thời gian thì vợ anh ta gửi thư sang thông báo là sẽ đi lấy chồng khác. Vậy là quản giáo Tuấn lại phải vào vai một nhà tâm lý học để khuyên bảo, mất tới vài ngày phạm nhân ấy mới nguôi và viết thư về chấp nhận để vợ ly hôn.
Để phạm nhân yên tâm cải tạo, cũng là thể hiện sự nhân đạo của pháp luật Việt Nam, hàng tháng, ngoài tiêu chuẩn chung, Ban giám thị còn trích quỹ sản xuất để bổ sung khẩu phần ăn cho phạm nhân người nước ngoài. Bởi phần đông trong số hơn trăm phạm nhân ngoại đều không có người thân thăm nuôi, đều trông vào tiêu chuẩn của trại. Nếu chỉ nuôi ăn thì không phải là khó.
Nhưng không ít phạm nhân trước khi vào trại đã mang bệnh, vào trại bệnh mới phát, vậy là trại phải trích từ quỹ sản xuất ra chi thêm tiền thuốc men, và cái khoản này mới thật là tốn kém. Năm 2001, phạm nhân Hoàng Thế Đức, người Trung Quốc, bị lao phổi phải đưa đi cấp cứu, cắt một bên phổi. Tới khi thanh toán viện phí hết tới hơn 30 triệu đồng trong đó phần lớn được lấy từ tiền của trại.
Nhưng với những tội phạm đã rõ địa chỉ như vậy khi trao trả còn dễ. Bởi khi báo cho Đại sứ quán theo quy định của pháp luật, họ xác minh đúng địa chỉ thì đến ngày trả tự do, họ sẽ đến nhận công dân về là xong. Nhưng có trường hợp khi bị bắt một nơi, khai hộ khẩu một nơi không thể giao lại cho Đại sứ quán nước họ phải tạm thời tổ chức quản lý ngoài khu vực giam giữ chờ giải quyết.
(Theo Công An Nhân Dân)