![]() |
Phòng thư giãn trên chiếc Airbus A340 của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. |
Nhiều nguời không thể tưởng tượng loại máy bay A380 có thể chở 555 hành khách bay xa 15.000 km trị giá trên 290 triệu USD/chiếc mà 16 hãng hàng không quốc tế đã đặt mua 249 chiếc để kinh doanh thương mại kể từ cuối năm 2006 lại có thể là sở hữu riêng của vài cá nhân siêu giàu nào đó. Nếu đã không xuất hiện những khách hàng tiềm năng thì làm gì có chuyện nhà thiết kế người Pháp Jacques Pierrejean phải bận rộn phác hoạ sơ đồ nội thất máy bay đắt tiền dành cho người siêu giàu. “Máy bay riêng đang trở thành những căn hộ sang trọng biết bay”, Pierrejean nhận xét.
Ở New York, Edése Doret tiết lộ việc cô phụ trách phần thiết kế nội thất máy bay lớn cho nhiều tỷ phú. “Một chiếc Airbus A340 hay một chiếc Boeing 777 có giá bán từ 100 triệu USD trở lên, một chiếc second-hand (đã qua một đời chủ nhân) thân rộng rẻ nhất cũng từ 10 triệu USD trở lên. Phần nội thất làm theo yêu cầu, sở thích của khách hàng chí ít cũng tốn thêm khoảng từ 25 đến 30 triệu USD”, cô cho biết.
![]() |
Phòng ăn trên Airbus A380. |
Trung bình hàng năm, Airbus và Boeing cũng bán được từ 5-6 chiếc đắt tiền cho các tỷ phú sử dụng làm biệt thự trên không. Nhờ vậy mà Pierrejean, Doret và các chuyên gia thiết kế nội thất máy bay luôn có việc làm. Khách hàng của họ thường là những vương tôn công tử các nước Trung Đông giàu có, các tỷ phú là chủ nhân những tập đoàn kinh tế, khách sạn, hàng không phương Tây và các ngôi sao Hollywood. Diễn viên John Travolta sở hữu đến 4 chiếc, trong đó có chiếc 4 động cơ phản lực Boeing 707, anh có đến 8 bằng lái máy bay,trong đó có cả bằng lái Boeing 747-400.
Giới siêu giàu trên thế giới tranh nhau từng “tiếng gáy” không khác gì các con gà trống trong từng khu phố. “Nghe tin ai đó vừa mua máy bay lớn thì họ sẽ tìm mua chiếc lớn hơn hoặc chi nhiều tiền hơn để phần nội thất trên máy bay của họ nổi bật hơn”, Doret cho biết. “Thậm chí có một khách hàng yêu cầu tôi thiết kế cho ông ta một khoảng không gian dành cho các nữ vũ công khoả thân trổ tài trong lúc bay”.
Riêng Pierrejean đã trình cho một tỷ phú Ảrập giấu tên các bản phác hoạ nội thất chiếc A380 ông ta định mua. Nó có phòng chiếu phim, phòng cầu nguyện, phòng discotheque… “Không gian làm việc cá nhân, phòng họp lớn, phòng thư giãn, phòng ăn, phòng tiếp khách, phòng ngủ và buồng tắm rộng lớn là chuyện đều có thể có được trên những máy bay thân rộng và dài, chẳng hạn như Airbus A340, A380, Boeing 777. Chúng phải được trang bị các dàn computer, máy fax, scanner, điện thoại vệ tinh, internet băng rộng… để công việc của khách hàng không bao giờ bị gián đoạn”, anh cho biết.
![]() |
Phòng ngủ trên Boeng 777. |
Thời hậu biến cố 11/9, khi việc kiểm tra an ninh ở các nhà ga hàng không trở nên nghiêm ngặt và mất nhiều thời gian hơn, các tỷ phú liền chọn máy bay lớn làm không gian họp bàn với các cổ đông cỡ bự và đối tác đầu tư ngay tại sân bay, sau khi từ nơi nào đó bay đến. Và do máy bay quá rộng lớn nên chủ nhân của nó có thể mang theo bầu đoàn thê tử lẫn đội ngũ phụ tá thân cận. Như vậy, Pierrejean còn phải thiết kế phòng ăn cho 12 người ngồi, phòng xem truyền hình màn hình plasma cho 10 người, phòng chơi video game cho 6 người…
Vài chuyên gia cho rằng trong 10 năm nữa, Trung Quốc (TQ) sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ máy bay cá nhân trị giá hơn 9 tỉ USD. Số máy bay do các tỉ phú Trung Quốc sở hữu lúc ban đầu sẽ chỉ chừng 20 chiếc, nhưng rồi sẽ tăng lên 600 chiếc theo đà tăng “dân số tỷ phú” của nước này.
“Hiện nay, riêng khu vực lớn quanh trung tâm Los Angeles cũng đã có số máy bay tư nhân nhiều hơn toàn Trung Quốc. Nhưng rồi mọi chuyện sẽ khác hẳn”, ông David Dixon, phó chủ tịch khu vực của nhà sản xuất máy bay Bombardier Aerospace nhận định. Công ty Canada này đang sẵn sàng tranh thị trường máy bay tư ở TQ với các đối thủ quen thuộc là Gulfstream (thuộc tập đoàn General Dynamics) của Mỹ và Embraer của Brazil.
Hồi trung tuần tháng 9/2005, một tạp chí xuất bản tại Brazil cho biết cách đó 4 tháng, Embraer đã bán được một máy bay phản lực nhỏ có sức chở 13 hành khách với giá 21,5 triệu USD cho một công ty ở TQ. Ngoài ra, Boeing cũng đã bán được một chiếc Boeing Business Jet (BBJ, phát triển từ kiểu 737-700 rất hiện đại với trung bình 100 ghế vẫn thường được chào bán với giá từ 52-61 triệu USD) cho một khách hàng tư nhân giấu tên ở Hong Kong. Jim Eckes, giám đốc công ty tư vấn chuyên ngành IndoSwiss Aviation cho rằng ngay sau khi chính quyền Bắc Kinh cởi trói các giới hạn về tư hữu và vận chuyển hàng không dân sự, số cá nhân làm chủ máy bay sẽ tăng gấp hai lần sau mỗi năm.
Để lọt vào danh sách 100 người giàu nhất TQ do tạp chí Forbes (Mỹ) lập ra hàng năm, tiêu chuẩn tài sản sở hữu từ 6 triệu USD năm 1999 tăng lên 100 triệu USD năm 2003. “Nếu bạn có chừng đó tiền thì chuyện mua và sử dụng, bảo trì máy bay riêng là hoàn toàn trong tầm tay”, Eckes nhận xét. Theo Forbes, tài sản của các tỷ phú TQ hiện nay cộng chung khoảng 22 tỷ USD, trong khi tổng giá trị tài sản của danh sách 400 người giàu nhất ở Mỹ là 955 tỷ USD.
Kinh tế phát triển mạnh ở nhiều thị trường trên thế giới sẽ là yếu tố giúp ngành sản xuất kinh doanh máy bay phản lực dành cho các tỷ phú và tập đoàn công ty đạt kỷ lục giao hàng trong năm 2006. Honeywell International, một công ty chuyên cung cấp phụ tùng cho mảng thị trường đặc biệt này tin rằng trong năm 2006, các nhà sản xuất sẽ giao được khoảng 850 chiếc business jets mới. Công ty tư vấn chuyên ngành Morris Township ở New Jersey (Mỹ) cũng tin rằng số máy bay thương mại giao cho các tỷ phú và công ty cũng sẽ tăng cao trong hai năm 2006 và 2007. Kỷ lục cũ về giao máy bay công ty là vào năm 2001 với 769 chiếc. Số business jets dự kiến giao cho khách hàng trong toàn năm 2005 là 745 chiếc, cao hơn năm 2004 gần 30%. Honeywell dự báo từ nay đến năm 2015, các tỷ phú, triệu phú và tập đoàn sẽ mua tổng cộng 9.900 chiếc business jets các loại với tổng giá trị hơn 156 tỷ USD.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)