Tran Thang Long
Đã bận muốn chết, bao nhiêu chuyện lờ lớ đi không muốn nói, nhưng chuyện này không nói chẳng chịu được.
Kính thưa các anh, các chị, các bác, dì, chú, ông, các đoàn thể tầng lớp trong toàn xã hội.
- Người thì đề nghị phải đánh thuế ca sĩ thật cao vào, phải 75% hẳn hoi, thật bất công quá!
- Người thì bảo nếu là mình thì sẽ hát free (miễn phí)
- Người thì bảo có mấy chục triệu, ủng hộ quê hương tí tiền không được à?
Và vân vân sự tức giận, bàng hoàng, nổi khùng trước một số tiền quá to như thể chỉ cho một lần cất giọng.
Mọi người ạ, mình cũng từng choáng khi nhẩm tính cát-xê 1 tập (8 ngày quay) làm bà nội trợ cho Desperate Housewives là 375.000 USD, tương đương 7,8 tỷ đồng. Lúc công bố thông tin này, các bạn trẻ bên Mỹ tuyên bố: "Em cũng muốn làm nội trợ!". Đương nhiên. Một năm 23 - 24 tập, các chị đút túi 170-200 tỷ đồng. Seri dài 8 năm, mỗi năm tăng thêm kể từ năm thứ 7 các chị được tăng lương 25.000 USD mỗi năm cho mỗi tập, tương đương 525 triệu đồng. Nghe sao mà choáng váng.
Trên đời này, có một quy luật rất cơ bản mà chả hiểu sao nhiều người tự nhận nhiều tuổi vẫn chưa chịu hiểu, hoặc không muốn hiểu. Đó là: "Miếng bánh to nuốt chẳng dễ dàng".
Một là, các chị được trả lương cao thế, thì các chị phải nuôi cả một bộ máy ê-kíp, stylist, make-up, công ty luật, agency (đại lý) truyền thông, agency nhận hợp đồng, deal (ký kết) hợp đồng với một chi phí không rẻ. Nếu cát-xê bèo hơn thì thì các chị sẽ làm với các ê-kíp giá rẻ, còn với cát-xê hiện tại bắt buộc phải làm với ê-kíp xịn. Giống như bạn được lên chức lên lương thì bạn bắt buộc phải đi làm với những bộ đồ ở một giá tiền khác, đãi đồng nghiệp đi ăn ở những mức tiền khác vậy.
Hai là, trước khi đổi đời ngoạn mục như hiện nay, thì những năm tuổi 20, 30; các chị cũng vất vả chật vật giữa Hollywood với mọi vai diễn, cơ hội lớn bé, với những lần đậu vai mà chẳng biết phim mình là "bom tấn" hay "bom xịt", làm được 8 phần hay chỉ 3 tập đã bị cắt. Đến tuổi 40 mới hạ cánh được một cái show thế này, coi như có thể mỉm cười giữa cả nghìn diễn viên đang chật vật ở Hollywood như mình trước kia.
Ba là, ai cũng phải làm ăn. Nếu như các bạn chẳng điên bỏ ra 1 tỷ để ăn một ổ bánh mì thịt nguội bình thường, thì đương nhiên các ông lớn ngành giải trí cũng không rảnh tiền làm từ thiện cho diễn viên, ca sĩ vài tỷ nếu đó không phải là thả cá nhỏ nuốt cá khổng lồ. Sự có mặt của họ, sự diễn xuất của họ sẽ mang về cho bộ phim chừng đó tiền, và họ nhận những gì xứng đáng. Khi bộ phim mất sức hút, cát-xê của họ quá cao so với lợi nhuận, bộ phim sẽ phải ngừng lại. Thuận mua vừa bán.
![]() |
Mỹ Tâm phủ nhận chuyện hét cát-xê 6.000 USD. |
Đó là chuyện ở Mỹ. Giờ quay lại với chị Tâm.
Một là, những ai nhăn nhó đau khổ chuyện sao tiền một lần hát cao thế, thì cứ thử đi hát xem để có được giá như thế thì mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi tháng, mỗi năm phải đầu tư tiền như thế nào nhé. Bản thân những người này, nghe nhạc chẳng mất tiền, xem MV ca sĩ chẳng mất tiền, cười nhăn nhở khen hay chê dở rồi tắt, xem tivi thấy ca sĩ bảo: "Con này hát cũng được nhỉ, mà bài này nghe cũng lạ lạ, mà cái bộ con này mặc nhìn đẹp hơn mọi lần này". Chẳng bao giờ nghĩ xem người ta tốn bao nhiêu tiền, bao nhiêu công sức, chất xám; đến khi phải nghe nhạc thu phí thì giật đùng đùng trợn ngược mắt lên: "Chúng tôi nghèo lắm, ca sĩ chưa đủ giàu hay sao mà còn lấy 500, 1.000 đồng của chúng tôi", đến khi nghe mang máng cát-xê ca sĩ cao cũng lặp lại điệp khúc: "Ca sĩ chưa đủ giàu hay sao, hát free (miễn phí) đi". Hình như các bạn cứ mặc định là ca sĩ đang ăn cướp tiền của thiên hạ, mà thiên hạ cũng là các bạn, chứ chẳng bao giờ nghĩ chính mình đang ăn cướp công sức của người khác từ trong tư tưởng.
Hai là, ca sĩ thì nhiều, nhưng đến được mức ca sĩ có cát-xê cao như trên, tỷ lệ chọi cao chất ngất. Người muốn được ăn mặc đẹp, make-up đẹp, hát cho nghìn người nghe, lấy tiền tỷ thì chắc tỷ lệ cũng phải 90% dân số chúng ta. Loại bớt những người không có nhan sắc, không có giọng hát, quá đam mê những ngành khác ra, con số này vẫn còn hàng triệu. Nếu tính đến những ca sĩ vẫn miệt mài hát trên khắp mọi nẻo đường đất nước, âm thầm mong có một ngày được như Mỹ Tâm, hoặc 1/10 Mỹ Tâm cũng là quá hạnh phúc... chắc cũng hàng nghìn, hàng chục nghìn người chứ chẳng ít.
Kim cương đắt vì nó hiếm, vàng đắt vì nó quý. Ca sĩ, bác sĩ và những ngành nghề khác thu nhập cao vì ai cũng muốn làm nhưng không phải ai cũng làm được. Nghìn người muốn và đang làm ca sĩ, ngôi sao như Mỹ Tâm chỉ có một vài. Nhưng người ta cho rằng kim loại quý đắt là đương nhiên, còn con người quý hiếm có thu nhập cao thì là đang ăn cướp tiền của họ.
Ba là, ai cũng phải làm ăn. Chẳng ca sĩ nào "cưỡi gió, lượn mây", "sống trên núi tiền" nếu như sự xuất hiện của họ không xứng đáng, không nuôi cả nghìn người khác từ sự cống hiến của mình. Khán giả không dư hơi, bầu show chẳng rảnh tiền; nếu số tiền cát-xê đó không xứng, không thu lại về con số lớn hơn, ca sĩ đó chỉ có nước ngồi nhà xem ca sĩ hát khác trên TV. Vì ca sĩ muốn như họ, sẵn sàng hát free đầy ra, bầu show thích thì móc ra cũng chật sân khấu. Chẳng có gì mà cứ nhìn vào tiền thu nhập rồi kêu ca họ hét giá, vì thật là hét thì đã nghỉ hưu rồi.
Tóm lại là:
- Người tuyên bố nếu mình là Mỹ Tâm sẽ hát free, mời gọi điện cho Ban Tổ Chức hỏi xem mình hát free cho quê hương có được không để nhận câu trả lời. Hoặc đầu tư cho mình thành ca sĩ nổi tiếng rồi mai sau đi hát free hết các chương trình trên quê hương đất nước tôi.
- Người bảo rằng có mấy chục triệu, đóng góp cho quê hương không được hay sao; xin mời trích nửa tháng lương của bạn đóng góp để chương trình có tiền mời Mỹ Tâm, nhiều người như bạn là Mỹ Tâm đến rồi còn gì.
- Người bảo phải đánh thuế ca sĩ thật cao mới hợp lý, mời bạn liên lạc cơ quan thuế nộp thuế của bạn cho đủ, thuế của ca sĩ tự cơ quan thuế sẽ tận thu chứ mong gì thoát được.
Nói chung, nói người được thì mình hãy chủ động làm trước. Vậy đi đã.