'Đường hầm' tình yêu đẹp như cổ tích ở Ukraine 'Đường hầm' hoa tử đằng đẹp ngất ngây “Đường hầm Tình yêu” nằm giữa vùng Klevan và làng Orzhiz trên tuyến đường sắt Kovel - Rivine, kéo dài khoảng 7 km. Tuyến đường này chia thành 2 nhánh: một dẫn đến Klevan và một dẫn đến căn cứ quân sự có từ thời Chiến tranh Lạnh. Vào thời gian ấy, người ta trồng cây dọc theo tuyến đường để che giấu những hoạt động vận tải của quân sự. Sau khi xây dựng đường ray xe lửa, những bụi cây sau đó đã mọc tự nhiên bao quanh lấy con đường, trùm cả phía trên, khiến người đi trong đó cảm giác như đang đi trong một con đường hầm ngay trên mặt đất. “Đường hầm Tình yêu” được cắt tỉa gọn gàng nhờ những chuyến xe lửa chở hàng đi qua từ nhà máy gỗ dán Odek ở làng Orzhiv. Gỗ được thu thập và chuyển đến từ khắp nơi đến đây và sau đó được ép thành tấm. Những chuyến xe lửa chở gỗ này chạy qua “đường hầm” nhiều lần trong một ngày vì khoảng cách từ nhà máy đến đây rất gần nhau. Có khá nhiều nguồn tin cho biết về độ dài của “Đường hầm tình yêu” và chúng dao động khoảng 3 - 4 km. Con đường là hình ảnh đẹp nhất về một sáng tạo của tự nhiên, kết hợp ăn ý với một công trình nhân tạo. Cảnh tượng nơi đây còn biến đổi ngoạn mục hơn khi tiết trời vào hạ, lúc những phiến lá xanh mơn mởn. Hay vào mùa thu khi lá bắt đầu chuyển vàng và đỏ ối. Chưa hết, vào mùa đông, những trận tuyết rơi sẽ biến nơi đây trở thành một vương quốc tuyết trắng xóa như trong chuyện cổ tích. Chính vì thế, người dân địa phương gọi đây là "Đường hầm của tình yêu". “Đường hầm Tình yêu” đã nhanh chóng được nhiều người biết đến tại Ukraine. Cảnh tượng ngoạn mục nhưng không kém phần nên thơ này đã là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhiếp ảnh gia và những đôi lứa yêu nhau. Thậm chí, truyền thuyết còn kể rằng, nếu cặp đôi nào cùng nắm tay nhau đi trên con đường tình yêu bất tận này thì sẽ có thể ở bên nhau mãi mãi. Tuy nhiên, các hoạt động chụp hình này có ảnh hưởng không tốt đến việc vận hành của hệ thống xe lửa vì lái tàu phải hết sức tập trung. Vào năm ngoái, một phụ nữ Nhật Bản đã bị gãy phần xương hông chỉ vì bị xe lửa tông phải. Hơn nữa, ở đây hoàn toàn không có hoạt động bảo vệ hay giám sát nào. Cách đây nhiều năm, nhà máy gỗ đã đốn hạ khá nhiều cây để thuận tiện hơn cho việc di chuyển của xe lửa nhưng điều này đã vấp phải sự phản đối của người dân. Sau đó, cây cối ở đây được giữ nguyên vẹn và nhà máy không thực hiện các hoạt động thu dọn cây cối nữa. Phước Bình