- Ngành thời trang đóng băng khiến anh gặp những khó khăn gì thời gian qua?
- Cũng như nhiều ngành nghề khác, thương hiệu Chung Thanh Phong gặp nhiều rào cản khi dịch bệnh bùng phát. Trước đây, tôi chia hai mảng rõ ràng, một bên là các hoạt động xây dựng, khuếch trương thương hiệu thông qua sự kiện giải trí, một bên là công việc kinh doanh. Thời gian này, tôi phải ngừng nhiều dự án, kế hoạch đề ra trước đó. Mọi công việc đều không đúng deadline mong muốn, từ lịch trình ra mắt bộ sưu tập mới đến các buổi workshop, giới thiệu sản phẩm cũng phải hủy hết. Hai năm nay, tôi cũng không thể tổ chức fashion show cá nhân.
Sau 4 tháng đình trệ, công việc kinh doanh của tôi ảnh hưởng lớn nên phải xoay sở để duy trì hoạt động. Thương hiệu Chung Thanh Phong đang nắm 4 mặt bằng, trong đó 3 showroom ở quận 1, 1 showroom ở quận 10, tất cả đều phải đóng cửa. Dù trong thời gian giãn cách, chủ nhà giảm 50% chi phí, việc kiếm đủ doanh số hàng tháng duy trì mặt bằng là việc rất khó khăn. Thời gian qua, tôi nỗ lực làm được điều đó, tuy nhiên cũng không thể kéo dài quá lâu nếu không quay lại hoạt động. Bên cạnh đó, việc xưởng đóng cửa, nhân viên nghỉ ở nhà hay vấn đề ship hàng cho khách cũng là những điều khiến tôi đau đầu.
- Doanh thu của anh trong thời dịch thay đổi thế nào so với trước đây?
- Doanh thu của Chung Thanh Phong giảm từ 50-80% so với trước dịch, đặc biệt là về mảng thời trang cưới. Tôi phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba công suất bình thường để không phải bù lỗ, duy trì bộ máy, vận hành cơ bản cho một thương hiệu. Trong bối cảnh này, tôi nghĩ ai chịu khó thay đổi tư duy mới có thể phát triển trong tương lai, còn giữ cách làm cũ thì việc đi xuống là không tránh khỏi.
- Anh có những hành động nào để duy trì và phát triển thương hiệu?
- Tôi xác định mỗi khách hàng đến với mình trong thời gian này đều đáng quý, vì vậy tôi thực hiện các chiến dịch chăm sóc khách hàng cũ một cách chu đáo nhất. Vì không thể ship hàng ngay, tôi viết thư tay, gửi đến từng khách hàng mong thông cảm. Với những khách chờ đơn lâu, tôi có thêm quà tặng, ưu đãi. Những khách cần tư vấn, chúng tôi nhiệt tình gấp đôi so với bình thường để nắm bắt rõ nhất nhu cầu của họ.
Bên cạnh đó, tôi mở rộng tệp khách hàng mới trên các kênh online và social như Facebook, Instagram hay TikTok. Thời gian này, mọi người hầu như chỉ ở nhà, làm việc online, chụp ảnh và quay video đăng lên mạng xã hội, vì thế nếu ngày xưa tôi sản xuất song song các dòng cao cấp và trung cấp thì nay, tôi giảm tỷ lệ sản xuất hàng cao cấp xuống 20-30%, tập trung 70-80% còn lại cho những dòng hàng phù hợp túi tiền nhiều người hơn. Tôi cũng xác định sau này, khi showroom được mở cửa trở lại, có thể nhu cầu khách hàng lúc đó đã thay đổi. Họ ngại đến showroom hay tụ tập ở các fashion show. Thay vào đó, tôi hướng đến hình thức ra mắt BST online giống nhiều thương hiệu trên thế giới, hoặc thực hiện các buổi quay dựng, chụp lookbook cho phép khách hàng tương tác trên mạng xã hội.
- Anh giải quyết khó khăn về mảng thời trang cưới thế nào?
- Đây là mảng ảnh hưởng doanh thu nặng nhất trong các dòng hiện tại của Chung Thanh Phong. Tôi thương khách hàng vì đây là sự kiện cả đời nhưng không thể tổ chức được. Tôi trở thành những người bạn đồng hành, sẵn sàng lắng nghe nhu cầu, khúc mắc của khách để tư vấn tốt nhất. Tôi kết nối với khách hàng nhiều hơn thông qua video call, cung cấp thông tin hay những phương án dự phòng tốt nhất cho đám cưới của họ.
Với những khách hàng đã đặt cọc, tôi có chính sách hỗ trợ, linh động kế hoạch tối đa để phù hợp lịch trình cưới của họ trong tương lai. Với những khách hàng chưa biết bao giờ mới có thể tổ chức hôn lễ, tôi tư vấn mẫu mã và thiết kế trước, lên kế hoạch cho họ. Những người quyết định đặt cọc sớm, tôi sẽ cho họ ưu đãi đặc biệt, đồng thời hỗ trợ họ 2 năm nếu muốn thay đổi lịch trình, mẫu mã, chất liệu váy...
- Giá thành sản phẩm của anh thay đổi gì so với trước đây?
- Tôi giữ vững chất lượng ở tất cả dòng hàng từ cao cấp đến tầm trung, từ áo cưới đến mảng studio, tuy nhiên có sự cân chỉnh phù hợp. Với thời trang cao cấp hoặc Haute Couture, tôi không chọn hình thức giảm giá vì sẽ làm mất giá trị thương hiệu. Thay vào đó, tôi thực hiện những chương trình như "last items" giúp khách hàng có thể mua được 1-2 chiếc cuối cùng trong bộ sưu tập với giá hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, tôi phát triển dòng sản phẩm tầm trung với giá khoảng 2-8 triệu đồng, có mẫu mã mang tính ứng dụng cao. Nhờ việc mở thêm nhiều gói giá, dòng sản phẩm phù hợp túi tiền hay chính sách chăm sóc, hỗ trợ khách hàng, tôi may mắn được nhiều khách trong và ngoài nước ủng hộ.
- Anh vận hành bộ máy nhân sự thế nào trong thời dịch?
- Đại dịch ảnh hưởng quá khủng khiếp nên dù có nhiều phương án dự phòng, thương hiệu vẫn bị ảnh hưởng lớn. Do đó, tôi phải đưa ra những cách thức làm việc mới để duy trì, ổn định hoạt động bộ máy, nhân sự nòng cốt. Tôi đòi hỏi nhân viên đa zi năng hơn. Trước đây, mỗi người chỉ bán online hoặc offline, tuy nhiên giờ đây họ được training một lúc đảm nhiệm nhiều công việc, phải teamwork để hoạt động hiệu quả tại nhà.
Xưởng may đóng cửa nhưng nhân sự, kỹ thuật may thì vẫn phải hỗ trợ tối đa để họ giữ được mức sống ổn định trong thời dịch. Tôi trả cho nhân viên mức lương căn bản tối thiểu 30-50%, bên cạnh đó các nhân viên online có KPI cụ thể, nếu tăng ca hay đạt doanh thu tăng trưởng thì vẫn được thưởng đúng công sức.
Tôi quan niệm nhân sự sống thì doanh nghiệp mới có thể sống, vì thế hai bên phải có kết nối, đồng cảm với nhau. Tôi lắng nghe đời sống, tâm tư của các anh chị em để giao họ công việc phù hợp năng lực, năng suất. Ví dụ các nhân sự cắt rập, đính kết, tôi tạo điều kiện cho họ làm việc tại nhà bằng cách set-up thêm máy móc hay mở rộng, nhận thêm công việc khác nếu họ có nhu cầu. Điều này có thể làm phát sinh chi phí nhưng thuận lợi hơn cho các nhân viên trong thời dịch.