Cuối phiên giao dịch ngày 13/3 (tức rạng sáng nay theo giờ Việt Nam), chỉ số S&P 500 giảm 2,04%, Dow Jones Index giảm 1,97%. Chứng khoán châu Âu trước đó cũng trải qua phiên giao dịch ảm đạm, chỉ số FTSE 100 ở London và một số hàn thử biểu khác ở Đức, Pháp đều mất điểm với mức trên 1%. Thông tin không mấy sáng sủa về tình hình cho vay cầm cố và sự sa sút trong lĩnh vực bán lẻ ở Mỹ khiến giới đầu tư nơi đây hoang mang. Hiệp hội các nhà băng cho vay cầm cố ở Mỹ cho biết tỷ lệ nợ quá hạn trong quý 4 năm ngoái đã lên đến 4,95%, tăng so với mức 4,67% của quý trước đó. Nhiều người lo ngại rồi đây tiêu dùng của một bộ phận dân chúng sẽ giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, vì vậy vội vàng bán ra những tài sản có tính rủi ro cao như cổ phiếu để đầu tư vào kênh an toàn hơn, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ. Trong phiên giao dịch hôm qua tại New York, cổ phiếu ngân hàng, tài chính và bất động sản giảm giá mạnh nhất. Cổ phiếu của Goldman Sachs mất 1,8% giá trị, dù báo cáo trước đó cho thấy lợi nhuận của công ty này rất tốt. Một số mã khác còn sụt mạnh hơn, Lehman Brothers giảm 5,9%, Bear Stearns mất 6,65%. Đám mây đen từ phố Wall khiến sàn chứng khoán Tokyo cũng vô cùng ảm đạm. Mới đầu giờ giao dịch sáng nay, chỉ số Nikkei đã giảm tới 512,04 điểm, tương đương 2,98%. Các nhà đầu tư nước ngoài trong mấy phiên gần đây liên tục mua vào thì sáng nay lại ồ ạt bán ra. Tại Australia, chỉ số S&P ASX200 giảm 1,8%. Hang Seng Index ở Hong Kong trượt dài với mức 2,7%. Các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đồng loạt giảm 1,7-2,8%. Hôm 27/2, chứng khoán thế giới rơi vào suy thoái sau khi giới đầu tư đua nhau tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc. (Theo VnExpress) |