![]() |
Đau đầu vì chứng khoán giảm tại thị trường New York, Mỹ. |
Chỉ số Dow Jones giảm gần 387 điểm, tức 2,8% xuống dưới 13.500 điểm (mức giảm lớn nhất kể từ sau cú giảm 416 điểm hồi cuối tháng hai vừa rồi) trong khi chỉ số S&P giảm 1,7% và Nasdaq giảm 1,4%. Ở châu Âu, chỉ số FTSE ở London cũng giảm 1,7%; CAC 40 ở Pháp giảm 2% và DAX của Đức giảm 1,9%.
Trong thời gian gần đây, lãi suất tăng cao đã dẫn đến khả năng trả tiền ở thị trường cho vay thứ cấp Mỹ giảm, dẫn đến những lo ngại điều này sẽ có tác động mạnh tới nền kinh tế Mỹ và thế giới. Lo ngại chính hiện nay là nếu ngân hàng không thu được lợi nhuận hoặc bị lỗ từ hoạt động cho vay họ sẽ không muốn tài trợ cho các vụ mua bán công ty như thời gian vừa qua, những hoạt động đã khiến thị trường chứng khoán tăng mạnh. Sự sụp đổ của American Home Mortgage, công ty cho vay tiền mua nhà lớn thứ mười của Hoa Kỳ, đã gia tăng các lo ngại này.
Thị trường chứng khoán châu Á cũng rơi vào tình trạng ảm đạm hôm qua sau khi giá cổ phiếu giảm mạnh ở thị trường New York. Chỉ số của cả tám thị trường chính ở đây đều giảm 2-4%. |
Ngay sau diễn biến này, Ngân hàng BNP Paribas của Pháp đã ra tuyên bố ngưng hoạt động của ba quỹ đầu tư trị giá 2 tỷ Euro trong thị trường cho vay tiền mua nhà thứ cấp. Các nhà phân tích đều nhận định nếu khủng hoảng tín dụng thật sự xảy ra, ảnh hưởng của nó sẽ vô cùng lớn, thậm chí còn có thể lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cách đây mười năm. “Chúng ta đang chứng kiến sự đổ vỡ nhất định các nền tảng của thị trường’’, ông Steve Goldman, một chuyên gia phân tích của Weeden & Co., nói.
Ngân hàng trung ương các nước đã phải nhanh chóng vào cuộc để kìm phanh cuộc khủng hoảng này. Ngân hàng trung ương Nhật hôm qua đã rót 1.000 tỷ Yen (8,5 tỷ USD) vào thị trường tài chính sau khi các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ cùng có động thái tương tự để bình ổn làn sóng ngầm ở thị trường tín dụng thứ cấp. Đây là lần đầu tiên các ngân hàng trung ương cùng phối hợp bơm tiền vào thị trường kể từ sau lần phối hợp gần đây nhất sau cuộc tấn công 11/9/2001.
Ngân hàng trung ương châu Âu cũng bơm khoảng 95 tỷ euro (130 tỷ USD) vào thị trường tài chính nhằm giảm bớt lo lắng về nguy cơ khủng hoảng thị trường tài chính ở thị trường cho vay nhà ở Mỹ. Ngân hàng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng bơm khoảng 24 tỷ USD vào thị trường. Bộ Ngân khố Mỹ trong ngày thứ hai liên tiếp cũng ra yêu cầu cần đảm bảo an toàn cho các khoản vay của chính phủ.
(Theo Tuổi Trẻ)